"Tôi lo lắng về tiền bạc nhưng không thể ngừng mua sắm"

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - "Mua đồ qua mạng rất dễ dàng khiến tôi tiêu xài nhiều hơn nhưng lần nào sau khi mua sắm tôi cũng cảm thấy tội lỗi", một cô gái tâm sự.

Một cô gái trẻ giấu tên đã xin lời tư vấn từ chuyên gia tài chính nổi tiếng Paco de Leon khi cô lo lắng rằng mình đang tiêu quá nhiều tiền.

Cô gái trẻ cho biết: "Tôi vừa tốt nghiệp đại học và kể từ khi đại dịch Covid-19 hoành hành, tôi đã chi tiêu nhiều hơn. Tôi chưa bao giờ có xung đột về tiền bạc với bất kỳ ai vì tôi rất độc lập, nhưng tôi có những xung đột nội tâm khiến tôi cảm thấy thực sự tồi tệ nếu tiêu tiền vào thứ gì đó đắt đỏ.

Tôi nhận thức rõ về giá cả các mặt hàng đang tăng cao. Vì vậy tôi đang cố gắng tiết kiệm nhiều hơn. Tuy nhiên, mua sắm cho tôi cảm giác vui vẻ và việc mua hàng online dễ dàng khiến tôi có xu hướng tiêu nhiều tiền hơn dù lần nào mua sắm xong, tôi cũng cảm thấy tội lỗi.

Tôi có một công việc tốt. Vì vậy tôi cảm thấy mình không nên quá căng thẳng về tiền bạc nhưng tôi vẫn luôn rơi vào tình trạng lo lắng. Tôi lo về khoản tiết kiệm của mình vì tôi không muốn làm việc cho đến hết đời. Tôi mới 22 tuổi và tôi dự kiến là khi 65 tuổi, tôi sẽ nghỉ hưu.

Tôi liên tục nghĩ về tiền nhưng tôi thực sự không muốn mình phải lo lắng nhiều tới vậy. Hãy cho tôi một lời khuyên".

Tôi lo lắng về tiền bạc nhưng không thể ngừng mua sắm - 1

Nhiều bạn trẻ chưa biết cách kiểm soát chi tiêu (Ảnh minh họa: Parade).

Người sáng lập công ty tài chính The Hell Yeah, Paco de Leon, chia sẻ: "Có một số tiêu chuẩn chung mà bạn có thể sử dụng để đánh giá xem các lĩnh vực khác trong cuộc sống của bạn có bị ảnh hưởng bởi thói quen chi tiêu của bạn hay không.

Ví dụ, sẽ có chút vấn đề nếu bạn chỉ đang tiết kiệm dưới 5% thu nhập của mình, khoản nợ thẻ tín dụng của bạn dường như không bao giờ giảm và bạn thường xuyên thấy căng thẳng về tiền.

Tốt nhất bạn nên xem kỹ các khoản chi tiêu gần đây của mình để biết chính xác liệu bạn có mua sắm quá nhiều hay không.

Sau khi có dữ liệu, bạn sẽ sử dụng thông tin đó để lập một kế hoạch chi tiêu linh hoạt giúp bạn cân bằng các mục tiêu tài chính trong tương lai.

Để đơn giản hóa vấn đề, hãy phân chia tất cả các khoản chi tiêu của bạn thành ba loại chính: Thanh toán hóa đơn; Các khoản chi đem lại niềm vui và cuối cùng là tiết kiệm và đầu tư cho tương lai. Tìm hiểu xem, số tiền bạn từng chi tiêu mỗi tháng cho mỗi danh mục là bao nhiêu.

Về cơ bản, quy tắc 50-30-20 là tiêu chuẩn chung để xác định xem bạn có đang chi tiêu quá nhiều hay không. Theo quy tắc này, 50% khoản chi tiêu của bạn nên dành cho những nhu cầu thiết yếu trong danh mục "thanh toán hóa đơn" như tiền thuê nhà, mua thực phẩm, chi phí đi lại, chăm sóc sức khỏe...

30% chi tiêu được phân bổ cho nhu cầu của bạn trong danh mục "các khoản chi vui vẻ". Đây là khoản chi tiêu cho những thứ không quá thiết yếu, bao gồm mua sắm trực tuyến.

Khoản chi này không cấp thiết nhưng rất thú vị và mang lại niềm vui cho cuộc sống của nhiều người. Cuối cùng, 20% còn lại sẽ dành cho khoản tiết kiệm, đầu tư cho tương lai và mục tiêu của bạn.

Bạn cần phân chia thu nhập của bạn thành ba khoản tiền để sử dụng như đã kể trên. Đặt các khoản chi tiêu thiết yếu, tiết kiệm và đầu tư lên hàng đầu.

Bằng cách phân chia rõ ràng khoản tiền để chi tiêu cho niềm vui. Đây là một cách đơn giản để bạn tự áp đặt giới hạn về số tiền bạn sẽ chi tiêu mua sắm mỗi tháng.

Bất cứ khi nào bạn cảm thấy muốn mua thứ gì đó trực tuyến, hãy xem xét xem điều gì đã kích thích bạn lao vào mua sắm. Đó có phải là vì bạn xem quảng cáo trên mạng xã hội hay nhận email quảng cáo hàng giảm giá? Tìm cách để hạn chế bản thân tiếp xúc với các yếu tố kích thích thói quen "mua sắm bạt mạng" của bạn.

Bạn cũng có thể lập danh sách những thứ bạn muốn mua, những món đồ bạn thích mua dù không cấp thiết và không quá cần thiết.

Bạn nên dành thời gian nghiên cứu kỹ hơn về thứ bạn muốn mua và tìm hiểu chi tiết về món đồ đó thay vì quyết định mua đồ "trong một nốt nhạc". Đưa ra quy tắc về thời gian bạn sẽ giữ thứ gì đó trong danh sách "đồ muốn mua" trước khi mua nó. 

Ví dụ, xem xét kỹ về món đồ này trong 24 giờ. Cân nhắc, đánh giá xem bạn có thực sự cần món hàng này hay chỉ là "mua thêm cho vui".

Nếu bạn vẫn cảm thấy tội lỗi về việc chi tiêu bất chấp những thay đổi trong thói quen mua sắm của mình thì có thể có một số vấn đề sâu xa hơn cần khám phá (ví như quá khứ nghèo khổ). Hãy dành thời gian suy nghĩ về cảm xúc của bạn về việc chi tiêu. Tìm hiểu xem cảm giác "thấy tội lỗi vì mua sắm" đến từ đâu?  

Cá nhân tôi đi lên từ cảnh túng thiếu nên dù giờ đây đã khá giả hơn nhưng vẫn sẽ có những khoảnh khắc tôi nằm trên giường, nghĩ về món đồ đắt tiền mà tôi đã mua hai ngày trước và cảm thấy "xót của".

Trong những khoảnh khắc đó, tôi thường hít một hơi thật sâu và tự nhủ: "Mình vẫn an toàn về tài chính mà". Một câu tự nhủ đơn giản như vậy nhưng với tôi, nó vẫn hiệu quả một cách đáng ngạc nhiên.

Bạn có thể mua đồ cho bản thân, đặc biệt nếu bạn có khả năng chịu trách nhiệm với tiền của mình bằng cách đầu tư và tiết kiệm cho tương lai nhưng bạn cũng có thể tạo thêm niềm vui cho bản thân bằng những cách khác, không liên quan tới việc tiêu tiền".