Tiết kiệm tiền không phải chỉ là "phòng khi khó khăn"

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - Nhiều bạn trẻ "biết vun vén" nghĩ đơn giản rằng, tiết kiệm tiền là "phòng khi khó khăn còn có cái mà tiêu" nhưng thực ra, bạn cũng có thể nghĩ một cách tích cực hơn về mục đích của việc tiết kiệm.

Khái niệm tiết kiệm tiền được nhiều người, trong đó có các bạn trẻ nghĩ rằng, nó dành cho những dịp khẩn cấp, khi ta rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính "thì còn có cái mà tiêu".

Suy nghĩ này không sai nhưng có thể sẽ khiến chúng ta cảm thấy sợ hãi và căng thẳng. Việc tiết kiệm tiền trở thành một nỗi lo ám ảnh nhiều người nếu như mọi người chỉ nghĩ rằng, tiền tiết kiệm dùng khi ốm đau, mất việc làm...

Gần đây, Emma Edwards, cây bút trẻ chuyên về lĩnh vực tài chính kiêm chủ kênh podcast nổi tiếng The Broke Generation đã có chia sẻ thú vị về mục đích của việc tiết kiệm tiền. Cô đưa ra góc nhìn mới vui vẻ và tươi sáng về thói quen này.

Edwards bày tỏ: "Một trong những lời khuyên cơ bản nhất về tiết kiệm tiền là "dành cho khi khó khăn". Điều đó thật tuyệt, hãy tiếp tục làm vậy. Nhưng nếu chúng ta cũng tiết kiệm cho một ngày tốt đẹp thì sao?".

Quỹ cho "ngày vui" gần như ngược lại với quỹ "phòng khi khó khăn". Đó là tiết kiệm tiền cho những dịp vui vẻ, hay như Edwards nói, đó là "tiền dành riêng cho việc nắm bắt cơ hội".

Cô nói: "Khoản tiết kiệm dự phòng "khi khó khăn" mang lại sự bảo vệ còn khoản tiết kiệm "ngày vui" mang lại sự cho phép. Khi bạn tiết kiệm tiền cho những dịp vui vẻ. Bạn có quyền làm mọi việc mà không cần phải đợi đúng thời điểm hoặc không cần phải đợi cho đến khi bạn xử lý xong các con số".

Tiền là một yếu tố tạo ra những cơ hội tuyệt vời. Đồng thời, nó cũng có thể là chất ức chế trải nghiệm. Một lời mời dự tiệc có thể bị ảnh hưởng bởi chi phí mua váy áo, tiền taxi đi và về quá đắt đỏ.

Lời đề nghị hẹn hò có thể phải bị từ chối vì chi phí cà phê, ăn uống quá tốn kém. Sinh nhật của một người bạn thân có thể khiến bạn lo lắng khi biết rằng bạn không có đủ tiền để mua một món quà tốt.

Ý tưởng tiết kiệm tiền cho những chuyến đi chơi tự phát và vui vẻ có thể không khả thi đối với nhiều người bởi họ cảm thấy có những nhu cầu thiết yếu khác trong cuộc sống nên được ưu tiên hơn. Đó là lý do tại sao Edwards xem quỹ "ngày vui" như một viễn cảnh tươi đẹp, chứ không phải là một chiến lược tài chính.

"Tiết kiệm tiền có thể được sử dụng cho những điều tích cực cũng như tiêu cực. Hãy liên kết tiền với cả niềm vui và nỗi buồn", Emma Edwards chia sẻ.

Tiết kiệm tiền không phải chỉ là phòng khi khó khăn - 1

Nhiều người duy trì thói quen tiết kiệm tiền hàng tháng (Ảnh minh họa: Freepik).

Quỹ "ngày vui" của mỗi người sẽ khác nhau và Edwards nhấn mạnh rằng, bạn có thể bắt đầu tiết kiệm từ những khoản nhỏ. "Tiết kiệm cho "ngày vui" không nhất thiết phải là chuẩn bị tiền cho những chuyến du lịch nước ngoài.

Đó chỉ đơn giản là bạn có thể ra ngoài cuối tuần, đi xem ca nhạc, ăn tối nhà hàng. Hoặc có thể nghỉ một ngày không lương, đi chơi ngoại thành với bạn bè", cô nói.

Trên thực tế, điều này giống như việc bạn chủ động chia nhỏ kế hoạch tiết kiệm của mình và tách riêng khoản tiết kiệm dự phòng "khi khó khăn" và khoản tiết kiệm "ngày vui". Bất kể bạn tiết kiệm được bao nhiêu, đó là sự thay đổi trong cách bạn nhìn nhận về tiền tiết kiệm của bạn.

"Việc kết nối cảm xúc với thói quen tiết kiệm cho những điều tích cực sẽ có động lực hơn nhiều so với việc tiết kiệm cho những điều tiêu cực", Emma Edwards bày tỏ.

Quỹ tiết kiệm mang tên "ngày vui" sẽ mang tới cho bạn những suy nghĩ tích cực và lạc quan hơn trong cuộc sống mỗi ngày. Bạn không cần phải tiết kiệm được quá nhiều nhưng chắc chắn khi có dịp dùng đến nó, bạn sẽ cảm thấy hài lòng, tự mãn và vui vẻ.

Theo Refinery

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm