"Tôi cảm thấy bị bỏ rơi vì nghèo hơn bạn bè"
(Dân trí) - "Tôi cảm thấy như mình không thể theo kịp bạn bè vào lúc này vì vấn đề tiền bạc. Làm thế nào để nói ra điều đó mà không khiến mọi người cảm thấy khó chịu", cô gái trẻ chia sẻ.
Một cô gái tên là Emily, 26 tuổi, chia sẻ: "Tôi cảm thấy như mình không thể theo kịp bạn bè vào lúc này vì vấn đề tiền bạc. Tôi vẫn có công việc của mình nhưng vì tôi đã không được thăng chức trong vài năm nay nên lương tôi vẫn vậy trong khi bạn bè tôi có nhiều tiền hơn và họ đã thay đổi lối sống.
Tôi phải lo tiền thuê nhà, thanh toán đủ loại hóa đơn và trang trải chi phí cho cuộc sống trong khi mọi thứ đều tăng giá. Tôi không thể đủ khả năng chi trả cho một bữa tối đắt đỏ như bạn bè.
Làm thế nào tôi có thể nói chuyện với bạn bè về vấn đề này? Tôi từng từ chối gặp gỡ bạn bè nhưng sau đó, tôi cảm thấy buồn và cô đơn khi ở nhà. Tuy nhiên tôi không biết làm thế nào để nói ra điều đó mà không khiến mọi người cảm thấy khó chịu và bị phán xét".
Tiến sĩ Sheri Jacobson, nhà trị liệu tâm lý với hơn 17 năm kinh nghiệm, đồng thời là người sáng lập một phòng trị liệu nổi tiếng ở Anh, đã có câu trả lời cho vấn đề này. Cô nói: "Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang ảnh hưởng đến nhiều người nhưng thật khó để tránh khỏi cảm giác xấu hổ vì "không bằng bạn bằng bè".
Chúng ta thường muốn hòa nhập với bạn bè và phù hợp với các tiêu chuẩn của một nhóm. Vì thế khi chúng ta không được như bạn bè, chúng ta dễ cảm thấy xấu hổ. Để điều hướng những cảm giác không thỏa đáng đó, tôi khuyên bạn nên hướng tới một nhóm rộng lớn hơn.
Khi bạn gặp nhiều người hơn, bạn có thể sẽ thấy rằng không phải chỉ mình bạn gặp khó khăn trong vấn đề tài chính. Vì vậy, bạn nên có một số cuộc trò chuyện mở ra cơ hội để nói về vấn đề đó.
Bạn cũng có thể tiếp cận nó theo cách hài hước, đại loại như: "Mọi thứ đang đắt hơn rất nhiều và điều đó khiến tôi cảm thấy già đi vì tôi chỉ nhớ khi giá cả rẻ hơn bây giờ". Thật ra, rất có thể nhiều bạn bè của bạn cũng cùng hoàn cảnh như bạn.
Tiền luôn là một trong những chủ đề nhạy cảm nhất trong các mối quan hệ và chúng ta thường không thấy thoải mái khi cởi mở về vấn đề này với người khác. Tuy nhiên khi bạn che giấu hoàn cảnh của mình, bạn cố gồng để "giống bạn bè" sẽ dẫn tới tình trạng bội chi hoặc nợ nần. Lúc đó, bạn còn gặp khó khăn hơn nhiều.
Như tôi đã nói, rất nhiều người có thể sẽ gặp phải vấn đề giống như bạn và việc công khai vấn đề này, nhìn chung sẽ hữu ích hơn nhiều, không chỉ cho bạn mà còn cho bạn bè của bạn.
Bạn có thể thành thực nói với bạn bè rằng: "Tôi đang cảm thấy lo lắng về tiền bạc" hoặc "Tôi cần nói chuyện về một điều khiến tôi lo lắng". Bạn có thể chia sẻ điều này với người mà bạn cảm thấy thân thiết nhất hoặc nói thẳng với cả đám bạn của mình.
Có rất nhiều cách để có cuộc trò chuyện như vậy và lợi ích chính là bạn có thể chia sẻ khó khăn và từ đó tìm ra giải pháp cho vấn đề.
Khoảng thời gian lễ Tết trong năm, bạn sẽ càng rơi vào tình trạng khó khăn vì phải chi tiêu nhiều hơn. Nếu có thể, bạn nên thẳng thắn nói rằng bạn đang thực sự "bí tiền" vào lúc này và đề nghị thay thế món quà vật chất bằng những món quà khác.
Bạn không cần phải cố "gồng gánh" chi nhiều tiền tặng quà hoặc lì xì cho mọi người dịp năm mới. Những món quà tinh thần hoặc quà cáp đơn giản nhưng đầy ý nghĩa và thật sự chân thành vẫn sẽ được bạn bè, người thân của bạn trân trọng.
Bên cạnh đó, bất cứ khi nào bạn cảm thấy bản thân đang quá phán xét chính mình chỉ vì "mình nghèo", bạn nên nhìn nhận vấn đề nhẹ nhàng hơn và đối xử với bản thân như cách bạn sẽ làm với bạn bè.
Điều đó có nghĩa là bạn đã nhận ra rằng chúng ta không đơn độc trong tình huống này, rất nhiều người đang phải đối mặt với nó và chúng ta chỉ cần đánh giá đúng mức độ khó khăn của tình huống bởi đôi khi, chúng ta thường là những nhà phê bình tồi tệ nhất của chính mình.
Mặt khác, nếu bạn cảm thấy bạn bè tỏ ra phán xét khi bạn nói về việc bạn "ít tiền", bạn nên xem lại bạn bè nếu họ không thể chấp nhận, thông cảm cho hoàn cảnh của bạn".