Tình và nghĩa

(Dân trí) - “Mỗi hành động nhân ái là bậc đá dẫn đến Thiên Đường” - H. W. Beechev

Trung tâm Hỗ trợ khách hàng một trưa hè đông khách:

 

Màn hình của trưởng ca nhấp nháy: “Bé X, bị bệnh máu trắng, hiện đang cần thay máu gấp. Hãy gửi tin nhắn này đến toàn list của bạn. Mỗi một tin nhắn sẽ được YM tặng 200VND vào quỹ giúp bé X…”

 

Bận rộn công việc với khách suốt cho đến giờ nghỉ trưa, cô trưởng ca vẫn ám ảnh về tình huống của bé X. Là dân hightech chính cống, dù biết rằng có chuyển tiếp tin nhắn cho toàn list, sẽ làm ách tắc thêm server YM, cô vẫn áy náy. Tặc lưỡi, sự nhân ái chiến thắng “...biết đâu”, cô trưởng ca đã fwd tin nhắn, không chỉ cho YM mà toàn bộ các list chat nhấp nháy trên màn hình của cô.

 

Chợ Thành Công, một buổi sáng náo nhiệt:

 

Teen chở mẹ đi chợ. Tai nghe iPOD lủng lẳng, áo hai dây, teen đi theo mẹ chỉ vì mẹ cần xách hộ làn đi chợ, mà chợ thì xa nhà, và hôm nay nhà có khách. Khách lại là bạn teen.

 

Mẹ chăm chú lựa thứ này thứ kia, Teen thì chỉ mơ màng theo bài hát trong iPOD. Thốt nhiên, mẹ giật mình vì thấy Teen kéo áo. Cô bé đòi mẹ mua bằng được sảo cá rô phi đang sột soạt. Mẹ lẩm bẩm: “Quái, có bao giờ thấy con bé chịu đụng đũa gắp cá rô đâu nhỉ?”

 

Cô bé đăm chiêu đến tận khi chở mẹ ngang qua hồ Ngọc Khánh, trái ngược với gương mặt sống động khi nghe nhạc lúc mới đến chợ. Nó lẳng lặng tháo làn, thả xuống nước toàn bộ sảo cá vừa mua. Gương mặt nó bừng sáng hẳn lên khi nhìn cả đàn cá ngoắt đuôi, lặn sâu xuống làn nước xanh ngắt sớm hạ

 

Khu tập thể A, đêm mưa:

 

Bài tham gia diễn đàn "Nghĩ về Tình và Nghĩa trong đời sống hiện đại", xin gởi về địa chỉ: Cô Tô Quý Lộc, Công ty VinaGame, 459B Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TPHCM.

 

- Thư điện tử: Ghi rõ tiêu đề Bài tham gia diễn đàn "Nghĩ về Tình và Nghĩa trong đời sống hiện đại" gởi về địa chỉ email: loctq@vinagame.com.vn

Khuya lắm rồi, anh không ngủ được… Nỗi nhớ D bóp nghẹt trái tim anh. Đàn ông thường ít có linh cảm, vậy mà anh sau những biến cố lớn của cuộc đời, anh tự dưng cảm nhận thấy “giác quan thứ sáu” của mình hoạt động. Lồm cồm ngồi dậy, vất vả với chỉ một cánh tay hoạt động, mở Inbox, anh thấy email mới của D nhấp nháy. Lá thư đẫm nỗi nhớ và mong muốn hàn gắn.

 

Hai người yêu nhau quá lâu, đồng cam cộng khổ những nỗi khổ của thời sinh viên xa nhà, của những ngày vất vả tìm việc, chia sẻ với nhau bao thăng trầm cả về sự nghiệp cũng như sức khỏe… Mắt anh nhòa đi vì tình yêu và cả chữ nghĩa lớn quá. Anh biết chỉ cần nhấc điện thoại, chỉ cần một nút click reply là cảm giác mất mát, nhức nhối trong lòng sẽ hết. Nhưng… chữ Tình và chữ Nghĩa trong anh đã chiến thắng!

 

Yêu, đâu có phải là sở hữu? Tình yêu trong anh lớn hơn cái Tôi ích kỉ! Anh không thể đem cảm giác cá nhân để làm cô gái anh yêu và chính bản thân phải đối mặt với những khó khăn quá lớn khi cùng chung sống.

 

Mưa cứ rả rích, chàng thanh niên lặng lẽ dở các trang web Thiền ra đọc. Anh đi tìm sự tĩnh tâm.

 

Chùa… Đà Lạt, một sáng sương mù:

 

Theo tiếng mộc bản, đám trẻ lật đật chạy vào nhà ăn, ngồi lên ghế. Chúng nhận phần bánh bao buổi sớm và như lệ thường, thỉnh bài kệ thọ trai. Một bé đầu 3 trái đào, tay khoèo, lóng ngóng đánh rơi phần bánh của mình xuống gầm bàn. Con chó đốm chạy bổ tới vồ mất.

 

Cô bé cũng tí teo, ngồi cạnh, nhìn ngó phần ăn của mình một hồi, rồi bẻ đôi, chia cho cậu bé tóc trái đào.

 

Một khách bộ hành vào cúng chùa hỏi cậu bé: “Sao con không đánh con chó? Nó cướp đồ ăn của con mà”.

 

Cậu bé mỉm cười: “Dù sao con cũng có bạn thương con mà. Con chó nó ăn bánh thì đỡ đói”.

 

Vị khách thấy lòng nao nao…

 

Bà tôi

 

Bà tôi là một phụ nữ cổ điển. Và các suy nghĩ nền nếp của một cô gái Hà Nội cổ điển làm cụ hoàn toàn khó chịu với từ “nết ăn, nết nói, nết đi, nết mặc đến cả nết nghĩ của đám thanh niên”. Cụ hầu như ngại giao tiếp và cực đoan đến bài xích cả thế hệ mới.

 

Mỗi lần gia đình có giỗ chạp, cụ ít nói chuyện với đám con cháu. Cụ thiếu tin tưởng vào khả năng giao tiếp cũng như tình nghĩa của “thế hệ mới” đến mức quán xuyến từ mớ rau, con cá, cái bát cho đến bưng bê đồ lên lễ Tổ và gia tiên

 

Gần đây, cụ hay tâm sự với tôi, một đứa cháu mà cụ cho là “đểnh đoảng nhất trong đám thần dân thế hệ mới”. Trong các câu chuyện thủ thỉ mang tính chất dạy dỗ khéo léo của một cô dâu Hà Nội cổ, tôi mới hiểu lí do vì sao mà cụ thay đổi hẳn suy nghĩ về “thế hệ mới”.

 

Trẻ vui nhà, già vui chùa. Cụ hay đi lễ chùa xa gần trong cả nước và đặc biệt là dịp “An cư kết hạ” của các sư tăng ni. Năm nay, đoàn Phật tử của cụ đi lễ cúng dường tận Huế, ghé thăm chùa của sư cô Minh Tú. Tại đây, cụ tận mắt chứng kiến rất nhiều “thanh niên thế hệ mới”, ăn chay, cúng dàng, giúp chùa các công việc từ lớn chí nhỏ và làm kinh tế để hỗ trợ các trẻ em vô gia cư có một cuộc sống tốt đẹp hơn dưới mái chùa giản dị.

 

Suốt cả chuyến đi dài 20 ngày của cụ, từ Huế ra Thanh, về Hà Nội, lên Bắc Ninh, cụ đều gặp những “thiện nam, tín nữ” rất am hiểu quy tắc kính trên, nhường dưới và lòng đầy chữ Nhân.

 

“Thanh niên học nhanh, nền tảng kiến thức lại vững nên am tường nhiều chuyện lắm!”

 

Bỏm bẻm nhai trầu, cụ tâm sự vậy, và ánh mắt thật vui…

 

Ngộ ra chữ Nhân... 

 

Bố mẹ bạn tôi là nhà giáo. Gần đây, sau thời gian dài nghỉ hưu, cụ ông trân trọng nâng một tấm lụa có chữ của thầy Phú Cốc với bài phú của Thiền sư Mãn Giác:

 

“Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một nhành Mai”

 

Bác thường tâm sự với những người thưởng trà ngắm tấm trướng: “Nhìn bài kệ, ngộ ra nhiều điều về nhân tình thế thái, đặc biệt là nghĩa tình của con người, kể cả thời hiện đại. Tưởng tàn lụi nhưng đâu đâu chúng ta vẫn ngộ ra chữ Nhân. Bước qua gần một cuộc đời, tôi mới tạm thấu hiểu”.

 

Người viết chưa qua tuổi trẻ, cũng chưa đủ nhận thức để thấu hiểu thật nhiều triết lý cuộc đời, nhưng mượn tạm ý của bài Kệ, sự “ngộ” về nhân tình thế thái của Bác giáo sư để đưa ra lời kết: “Cuộc sống thật tươi đẹp, vì ở đâu và lúc nào cũng có tình thương của con người cả”. 

 

NhatChiMai - Linh Giang