"TikToker bán mình cho nội dung "bẩn" là con dao hai lưỡi"

Thu Hoài

(Dân trí) - Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, việc một số TikToker trẻ "bán" mình cho nội dung "bẩn" là "con dao hai lưỡi".

Khát vọng nổi tiếng, làm giàu phải phù hợp với chuẩn mực văn hóa - xã hội

Lời nói và hành động thiếu văn hóa của một số TikToker "gây sốc" cộng đồng mạng thời gian gần đây đã làm dấy lên làn sóng bức xúc của dư luận.

Gần đây nhất, video "Người nghèo ăn gì Nờ Ô Nô cho ăn đó" với những lời lẽ xúc phạm đã khiến nhiều người lên tiếng phản đối.

Trong video, nam thanh niên đã buông những lời khó nghe với cụ già ở bến xe buýt: "Hello (xin chào) bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn". Không chỉ vậy TikToker này còn dùng những lời lẽ không phù hợp để giao tiếp với người lớn tuổi: "Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa, vậy thôi khỏi ăn. Giờ hỏi lại có ăn hay không?", "Phở rẻ vậy mà bà không có tiền mua ăn nữa hả?"…

TikToker bán mình cho nội dung bẩn là con dao hai lưỡi - 1

Thái độ "bỡn cợt" của nam TikToker khiến dân mạng bức xúc (Ảnh chụp màn hình).

Bàn về vấn đề phát ngôn của những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, PGS.TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay: "Hiện nay, có một số bạn trẻ thường có cách ứng xử khác thường trong lời nói, cử chỉ, trang phục để thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Đây là hiện tượng không mới nhưng có tác động tiêu cực đến đời sống cộng đồng đặc biệt là cộng đồng mạng.

Trong đó, có một số bạn đã sử dụng những lời nói vô văn hóa, phát ngôn táo bạo để đánh bóng tên tuổi và kiếm tiền. Những nội dung bẩn, gây tác động tiêu cực đến dư luận của TikToker Nờ Ô Nô nói riêng và một số TikToker khác nói chung có mục đích làm tăng lượt tương tác. Vì mục đích này, họ sẵn sàng quên đi cách ứng xử có đạo đức, văn hóa".

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, việc một số TikToker trẻ "bán" mình cho nội dung "bẩn" là "con dao hai lưỡi".

Những nội dung "rác" của một số TikToker trên mạng giúp cho họ ngày càng nổi tiếng, thu được những khoản tiền lớn. Tuy nhiên, điều đó mang đến hậu quả không hề nhỏ khi những nội dung, hình ảnh đó được một bộ phận giới trẻ tiếp nhận.

Các bạn trẻ thường có xu hướng hâm mộ những hiện tượng đó bởi tính tò mò. Còn những người đã trưởng thành sẽ có động thái lên tiếng, phê phán trực tiếp bởi họ hiểu biết về chuẩn mực văn hóa - xã hội.

"Khi chạy theo những nội dung "bẩn", cá nhân TikToker sẽ đánh mất chính mình. Bởi hành động đó của họ chỉ tiếp cận được các bạn trẻ, người kém hiểu biết, không có kỹ năng ứng xử trên không gian mạng. Họ chỉ thấy được lợi nhuận trước mắt mà đánh mất giá trị bản thân.

Nếu những lời nói, hành động của TikToker đó xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác và vi phạm pháp luật thì sẽ bị cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thông tin nhắc nhở, truy tố".

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, cách làm nghề sáng tạo nội dung bằng cách "câu like bẩn" không phải cách làm ăn lâu dài. Bởi nổi tiếng nhờ nội dung tiêu cực chỉ làm cho bản thân bị tẩy chay, ghét bỏ trước cộng đồng mạng.

Qua đó PGS.TS Phạm Ngọc Trung đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ: "Tôi cho rằng con người phải xác định cho bản thân hướng đi đúng đắn. Các bạn trẻ cần tìm hiểu kỹ luật pháp, có hiểu biết về văn hóa đạo đức. Đồng thời, các bạn cần nỗ lực học tập, trau dồi nhân phẩm. Bởi lẽ không học, không hiểu biết thì khó có thể thành công.

Không chỉ vậy, mỗi người cần sống thực tế, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Nên xây dựng hình ảnh tốt đẹp của mình trên mạng xã hội, hướng tới những content tích cực mang tính lâu dài".

TikToker bán mình cho nội dung bẩn là con dao hai lưỡi - 2

PGS.TS Phạm Ngọc Trung (bên phải ảnh) trên giảng đường Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng sinh viên của mình (Ảnh: NVCC).

Trong xã hội, ai cũng có khát vọng làm giàu, mơ ước được người khác chú ý nhưng cần phải lựa chọn cho mình con đường đúng đắn, phù hợp, dài lâu.

Của cho không bằng cách cho, sự tử tế xuất phát từ việc tôn trọng danh dự, nhân phẩm người khác

Bày tỏ suy nghĩ sau khi xem video của Nờ Ô Nô, bạn Phạm Mai Linh (19 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: "Hôm nay, khi lướt TikTok mình thấy rất nhiều video của các TikToker lên án, phê phán hành động, lời nói của Nô. Mình khá "sốc" và không nghĩ đấy là một video mà chính chủ tự đăng. Ban đầu, mình đã nghĩ là video đã được cắt ghép hay gì đó. Dù biết việc giúp đỡ là đáng khen thế nhưng "của cho không bằng cách cho". 

Mai Linh đặt vấn đề: "Làm video phải cắt ghép, chỉnh sửa nhiều chứ không phải quay rồi đăng ngay để mà không có sự suy nghĩ lại một cách thấu đáo. Phải chăng là TikToker đó cố gắng câu like từ lời nhấn nhá đó".

TikToker bán mình cho nội dung bẩn là con dao hai lưỡi - 3
Phạm Mai Linh 19 tuổi đến từ Hoàng Mai, Hà Nội ( Ảnh: NVCC).

Theo Mai Linh, muốn làm việc thiện phải xuất phát từ tâm, không phải sử dụng sự tử tế "giả tạo" của bản thân để nổi tiếng, tạo sóng dư luận. Những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là người già, họ không được chọn lựa hoàn cảnh sống.

"Nghèo không có tội, đồng thời đây là hành động tự nguyện, không bắt buộc. Một bát phở so với sự giúp đỡ của các mạnh thường quân không là gì cả", Linh nói.

Linh cho hay: "Nếu bà cụ lỡ thấy được video đó thì bà sẽ cảm thấy như thế nào? Ai cũng có quyền được tôn trọng danh dự và nhân phẩm, đối xử công bằng. Bà sẽ cảm thấy đau lòng bởi nhận được một lòng tốt "lợi dụng"".