Nữ TikToker gây tranh cãi vì phát ngôn "ăn cơm trắng thật sự không tốt"

Đinh Phương Nhung

(Dân trí) - Nữ TikToker xinh đẹp gây tranh cãi vì nêu lên quan điểm giảm cân bằng cách không ăn cơm. Cô nói: "Cơm có gì đâu mà ngon, ăn cơm trắng thật sự không tốt".

Mới đây, Jessica Diễm - một TikToker thường xuyên chia sẻ các bài tập yoga và các phương pháp giúp duy trì vóc dáng thon gọn - gây tranh cãi trên mạng xã hội bởi những quan điểm: "cơm có gì đâu mà ngon", "ăn cơm trắng thật sự không tốt", "toàn chuyển hóa thành đường và dễ gây mập"...

Nữ TikToker gây tranh cãi vì phát ngôn ăn cơm trắng thật sự không tốt - 1

Nhiều bài đăng trên mạng xã hội về quan điểm không ăn cơm của Jessica Diễm (Ảnh: BMSB)

Quan điểm nói trên của cô gái này gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ cư dân mạng. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, nhiều cư dân mạng phản đối, cho rằng cô không phải là chuyên gia dinh dưỡng thì không nên "xúi dại" mọi người thay đổi chế độ ăn uống.

Nữ TikToker gây tranh cãi vì phát ngôn ăn cơm trắng thật sự không tốt - 2
Ý kiến đồng tình với quan điểm của TikToker (Ảnh: Chụp màn hình)
Nữ TikToker gây tranh cãi vì phát ngôn ăn cơm trắng thật sự không tốt - 3
Có người cho rằng, Jessica Diễm không nên đưa ra lời khuyên vì cô không phải chuyên gia dinh dưỡng (Ảnh: Chụp màn hình)

Đứng trước thái độ phản đối dữ dội từ cộng đồng mạng về quan điểm không ăn cơm của mình, trao đổi với PV Dân trí, Jessica Diễm bày tỏ sự áy náy vì thời lượng video ngắn nên cô không thể chia sẻ được đầy đủ, chính xác thông tin, khiến mọi người suy nghĩ tiêu cực, hiểu sai vấn đề.

"Tôi nói có ý đúng, ý sai, mọi người cũng hiểm lầm cũng có đúng, có sai. Tôi mong rằng chúng ta có thể hiểu và thông cảm cho nhau nhiều hơn", Jessica Diễm bày tỏ.

Cô cũng chia sẻ, mục đích ban đầu của cô là muốn truyền động lực ăn uống lành mạnh, giảm tinh bột cho mọi người, không ngờ lại bị vướng phải chỉ trích dữ dội từ một bộ phận cộng đồng mạng.

Giảm từ 53kg xuống 42kg nhờ cắt bớt tinh bột, tập yoga

TikToker Jessica Diễm làm rõ hơn quan điểm của mình dựa trên những nghiên cứu và kinh nghiệm cá nhân của bản thân cô.

TikToker chia sẻ, cô đã gắn liền với chế độ dinh dưỡng này trong vòng 4-5 năm gần đây. Cũng như bao người khác, cô cũng từng gắn bó với những món ăn mang đậm nét đặc trưng của ẩm thực Việt Nam. Nhưng để khỏe mạnh lâu dài, tránh mắc bệnh tật, Jessica Diễm đã tìm đến yoga và thay đổi chế độ ăn của mình.

"Tập yoga khiến cơ thể, tâm trí và linh hồn được kết nối với nhau nhiều hơn. Tôi nhận ra những ngày ăn nhiều đều khiến hệ tiêu hóa của tôi làm việc nhiều hơn. Điều này khiến não mệt và không giúp tôi suy nghĩ sáng tạo tập trung nhiều như ăn rau", cô nói.

Nữ TikToker gây tranh cãi vì phát ngôn ăn cơm trắng thật sự không tốt - 4
Jessica Diễm thường xuyên luyện tập Yoga bên cạnh thực hiện các chế độ ăn uống nghiêm khắc (Ảnh: NVCC)

Sau đó, TikToker đã tìm tòi, nghiên cứu nhiều sách báo, video về các chế độ ăn uống như chế độ Intermittent fasting 18/6 (Nhịn ăn gián đoạn, nhịn ăn trong 18 giờ và ăn trong 6 giờ còn lại - PV) hay Keto (Chế độ ăn cắt giảm lượng carbohydrate nạp vào cơ thể - PV), từ đó cắt bớt tinh bột, uống nước ấm với nghệ, ăn sáng bằng trái cây ngũ cốc...

Kết hợp giữa chế độ ăn uống mới và phương pháp tập yoga, Jessica Diễm đã giảm từ 53kg xuống còn 44, thậm chí là 42kg và có cơ bụng.

Với niềm tin cá nhân, TikToker này luôn ưu tiên ăn các loại rau củ quả có màu đậm hơn hàng ngày. Tuy nhiên, không phải vì thế mà cô bài trừ hoàn toàn đồ ăn có chứa tinh bột.

"Tôi vẫn ăn cơm, bún, phở…, nhưng lúc gọi tô phở, tôi sẽ ăn thật nhiều rau và yêu cầu bát của mình có thật ít bánh phở. Ăn xong thì hôm sau tôi lại quay lại chế độ ăn lành mạnh thường ngày của mình. Có ăn thì có tập nên hôm sau cũng tập yoga khí thế hơn", cô nói.

Nữ TikToker gây tranh cãi vì phát ngôn ăn cơm trắng thật sự không tốt - 5

TikToker này thường dành ra một ngày trong tuần để thoải mái ăn uống thả ga (Ảnh: NVCC)

Ngoài việc giúp giảm cân, Jessica Diễm cũng chia sẻ, chế độ ăn uống, tập luyện này giúp cô thay đổi khá nhiều về ngoại hình.

Jessica Diễm cho biết: "Hồi xưa tôi cũng tròn trịa, thậm chí từng bị bạn trai bỏ vì chê tôi da xấu. Trộm vía từ khi thay đổi chế độ ăn uống, luyện tập yoga thì cơ thể, sức khỏe, da dẻ cũng cải thiện lên nhiều. Nhờ đó, tôi cũng tự tin diện đồ quyến rũ hơn".

Một ngày ăn uống thả ga, 6 ngày ăn uống lành mạnh

Một trong những quan điểm gây tranh cãi của TikToker còn đến từ lời khẳng định về màu sắc thực phẩm quyết định chất lượng dinh dưỡng của nó.

Nói rõ hơn về quan điểm này, Jessica Diễm đã dựa trên bài viết của trang BBC Good Food rằng những loại thực phẩm có màu đậm tự nhiên như cải tím, blue berry… đều rất tốt cho sức khỏe vì chứa Anthocyanin (một chất chống oxy hóa mạnh - PV).

"Những chia sẻ của tôi đa phần đến từ những nghiên cứu đã có sẵn của các chuyên gia dinh dưỡng quốc tế hay các công trình nghiên cứu về chế độ dinh dưỡng từ các trường đại học danh tiếng như Harvard và RMIT, nơi tôi đang học Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh.

Từ những tham khảo và trải nghiệm của mình, tôi đã đúc kết và áp dụng riêng những chế độ ăn khác nhau sao cho phù hợp cho chính mình để có được vóc dáng mà mình mong muốn", cô gái chia sẻ.

Nữ TikToker gây tranh cãi vì phát ngôn ăn cơm trắng thật sự không tốt - 6
Jessica Diễm cho rằng chế độ ăn uống, luyện tập đã giúp cố giữ được vóc dáng và sự tự tin (Ảnh: NVCC)

TikToker tin tưởng vào chế độ ăn hiện tại, khẳng định sẽ gắn bó với chế độ ăn này cả đời, không chỉ vì nó giúp đem lại cho cô vóc dáng trẻ khỏe mà còn rất ngon và hợp khẩu vị.

"Tôi thấy ăn thế này rất ngon. Một tuần tôi cho phép bản thân đi hẹn hò, ăn uống thả ga một ngày, rồi 6 ngày còn lại ăn uống lành mạnh trở lại. Cái giá phải trả cho một cơ thể đẹp, trẻ khỏe tới già đối với tôi như vậy là quá rẻ và quá dễ để thực hiện", cô khẳng định.

Chuyên gia nói gì về chế độ giảm cân cắt giảm tinh bột (cơm trắng)?

Chia sẻ với Dân trí hồi tháng 5 vừa qua, PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo rằng, các chế độ ăn kiêng nhằm giảm gluxit, tức là giảm tinh bột, giảm lượng carbohydrate đến mức tối đa, chắc chắn sẽ để lại những tổn thương lâu dài đối với cơ thể.

"Việc kiêng tinh bột cũng ảnh hưởng đến sự tiêu hóa thức ăn, hấp thu chất dinh dưỡng. Chế độ ăn không cân bằng chắc chắn không đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể và sẽ có tổn thương lâu dài. Điều khó khăn nhất là nó không tổn thương trước mắt mà rất lâu dài", PGS Nhung nhấn mạnh. 

PGS.TS Bùi Thị Nhung cho biết, gluxit đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa hệ vi khuẩn đường ruột. Nó cũng là một chất rất cần thiết với não bộ vì bộ não sử dụng tới 25% chất bột đường của cơ thể. Vì thế, khi nhịn ăn chúng ta thường thấy choáng váng, mệt mỏi, lâu dần ảnh hưởng tới giấc ngủ, căng thẳng, stress. Việc kiêng ăn tinh bột cũng ảnh hưởng đến cơ vì cơ cũng sử dụng đường. 

Ngoài ra, khi kiêng tinh bột, kiêng ăn cơm trắng, nhiều người có xu hướng sử dụng nhiều đạm hơn. Điều này gây mất cân bằng giữa chất đạm- đường- chất béo, làm tổn thương hệ vi khuẩn đường ruột. Khi đó, có thể gây rối loạn tiêu hóa hoặc quá trình tiêu hóa không tốt thì sẽ giảm sức đề kháng của cơ thể, do kháng thể chủ yếu sinh ra từ đường ruột. 

PGS Nhung chia sẻ, bản thân từng gặp bệnh nhân ăn low-carb kéo dài bị rối loạn lipid máu mà trước đây bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Có những bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa đường máu mặc dù nhịn cơm. Có những trường hợp trên nền tảng người cao tuổi có thể tổn hại chức năng thận. 

Theo chuyên gia, việc cắt giảm gluxit mục đích để tăng tiêu hóa chất béo, từ đó giúp khống chế cân nặng đều không tốt cho cơ thể. Điều này sẽ ảnh hưởng lâu dài, những vấn đề như rụng tóc hay rối loạn kinh nguyệt… chỉ là bước đầu, quan trọng là rối loạn chuyển hóa lipid máu, ảnh hưởng đến chức năng gan thận; triglyceride, cholesterol máu cao về lâu dài có thể gây xơ vữa mạch, gây cao huyết áp, bệnh tim mạch phải đặt stent, gây đột quỵ…

Nguyên tắc giảm cân, điều trị béo phì là giảm lượng mỡ thừa trong cơ thể bằng cách giảm năng lượng ăn vào thông qua kiểm soát chế độ ăn và tăng năng lượng tiêu hao thông qua chế độ vận động thể lực phù hợp và ngủ đủ thời gian. Chú ý, lựa chọn những loại thức ăn ít năng lượng thay vì nhịn đói.

Cụ thể, giảm các loại thức ăn nhiều năng lượng như thức ăn nhiều mỡ, các món ăn chiên, quay, xào, thịt mỡ, lòng, óc…; thức ăn nhiều đồ ngọt như bánh kẹo, mật ong, sữa đặc có đường, nước ngọt… Tăng cường thức ăn nhiều chất xơ, ít năng lượng để đủ no (rau, trái cây ít ngọt, cá, đậu phụ…). Sữa không béo, không đường là một loại thực phẩm tốt cho những người giảm cân.

Đồng thời cần vận động thường xuyên, nguyên tắc là từ ít đến nhiều, từ nhẹ đến nặng, tập với cường độ tăng dần vào đầu buổi và giảm dần vào cuối buổi, không hạn chế uống nước khi tập. Mỗi lần tập phải tiêu hao ít nhất 300kcal (chạy bộ liên tục 30-45 phút, đi bộ nhanh 60 phút…). Mỗi tuần nên tập tối thiểu 4-5 lần. Tập dưới 3 lần/tuần thường không mang lại hiệu quả tiêu bớt mỡ thừa ngược lại càng kích thích tiêu hóa, ăn ngon miệng hơn.