"Thực tập không lương" hay một hình thức bóc lột sức lao động trá hình?
(Dân trí) - Thực tập không lương luôn là vấn đề được các bạn sinh viên quan tâm. Vậy thực chất các công ty có đang bóc lột sức lao động của sinh viên hay không?
Trải lòng của người trong cuộc
Là sinh viên chuyên ngành Hospitality Management (Quản lý khách sạn) tại Thụy Sỹ, chấp nhận quay trở về Việt Nam thực tập không lương tại khách sạn 5 sao, A.A cho hay: "Thời gian làm việc kéo dài từ 8-9 tiếng/ ngày, từ tiền thuê nhà, tiền xăng xe, ăn uống tất cả mình phải tự lo hoàn toàn. Dù chỉ là thực tập sinh nhưng mình hoàn toàn choáng ngợp với khối lượng công việc phải làm. Nếu như được thông báo trước về việc thực tập không lương thì chắc chắn mình sẽ không về Việt Nam thực tập".
Thực tập là hình thức sinh viên làm trong một công ty hay môi trường làm việc chuyên nghiệp để có được kinh nghiệm liên quan đến ngành nghề dự định trong tương lai. Tuy nhiên nó khác với công việc bán thời gian, và các bạn cũng không có trách nhiệm, nghĩa vụ như một nhân viên chính thức.
Khánh Linh (sinh viên năm 4, Đại học Hà Nội) chia sẻ: "Mình đã từng nhiều lần đi phỏng vấn vị trí thực tập sinh ở các công ty. Nhưng có khá nhiều công ty đến lúc phỏng vấn không trả đủ số lương mà họ đã đề cập trước đó trong phần mô tả công việc. Có một số công ty đề mức lương trong bài tuyển dụng là 4 triệu đồng, nhưng lúc phỏng vấn chỉ trả 3 triệu thậm chí là 2 triệu. Điều này khiến cho mình cảm thấy rất là bức xúc, cảm thấy sức lao động mình bỏ ra không xứng đáng".
Phạm Hạnh (sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã chia sẻ câu chuyện "nhập nhằng" với đề nghị làm việc không lương của một doanh nghiệp tư nhân. Hạnh bộc bạch: "Hồi cuối năm 2020, mình có tham gia ứng tuyển vào vị trí Content part-time (sáng tạo nội dung truyền thông bán thời gian) tại một công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên sau khoảng 1 tháng thử việc, công ty yêu cầu mình chuyển sang vị trí thực tập không lương để học hỏi thêm, đáng nói, các đầu việc của mình vẫn giữ nguyên. Vì vậy, mình đã không đồng ý và quyết định nghỉ việc".
Hạnh cho rằng định hướng công việc không rõ ràng và trên thực tế, cô bạn đã phải "tự bơi" và làm một mình vị trí này, không có Content (người sáng tạo nội dung truyền thông) thứ hai. Đây là một công ty khởi nghiệp cá nhân nên công tác nhân sự cũng phải tính toán rất kỹ càng và tối giản nhất có thể. Hơn nữa, vì không có kế hoạch cụ thể, nên liên tục có những thay đổi về nội dung công việc. Từ một Content (người sáng tạo nội dung truyền thông), Hạnh kiêm cả thiết kế hình ảnh, sáng tạo video, tự quay tự dựng và tự lên concept cho sản phẩm mới.
Thực tập tại một công ty Agency với vị trí Digital Marketing, Hoàng Anh Phương tâm sự: "Sau hơn 2 tháng thực tập tại công ty, mình đã được nhận vào làm chính thức trước khi có bằng tốt nghiệp đại học. Quá trình làm việc tại công ty, mình được các anh chị đồng nghiệp giúp đỡ rất nhiều. Điều khiến mình bất ngờ là kết thúc kỳ thực tập, mình được nhận hơn 6 triệu đồng tiền lương. Vậy nên, theo quan điểm của cá nhân mình, thực tập có lương hay không lương phụ thuộc vào chính năng lực và nơi các bạn thực tập".
Doanh nghiệp, cơ quan thực tập nói gì?
Anh Lê Trần Đắc Ngọc (Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc, công ty cổ phần Tập đoàn Đắc Ngọc Designer hgouse) chia sẻ: "Đỉnh điểm trong mùa thực tập, công ty của mình đã nhận gần 1000 sinh viên. Tuy nhiên, trước khi thông báo nhận thực tập công ty cũng sẽ phỏng vấn và trao đổi về mức lương đối với thực tập sinh. Tại công ty của mình sẽ chia thành thực tập có lương và thực tập không lương. Những bạn thực tập có lương sẽ phải trải qua 2 vòng phỏng vấn như một sinh viên chính thức".
Theo như anh Ngọc, đối với thực tập sinh có lương thì dao động từ 3,5 triệu- 10 triệu đồng/ tháng. Còn vối thực tập sinh không lương các bạn sẽ được hỗ trợ theo chế độ của công ty như ăn trưa, du lịch, phụ cấp hàng tháng… nếu đạt hiệu quả năng suất công việc thì cũng được thưởng như nhân viên chính thức.
Bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc quy chụp "thực tập không lương là bóc lột sức lao động" anh Ngọc nói: "Bạn phải là người có năng lực, tạo ra giá trị cho công ty thì mới hoàn toàn được hưởng lương. Nếu bạn chỉ đến để học hỏi kinh nghiệm, để quan sát các nhân viên làm việc thì lương ở đâu để trả cho các bạn. Trong quá trình thực tập, nếu tăng ca ngoài giờ công ty cũng sẽ trả lương tính bình thường chứ không "cắt xén" hay bóc lột ai cả. Mỗi công ty sẽ có chế độ riêng cho thực tập sinh, chúng ta không nên lấy một cá nhân để đánh đồng tất cả".
Với vai trò là một giám đốc sáng tạo của công ty Dinosaur, tốt nghiệp chuyên ngành quảng cáo tại Đại học Virginia Commonwealth, anh Trọng Nguyễn cho hay: "Thực tập không lương, công ty bóc lột sức lao động hoàn toàn không đúng. Với những thực tập sinh giỏi, khi thực tập tại công ty các bạn sẽ được trả lương, thậm chí được nhận vào làm và thăng chức. Đổi lại, bạn sẽ phải tạo ra giá trị cho công ty.
Thay vì có suy nghĩ bị bóc lột, liệu các bạn có từng nghĩ sẽ gặp được người "thầy" thực tế trong ngành và học hỏi từ họ "miễn phí" để lấy được kiến thức và kinh nghiệm tốt hơn".
Khi được hỏi "tăng ca có phải là con sâu đục khoét thể chất và tâm hồn" hay không? Anh Trọng đáp: "Thực chất không một ai mong muốn bắt các bạn thực tập sinh phải tăng ca. Tuy nhiên, việc tăng ca bắt nguồn từ khả năng và kinh nghiệm. Có những người thông minh và tài giỏi họ làm công việc trong vòng vài chục phút, còn những người khác phải cặm cụi rất lâu. Đối với các bạn trẻ, hãy kiên nhẫn và xả thân học hỏi trong những năm đầu và đừng ngại việc tăng ca. Để rồi các năm sau bạn sẽ làm thật tốt, làm nhanh công việc của mình. Khi đã trưởng thành rồi mà còn vật vã với tăng ca thì hãy nhìn lại nơi làm việc của mình, và nhìn lại bản thân".
Theo ông Nguyễn Chí Linh, Phó Tổng biên tập Báo Quảng Trị cho biết: "Sinh viên thực tập trong các cơ quan báo chí, hoặc các đơn vị khác đều không có lương, bởi đó là công việc giúp họ nâng cao trình độ nghiệp vụ. Với trường hợp sinh viên đã tốt nghiệp, dựa trên hợp đồng hoặc thử việc tại các cơ quan đơn vị doanh nghiệp, trực tiếp là người sử dụng lao động sẽ ký hợp đồng thỏa thuận tiền lương tùy theo thời gian lao động được Bộ luật Lao động quy định để trả chế độ cho người lao động".
Có thể thấy rằng, thực tập không lương không phải là một hình thức bóc lột sức lao động. Trước khi bước chân vào thị trường việc làm, sinh viên cần nhìn nhận thật rõ những giá trị mà bản thân đang sở hữu, cũng như kết quả muốn đạt được sau quá trình thực tập. Bởi người lao động có quyền lợi yêu cầu người sử dụng lao động chi trả một phần tiền lương tùy theo mức độ để phục vụ công việc của mình. Việc xác định được nhu cầu và mục tiêu là hết sức quan trọng để tránh việc bóc lột chất xám và sức lao động.
Vậy độc giả trẻ nghĩ sao về vấn đề thực tập không lương, đây có phải một hình thức bóc lột sức lao động trá hình? Quý độc giả có thể tham gia bình luận, đóng góp ý kiến ý kiến của mình bên dưới!