Thú chơi "hài cốt" dị thường của nam sinh Đại học RMIT

Thùy Linh

(Dân trí) - "Xác động vật tốt nhất để làm tiêu bản là xác vừa chết, đem làm luôn sẽ dễ dàng trong công đoạn xử lý", Phạm Quang Hiếu chia sẻ.

"Làm bạn" với hài cốt

Phạm Quang Hiếu (sinh năm 1999, quê ở Đồng Nai) là sinh viên năm cuối chuyên ngành Digital marketing của Đại học RMIT.

10 năm trước, nam sinh này bắt đầu sở thích nuôi động vật thuộc loài bò sát. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến con trăn đầu tiên do chính tay Hiếu chăm sóc chết đi, anh tự đặt câu hỏi: "Tại sao mình không giữ lại phần xương của con vật đã chết để lưu lại ký ức về nó"?

Thú chơi hài cốt dị thường của nam sinh Đại học RMIT   - 1

Quang Hiếu và những bộ tiêu bản xương động vật đã hoàn thiện.

Từ sự băn khoăn đó, Hiếu tìm tòi, học hỏi và nhờ người giúp đỡ về kiến thức, kỹ thuật để có thể hoàn thành được một tiêu bản xương hoàn chỉnh (Tiêu bản là mẫu vật còn bảo tồn nguyên dạng dùng để nghiên cứu - PV).

Bắt đầu làm tiêu bản xương động vật từ tháng 7 năm 2020, Quang Hiếu cảm thấy thực sự khó khăn khi không ngày nào không bị dao cứa, bị hóa chất làm bỏng người. Không những thế, thời gian đầu mới tiếp cận, vì Hiếu chưa định lượng được thời gian hoàn thành tác phẩm nên nhiều lần xương bị rã ra thành từng mảnh, dẫn tới tác phẩm bị hỏng.

"Rất nhiều lần mình bỏ công sức, thời gian dựng tiêu bản nhưng phải chứng kiến cảnh đống xương vụn lả tả trên mặt bàn. Cảm giác buồn, nản không phải không có", Quang Hiếu chia sẻ.

Để có được một tiêu bản xương hoàn chỉnh, Quang Hiếu còn mất nhiều thời gian để chọn và mua nguyên liệu.

Thú chơi hài cốt dị thường của nam sinh Đại học RMIT   - 2

Một trong những tiêu bản khiến chàng trai 9x tốn nhiều công sức. Chất liệu làm nên tác phẩm là xương rắn.

"Mình thường mua lại xác các loài bò sát như: trăn, rắn, rồng Úc, kỳ đà Nam Mĩ, rùa… Những con vật này thường là thú cưng được nuôi nhưng đã chết.

Xác động vật tốt nhất để làm tiêu bản là xác vừa chết, đem làm luôn sẽ dễ dàng trong công đoạn xử lý. Nếu chọn xác đang bị phân hủy giữa chừng, xương sẽ bị nát, không làm được.

Mình thừa nhận, đây là công đoạn tốn khá nhiều công sức và thời gian. Dẫu vậy khi mình tìm kiếm "nguyên liệu" này phải đợi có động vật chết, bởi phương châm của mình không giết động vật để làm tiêu bản, mình chỉ dựng lại tiêu bản từ xác động vật, mà xác không phải lúc nào cũng có", Hiếu chia sẻ.

Thú chơi không dành cho người yếu tim

Chàng trai 9x thường mất một tháng để hoàn thành được một tiêu bản hoàn chỉnh với quy trình 5 bước nghe qua khá "rùng rợn": lọc da và xử lý nội tạng; xử lý phần thịt còn dính ở xương; ngâm hóa chất để rã thịt khỏi xương; Ghép xương; Treo khung.

Thú chơi hài cốt dị thường của nam sinh Đại học RMIT   - 3

Những tác phẩm tiêu bản xương rắn mang tính nghệ thuật cao của Hiếu.

Thú chơi "hài cốt" này yêu cầu sự tỉ mỉ và khéo léo cao bởi nếu chỉ sơ suất một chút trong việc dùng dao mổ để lọc phần da, phần xương thì sẽ không cho ra được một bộ da và xương hoàn chỉnh.

Quang Hiếu cho biết, anh phải tập với hàng trăm mẫu các loài khác nhau để có thể đi đường dao thật đẹp mắt.

"Công đoạn ghép xương là lâu nhất, với một mẫu rắn 50cm có khoảng 250 đốt xương sống và gấp đôi số xương sườn, mình sẽ phải ghép liên tục trong 10 tiếng đồng hồ", nam sinh chia sẻ.

Làm tiêu bản xương động vật là một đam mê rất khó theo. Hiếu giải thích: "Thứ nhất là chịu khổ, thứ hai là chịu mùi. Mùi xác động vật lúc mổ ra thực sự không dễ chịu. Khi tiếp xúc với hóa chất để làm những công đoạn tiếp theo cũng khá nguy hiểm nên mình nghĩ sẽ có ít người chịu theo chơi "bộ môn" này. Chưa kể đến việc mình phải ngồi chỉnh lại từng mẩu xương một sao cho thẩm mỹ và nghệ thuật nhất có thể".

Nhận ra đam mê có thể thu lại lợi nhuận

Thú chơi hài cốt dị thường của nam sinh Đại học RMIT   - 4

Đây được xem là sản phẩm chứa nhiều tâm huyết nhất của Hiếu, khung treo tiêu bản cũng được đặt làm với họa tiết điêu khắc riêng. Nam sinh tiết lộ, đây là bộ tiêu bản rắn có giá 6 triệu đồng, đắt nhất trong các sản phẩm anh làm ra.

Thời gian đầu, để thỏa mãn thú chơi "hài cốt", Hiếu phải nhờ đến sự trợ giúp tài chính của bố mẹ. Anh từng dùng tiền tiết kiệm từ tiền bố mẹ cho chi tiêu hàng tuần để mua hóa chất, lưỡi dao mổ, găng tay và những dụng cụ cần thiết.

Theo nam sinh sinh năm 1999, anh thường mua lại xác động vật có giá tầm trung do người chơi động vật thanh lý lại xác thú cưng của mình nên không gặp khó khăn nhiều. Bên cạnh đó, Hiếu cũng được thuê làm tiêu bản cho xác thú cưng của một số người bạn bởi họ rất quý con vật đó và muốn giữ những gì còn sót lại cuối cùng.

Hiếu cho rằng, một tiêu bản xương đạt giá trị khi đạt độ chắc chắn giữa các mảnh xương và độ trắng của xương được tẩy bằng hóa chất. Chi phí cho mỗi bộ tiêu bản xương hoàn chỉnh rơi vào khoảng từ 600.000 đồng đến 10 triệu đồng, lợi nhuận Hiếu thu về khoảng 15%.

Thú chơi hài cốt dị thường của nam sinh Đại học RMIT   - 5

Một trong những sản phẩm ấn tượng của Hiếu.

Thú chơi hài cốt dị thường của nam sinh Đại học RMIT   - 6

Một tác phẩm khác khiến nam sinh 22 tuổi mất nhiều công sức.

"Hiện tại, mình chưa có đầu ra ổn định bởi dạng tiêu bản này không phải ai cũng thích chơi và không phải ai cũng sẵn sàng bỏ ra số tiền vài triệu đồng cho một bộ tiêu bản tầm trung.

Mình bắt đầu làm và bán tiêu bản từ khoảng nửa năm trước, số lượng bán được khoảng 50 mẫu to nhỏ khác nhau. Bộ tiêu bản mình đã bán đắt nhất có giá 5 triệu đồng. Tổng những sản phẩm mình đã bán đến nay thu được khoảng 20 triệu đồng.

Ban đầu, mình làm vì đam mê nhưng nhận ra đam mê có thể thu về lợi nhuận và tạo ra công việc nên mình bắt đầu kinh doanh luôn".

Thú chơi hài cốt dị thường của nam sinh Đại học RMIT   - 7

Hiện tại, Quang Hiếu đã đăng ký một tài khoản trên mạng và bắt đầu đăng sản phẩm lên với mục đích quảng cáo, phát triển nguồn hàng ra quốc tế. Với thị trường trong nước, nam sinh không quảng bá nhiều mà thường bán cho những ai có thú chơi hoặc biết đến mình từ trước.