Trải lòng của shipper gặp khách hàng oái oăm "có một không hai"

Thùy Linh

(Dân trí) - Khách hàng đòi shipper bồi thường vì đồ ăn của nhà hàng không vừa miệng, đặt đồ ăn một nơi giao hàng một nơi, không nghe điện thoại... là những câu chuyện được shipper trải lòng.

Khách hàng vô lý "có một không hai"

Câu chuyện được anh N.M.Đ. (làm shipper- người giao hàng, tại Hà Nội) chia sẻ trên mạng xã hội đang nhận được sự đồng cảm của hàng nghìn người.

Trải lòng của shipper gặp khách hàng oái oăm có một không hai - 1

Shipper tất bật trong mùa dịch. (Ảnh minh họa: Thu Hà).

Chuyện rằng, trưa 26/6, khoảng 13h20 phút, shipper Đ. nhận đơn giao đồ ăn trên ứng dụng điện thoại. Ngoài phần đồ ăn đã đặt theo đơn, khách hàng nữ nhờ anh Đ. mua thêm 1 phần cơm trắng và 2 phần canh củ quả.

Anh Đ. kể: "Mặc dù, công ty không yêu cầu shipper khi giao đồ ăn đã đặt cho khách phải mua hộ khách thêm đồ ăn theo yêu cầu vì mức độ rủi ro khá cao, nếu khách không nhận là shipper phải tự chịu.

Tuy nhiên, với ý thức phục vụ khách và lương tâm nghề nghiệp khi làm dịch vụ, dù phải đợi thêm thời gian, mình vẫn nhận lời mua thêm hộ khách. Lấy hàng xong mình nhanh chóng giao cho khách, đồ ăn cũng giữ cẩn thận không bị đổ.

Khi đã giao xong và nhận đơn khác để đi, khách hàng liên tục gọi điện và nhắn tin cho mình phản ánh về chất lượng đồ ăn, thậm chí đòi hoàn trả lại tiền".

Trải lòng của shipper gặp khách hàng oái oăm có một không hai - 2

Đơn hàng của một khách hàng nữ đặt vào buổi trưa, đây là thời điểm nắng nóng tại Hà Nội vào trạng thái đỉnh điểm.

Trải lòng của shipper gặp khách hàng oái oăm có một không hai - 3

Khách hàng nữ bày tỏ thái độ về chất lượng đồ ăn và phản ánh với shipper: "Anh ơi, canh không có gia vị, nhạt như nước lã, là như thế nào anh? Em chưa lần nào ăn như thế này".

Trải lòng của shipper gặp khách hàng oái oăm có một không hai - 4

Ngay sau đó, vị khách này đã đòi anh shipper trả lại tiền nếu không có giải thích và sự bù đắp thỏa đáng về chất lượng đồ ăn.

Trải lòng của shipper gặp khách hàng oái oăm có một không hai - 5
Anh Đ. cố gắng giải thích "đây là đồ mua hộ và bản thân mình không được quyền lợi gì".

Là một sinh viên thường xuyên đặt đồ ăn online, bạn Phan Trang (sinh năm 2001, sống tại Hà Nội) bình luận về vụ việc này: "Bản thân mình đã có lần nhờ shipper mua hộ đồ ăn ngoài phần đã đặt. Mình cảm thấy, muốn cảm ơn người ship còn không hết, còn tip thêm cho người ta. Như trường hợp chị khách hàng này đòi anh shipper trả lại tiền vì gia vị của đồ ăn không vừa miệng thì thật vô lý. Bởi đó không phải trách nhiệm của người giao hàng".

"Làm shipper là nghề lao động kiếm tiền chân chính"

"Trời nắng nóng nên shipper như mình rất mong khách hàng xuống lấy hàng nhanh để không ảnh hưởng đến đồ ăn và cũng giúp shipper đỡ vất vả khi phải đợi lâu. 

Làm nghề shipper như mình, nhiều khi gặp những tình huống "khó đỡ". Ví dụ khách ở một nơi nhưng đặt địa chỉ nhận hàng ở nơi khác, hay khách để điện thoại ở chế độ im lặng, shipper không thể liên lạc được. Thậm chí, có khách đặt xong không nhận và chặn liên lạc khiến shipper bị ảnh hưởng khi phải chịu trách nhiệm xử lý đơn hàng đó. 

Đồng ý khách hàng là thượng đế, nhưng không phải là cớ để hành hạ shipper. Shipper cũng là một nghề lao động kiếm tiền chân chính, không hề đi xin xỏ ai", anh Đ. bày tỏ. 

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, anh Đ. đã tìm tới công việc shipper để kiếm thêm thu nhập nuôi bố mẹ già và gia đình nhỏ. Anh cho biết, trước đây anh làm đầu bếp và mở cửa hàng nhỏ. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến việc kinh doanh của anh bị đình trệ và gặp khó khăn. Chuyển sang làm shipper, có những hôm anh Đ. nhận đơn đến 2h đêm để có được khoản thu nhập đủ để trang trải cuộc sống.

Anh Đ. tâm sự: "Nhiều quán đóng cửa mùa dịch nhưng không tắt trạng thái hoạt động dẫn đến khách vẫn đặt trên ứng dụng. Shipper bọn mình khi nhận đơn phải đến quán rồi chụp ảnh quán đóng cửa gửi và thông báo cho khách biết.

Số lượng shipper mùa dịch tăng vọt cũng khiến thu nhập của mình bị giảm đi, hàng quán đóng cửa, shipper cũng không có chỗ ngồi ăn trưa. Đôi khi chỗ nghỉ và ăn tranh thủ là ở gốc cây hay vỉa hè".

Trải lòng của shipper gặp khách hàng oái oăm có một không hai - 6

Hàng quán tăng cường bán hàng online và thói quen của khách hàng thay đổi khiến công việc của shipper giao đồ ăn gia tăng. (Ảnh minh họa).

Cũng chịu bức xúc tương tự về thái độ vô lý của khách hàng, một shipper khác cho biết: "13h nắng gay gắt, mình nhận đơn hàng, đến địa chỉ giao hàng, gọi điện cho khách nhận đồ nhưng 20 phút sau vẫn chưa thấy.

Về sau, mình mới nhận ra, bạn khách đó đặt đồ trên mấy ứng dụng liền nên đợi các tài xế đến cùng lúc mới xuống. Trời nắng không có một bóng râm quanh đó. Lấy được 10.000 đồng tiền ship của khách, mình phải đứng phơi nắng gần 30 phút. Thật sự là không đáng. Quá bức xúc, mình phản ánh thẳng thắn với khách rằng "Giờ chị ra đây đứng 30 phút, em gửi chị 50.000 đồng"".

Khi dịch Covid-19 bùng phát cùng khuyến cáo của cơ quan chức năng về việc không tập trung đông người ở các nhà hàng, quán xá, nhiều người và cả các shipper cho rằng, cơ hội "hái ra tiền" đã đến. Tuy nhiên thực tế lại không đơn giản như vậy.

Anh Công (shipper tại Hà Nội) trải lòng về những khó khăn khi làm shipper trong mùa dịch: "Khách muốn nhanh có đồ ăn, shipper cũng muốn nhanh lấy đồ từ quán ăn để còn giao, nhưng lượng đơn dồn vào quán quá nhiều dẫn đến thời gian giao hàng không thể nhanh được. Shipper phải đứng chờ đồ ăn lâu hơn, nhưng nhiều khách hàng không hiểu và tưởng rằng shipper om đơn, chậm chạp.

Chẳng những vậy, hầu hết đơn hàng tập trung vào giờ cao điểm (thường là giờ dùng bữa) ở cùng một nơi, còn thời điểm khác thì đơn hàng lại thưa thớt hơn nhiều so với những ngày không có dịch bệnh. Do đó, shipper không chạy được bao nhiêu đơn trong một ngày. Thu nhập của mình vì vậy cũng không tăng, thậm chí giảm hơn ngày thường".

"Có những khách hàng rất "oái oăm", mình gặp một trường hợp khi giao hàng, khách nhận đồ không đeo khẩu trang nhưng lại bịt mũi và tỏ thái độ. Điều này khiến cho mình cảm thấy có phần chạnh lòng", anh Công kể thêm.

Xã hội ngày càng phát triển, hình thức mua bán online cũng trở nên phổ biến hơn và xuất hiện ngày càng nhiều người đóng vai trò vận chuyển hàng hóa từ người bán đến người mua. Do vậy, khi không hài lòng về chất lượng sản phẩm, thiết nghĩ khách hàng cần có thái độ đúng mực và hiểu biết.