Thế hệ trẻ Trung Quốc gây tranh cãi khi đua nhau lập di chúc sớm
(Dân trí) - Bỏ qua quan niệm lập di chúc sớm là điều không may, nhiều người Trung Quốc hiện quyết định làm điều này từ khi còn trẻ.
Theo báo cáo của Trung tâm Đăng ký di chúc Trung Quốc, độ tuổi trung bình của các cá nhân soạn thảo di chúc đã giảm từ 77,43 tuổi vào năm 2018 xuống còn 67,82 tuổi vào năm 2023. Đặc biệt, ngày càng có nhiều cá nhân trẻ tham gia lập di chúc.
Năm 2020, Trung tâm Đăng ký di chúc Trung Quốc đã ra mắt tính năng lập di chúc trên ứng dụng WeChat. Dữ liệu báo cáo cho thấy, giới trẻ Trung Quốc ưa chuộng dịch vụ này, với độ tuổi dưới 20 chiếm 26% và nhóm tuổi 20-29 chiếm 35%.
Mặc dù thiếu tư cách pháp lý, vào thời kỳ cao điểm, hơn 1.000 di chúc đã được tạo ra mỗi ngày. Việc lập di chúc trên WeChat cho phép người dùng lên lịch thời gian cụ thể để Trung tâm Đăng ký di chúc Trung Quốc gửi tin nhắn đến những người nhận được chỉ định.
"Chuyện viết di chúc không còn dành riêng cho người cao tuổi mà ngày càng nhiều người trẻ tuổi làm di chúc. Điều này cho thấy, thế hệ trẻ Trung Quốc có ý thức lớn trong việc bảo vệ tài sản, tránh tranh chấp", ông Huang Haibo - giám đốc Trung tâm Đăng ký di chúc Trung Quốc chi nhánh Thượng Hải - nhận định.
Gia Văn (17 tuổi) cho hay, cậu từng chứng kiến nhiều người thân của bệnh nhân tranh cãi về phương pháp điều trị và tranh chấp tài sản tại bệnh viện. Nghĩ đến bệnh tim của bản thân, cậu biết mình có thể ra đi bất cứ lúc nào nên quyết định lập di chúc sớm, để lại toàn bộ tiền tiết kiệm cho mẹ.
Đường Đường - cô gái thuộc thế hệ 9X ở Thượng Hải, Trung Quốc - chia sẻ: "Nếu năm nay mang thai, tôi sẽ ngay lập tức soạn di chúc. Tôi biết việc sinh con rất nguy hiểm, khó có thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra.
Là con một trong nhà, tài sản của tôi đều do bố mẹ cho. Tôi muốn lập di chúc sớm, để lại tài sản cho bố mẹ, bảo đảm cuộc sống về già của họ nếu có chuyện không may xảy ra với mình".
Số lượng di chúc cũng tăng lên ở đối tượng đang muốn ly hôn, bởi quy định các cặp đôi nộp đơn ly hôn có 30 ngày hòa giải.
Nhiều người phát hiện, nếu chẳng may họ gặp tai nạn trong thời gian 30 ngày hòa giải thì tài sản của họ sẽ được thừa kế hợp pháp bởi bạn đời. Do vậy, nhiều người đang muốn ly hôn đã chọn phương án lập di chúc để đảm bảo tài sản của mình.
Người phụ trách Ngân hàng Di chúc Trung Quốc cho rằng: "Độ tuổi tốt nhất để lập di chúc là khoảng 30. Đây là thời điểm mọi người thường vừa có một chút thành quả trong công việc, hoặc vừa lập gia đình, quan hệ giữa bạn đời và bố mẹ chưa thật sự khăng khít. Nếu chẳng may bạn ra đi trước, họ rất có thể sẽ tranh chấp tài sản nên cần có sự sắp xếp trước".
Lưu Hạ đột nhiên phát hiện mắc bệnh ung thư khi 33 tuổi. Tỉnh dậy sau cuộc phẫu thuật, anh bị bố mẹ yêu cầu phải lập di chúc ngay lập tức. Họ lo rằng, vợ anh sẽ lấy hết số tiền gia đình mới được đền bù và bỏ trốn, mặc kệ bệnh tình của anh. Lưu Hạ đã mất gần một tháng để lập di chúc sao cho vừa lòng cả hai bên.
Những người tán thành việc lập di chúc sớm cho rằng, đó là việc tốt và hy vọng ngày càng nhiều người có ý thức lập di chúc để giảm mọi tranh chấp khi lỡ xảy ra bất trắc. Họ thường nói: "Tương lai và tai nạn, không biết cái nào đến trước".
Lập di chúc là ước nguyện tuổi 30 của Lị Lị. Sau khi lập xong di chúc, cô cảm thấy thoải mái: "Dường như tâm hồn tôi được nhẹ nhõm, an yên hơn".
Tiến sĩ tâm lý Trương Khả Tiến cho rằng, việc ngày càng nhiều người trẻ lập di chúc cho thấy sự lo âu xã hội của họ.
"Trong thời đại công nghệ thông tin, mọi người dễ dàng tiếp cận với nhiều thông tin tiêu cực khiến họ luôn có cảm giác mọi thứ diễn ra ngay gần mình. Dần dần, mọi người tự nhủ rằng, một ngày nào đó, họ cũng sẽ gặp phải những sự cố như vậy và trở nên lo lắng, thậm chí lo âu về cái chết", ông nói.