Thế hệ trẻ đang vật lộn với nỗi cô đơn

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Sau 2 năm kể từ khi bắt đầu áp dụng các biện pháp phong tỏa, 30% thanh niên ở Anh nói rằng họ không biết cách kết bạn mới và chưa bao giờ cảm thấy cô đơn đến vậy.

Thế hệ trẻ đang vật lộn với nỗi cô đơn - 1
Người trẻ hiện đại bị cô đơn bủa vây (Ảnh: Francesco Sambati/ Eyeem/ VICE).

Thế hệ cô đơn

Vào đầu năm 2022, trên nền tảng TikTok xuất hiện video một cô gái nước mắt đẫm mi đang nói về tình bạn và sự cô đơn, đoạn clip nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội.

"Tôi có những người yêu thương và quan tâm đến mình nhưng tôi chỉ là kiểu bạn hạng 2, hạng 3 đối với họ. Điều này khiến tôi phải thui thủi 2 năm theo đúng nghĩa đen. Tôi dành rất nhiều thời gian để cố gắng tìm hiểu xem mình đã làm gì để rơi vào nỗi cô đơn cùng cực như bây giờ. Tôi lầm tưởng rằng mình đã nuôi dưỡng những mối quan hệ bền chặt rồi", cô kể.

Người dùng Twitter đã đón nhận câu chuyện theo những hướng khác nhau. Một người bày tỏ: "Tôi sẽ trở thành bạn bè của bạn"; hay "Hãy tự trưởng thành và mở rộng kết nối của mình với mọi người đi"; "Những người mà bạn kết bạn phụ thuộc vào hành động và năng lượng bạn mang đến. Câu hỏi thực sự cần được đặt ra là: Bạn thuộc kiểu bạn nào?".

Mặc dù những phản ứng khác nhau được đưa ra, nhưng không thể phủ nhận việc đại dịch đã khiến tình bạn và sự cô đơn thêm phần khó khăn rõ rệt.

Theo một nghiên cứu của Prince's Trust, sau 2 năm kể từ khi bắt đầu áp dụng các biện pháp phong tỏa, 30% thanh niên nói rằng họ không biết cách kết bạn mới và chưa bao giờ cảm thấy cô đơn đến vậy.

Sự cô đơn dường như đang lan rộng hơn bao giờ hết. Song, thật khó để khẳng định rằng liệu Covid-19 có phải chính là nguyên nhân hay nó chỉ làm bộc lộ một cuộc khủng hoảng đang chực chờ xảy ra.

Trong những năm trước đây, người trẻ (16-24 tuổi) không được coi là nhóm nhân khẩu học "cô đơn". Nhưng vào năm 2015, dự án BBC's Loneliness đã khảo sát trên 50.000 người và nhận thấy tỷ lệ cô đơn của họ tương tự với nhóm người cao tuổi.

Tiến sĩ Timothy Matthews - người có nghiên cứu tâm thần học tập trung vào sự cô đơn ở những người trẻ tuổi cho biết: "Có rất nhiều chuyển đổi cuộc sống diễn ra trong giai đoạn đó của cuộc đời".

Theo nghiên cứu của Matthews, những người trải qua sự cô đơn ở trường trung học sẽ tốt nghiệp với trình độ học vấn thấp hơn và có nhiều khả năng phải vật lộn để đối mặt với nỗi căng thẳng hàng ngày, gặp các vấn đề về giấc ngủ, bị trầm cảm, lo âu.

"Sau khi tốt nghiệp trung học, người trẻ có thể vào đại học, chuyển ra sống riêng hoặc rời khỏi quê nhà trong khi cố gắng trở thành một người trưởng thành độc lập. Nếu họ chiến đấu và điều hướng bản thân thành công thì rất có thể đó sẽ là một trải nghiệm khá đơn độc", ông nói.

Thế hệ trẻ đang vật lộn với nỗi cô đơn - 2
Nỗi cô đơn hiển hiện khiến người trẻ cảm thấy ngột ngạt và khó khăn (Ảnh: VICE).

Jasmine Grimshaw - một sinh viên mỹ thuật 23 tuổi - đã trải qua cuộc sống của bạn trẻ cô đơn. "Ở trường đại học, trong một ngày bạn có thể gặp ít nhất 3 người mình quen biết nhưng điều đó không có nghĩa bạn có bất kỳ mối liên hệ nào với họ", cô nói.

Grimshaw cho rằng, sự kết nối hời hợt trên mạng xã hội và việc chuyển đổi từ tuổi thiếu niên sang giai đoạn trưởng thành đồng nghĩa với các cuộc gặp gỡ trực tiếp sẽ giảm xuống.

Cô nói: "Thời còn đi học, bạn sẽ được gặp gỡ mọi người mỗi ngày. Nhưng sau khi ra trường, sẽ thật khó để theo kịp nhau, vì ai cũng có cuộc sống của riêng mình. Nó khiến chúng ta cảm thấy cô đơn dù đang ở trong một thế giới có rất nhiều người".

Tam Adisi (24 tuổi, sống ở Manchester, Anh) nhận thấy việc phải di chuyển khắp nơi vì học vấn và sự nghiệp gây ra cảm giác bị cô lập.

"Tôi cảm thấy thật khó để tìm bạn - những người có thể thấu hiểu và cảm thông cùng mình. Là một người da đen, kỳ quặc và phi nhị nguyên giới khiến điều đó càng khó hơn gấp nhiều lần. Tôi nhận thấy, nhiều sở thích, cách sống và điều tôi tìm kiếm ở tình bạn rất khác so với những gì số đông mong muốn", Adisi chia sẻ.

Những người cô đơn tìm thấy nhau

Cô đơn không đơn giản là vấn đề do mạng xã hội gây ra. Đó không phải là trạng thái mà mọi người chọn cách cô lập bản thân khỏi những giao tiếp xã hội. Đó là vấn đề cơ bản về cách thức các cộng đồng được hình thành và cách thức các nhu cầu của họ được ưu tiên.

Một số vùng tại Anh như Aycliff West ở County Durham hay Fieldway ở Croydon được đánh giá là có tỷ lệ cô độc cao và được mệnh danh là những khu dân cư "bị bỏ lại phía sau". Tất cả 225 khu dân cư trên khắp đất nước này được xác định là không nhận được phần đầu tư công bằng và thiếu các nguồn lực hoặc phương tiện giúp hình thành xã hội bền vững.

Thế hệ trẻ đang vật lộn với nỗi cô đơn - 3
Cô đơn không đơn giản chỉ là vấn đề do mạng xã hội gây ra (Ảnh: Shutterstock).

Befriending Service của Age UK là một dịch vụ có mục tiêu cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa các cộng đồng khác nhau để tránh tình trạng cô đơn. Nó mang lại cho người cao tuổi cơ hội được gọi điện trò chuyện hàng tuần với ai đó bất kể họ đang sống ở đâu. Có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng, đây là nơi kết nối những người già với nhau, trong khi trên thực tế, đó là nơi để những người cô đơn tìm thấy nhau.

Đối với những người sử dụng dịch vụ như Michael (71 tuổi), cuộc sống đã thay đổi. Khi tôi đến thăm tại căn nhà ở phía đông London, ông đang ngồi, xung quanh là những bức ảnh đóng khung của các thành viên gia đình, những món đồ lưu niệm của bộ phim Lord of the Rings và một chồng 4 chiếc Kindle chứa hơn 700 cuốn sách mà ông sẽ bỏ đi. Ông ấy sống trong một trung tâm dưỡng lão và mặc dù xung quanh có những người cùng hoàn cảnh, nhưng sự cô đơn vẫn gặm nhấm ông.

"Tôi cảm thấy cô đơn kể từ khi rời trường học. Chỉ có khoảng 3 người sống ở đây nói lời chào buổi sáng với tôi. Đáng lẽ họ sẽ đưa cho chúng tôi iPad để chúng tôi có thể nói chuyện với nhau nhưng thay vào đó, họ lại chi tiền mua tất cả những chiếc tủ mới này cho mọi người. Tôi thích iPad hơn".

Ngoài việc phải tạm gác lại những buổi cà phê sáng vì lý do đại dịch và kinh phí, các phương tiện giao thông không đáng tin cậy cũng thường khiến ông không thể tham dự các buổi lễ nhà thờ. Trong 5 năm qua, nói chuyện với Gemma - người hiện ở đông nam nước Anh, thông qua dịch vụ kết bạn của Age UK vào mỗi buổi sáng thứ Sáu đã thực sự thay đổi cuộc sống của ông.

Họ cùng nhau nói về những cuốn sách của Agatha Christie và chia sẻ những câu chuyện đời thường trong cuộc sống của mình. "Tôi gọi Gemma là kim cương 100%. Và nếu tôi cần bất kỳ lời khuyên nào, tôi chỉ cần hỏi Gemma", ông kể.

Thế hệ trẻ đang vật lộn với nỗi cô đơn - 4

Những người cô đơn tìm đến dịch vụ kết bạn để san bớt nỗi buồn và sẻ chia cuộc sống (Ảnh: Shutterstock).

Đối với Des (62 tuổi, một cư dân ở phía nam London), dịch vụ kết bạn đã giúp bà tìm thấy niềm an ủi khỏi sự cô đơn sau khi mẹ qua đời. "Cuộc gọi đầu tiên của tôi với Margaret là vào ngày sinh nhật của mẹ tôi. Một chút ích kỷ cho bản thân nhưng nó giống như liệu pháp đối với tôi", bà nói.

Đối với người bạn của mình, bà Margaret (73 tuổi), những cuộc gọi về sở thích chung của họ là nấu ăn và làm vườn đã trở thành cứu cánh kể từ khi đại dịch ập đến và những vị khách thường xuyên của bà không thể đến nữa và cũng không quay lại sau khi các hạn chế được nới lỏng. "Tôi đã bị suy nhược thần kinh và mọi thứ thật tệ. Tôi cảm thấy như thể mình bị mắc kẹt trong bốn bức tường trong suốt phần đời còn lại".

Toni, 37 tuổi, gọi cho Ron 83 tuổi ở Merseyside từ nhà của cô ấy ở Nam London. Kể từ khi vợ Ron qua đời vào năm 2020, ông đã không còn "người bạn đời tuyệt vời nhất" ở bên cạnh. Mặc dù con gái của ông thường xuyên đến thăm, nhưng tình bạn giữa ông và Toni mới là điều khiến mọi thứ thay đổi.

Ông mô tả cô ấy như em gái nhỏ của mình. "Tôi luôn nghĩ rằng phải có một số người cô đơn khủng khiếp ở đâu đó ngoài kia không thể tìm được người trò chuyện và tôi hy vọng họ có thể nhận được chỉ cần 10% giá trị mà tôi có được từ việc trò chuyện cùng Toni".

Toni cho rằng, đăng ký dịch vụ kết bạn là trải nghiệm của chính mình với sự cô đơn. Lớn lên, cô được nuôi dưỡng bởi bà ngoại, người sống ở trên vài tầng so với căn hộ của cha mẹ cô trong cùng khu nhà và dành cả ngày đi mua sắm với bà. Kể từ khi có con riêng và rời xa nơi mình lớn lên, cách xa cha mẹ và không có bạn bè ở nơi sinh sống, cô phải xây dựng cộng đồng của riêng mình.

"Tôi thực sự có thể ngồi dưới chân Ron cả ngày và thoải mái nghe ông ấy kể những câu chuyện về cuộc đời mình. Thực sự tập trung vào người khác, một lần nữa, đã giúp tôi trong quá trình chữa lành chính mình", cô tâm sự.

Adisi cho rằng, mọi thứ bị nói lên một cách quá mức, nó liên quan nhiều hơn đến ác cảm của thế hệ đối với sự thân mật. "Mọi người vẫn phải vật lộn với sự cô đơn và cảm thấy không được kết nối trong những mối quan hệ đó. Có rất nhiều áp lực xã hội đè nén những nhu cầu tình cảm và thay thế nó bằng việc coi trọng tính độc lập quá mức, điều này ngược lại với những gì cần thiết để có những kết nối ý nghĩa. Có thể sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi có những mối liên kết hời hợt thay vì cố gắng để vượt qua những thay đổi hay bản năng", cô lý giải.

Nỗ lực để tạo nên một xã hội đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và con người thường được xem là một chuyện không tưởng. Tuy nhiên, Grimshaw nghĩ rằng chỉ đơn giản nói về nó là không đủ. Thay vào đó, thay đổi căn bản cần phải diễn ra.

"Mọi người thường bị thúc đẩy làm việc, bất chấp mọi thứ đang diễn ra. Văn hóa nơi làm việc loại bỏ khả năng liên kết nỗi buồn của chúng ta để bớt cô đơn hơn. Tuy nhiên, cũng có một mức độ không thoải mái khi trải qua nỗi đau của người khác nếu chúng ta vẫn đang phải ôm nỗi đau của chính mình. Chúng ta đang cố gắng tạo ra vẻ ngoài là mình ổn", cô cho biết thêm.

Thật dễ dàng khi nói rằng gặp gỡ mọi người sẽ giải quyết được nỗi cô đơn. Song, thời gian, đầu tư vào cơ sở hạ tầng cộng đồng và sự phục hồi hoàn toàn về kinh tế và xã hội sau đại dịch chỉ là một vài trong số những điều kiện cần thiết để bắt đầu giải quyết vấn đề.

Theo www.vice.com