Thấy gì qua vụ "cô gái tố bị bạn học bắt nạt tới định tự tử" đang nóng MXH?
(Dân trí) - Vụ một cô gái làm hẳn một power point để tố cáo việc từng bị bắt nạt ở trường trong thời gian dài dẫn tới việc cô trầm cảm nặng nề, tự rạch tay làm đau và có ý định tự tử đang khiến dư luận bức xúc.
Công khai câu chuyện "từng bị bạn học cùng lớp bắt nạt liên tục từ cấp 2 đến cấp 3"
Mới đây, một cô gái tên A ở Hà Nội (tên nhân vật đã thay đổi) kể lại câu chuyện bị bắt nạt học đường đã được giấu kín sau nhiều năm.
Cụ thể, A đã làm một bản power point tố cáo những người mà cô cho rằng đã bắt nạt cô tại trường học, "tra tấn" tinh thần trong suốt những năm tháng học cấp 2 và cấp 3.
Vụ việc gây xôn xao mạng xã hội, khiến nhiều người bàng hoàng vì những tình tiết tưởng chỉ có ở trong phim như: giả vờ làm bạn rồi bắt nạt, khủng bố tinh thần, rạch tay tự làm đau...
Theo lời kể của A, khi học cấp 2, bạn học và một nhóm bạn thường xuyên có những lời lẽ nhằm vào ngoại hình của A. Có khi, bạn đó còn xô ngã A xuống cầu thang, lấy đồ dùng học tập, gán A vào biệt danh "chuyên đi hớt lẻo"... và rất nhiều hành động trêu chọc, gán ghép khác.
Từng có một thời gian bạn học này bất ngờ quay sang làm bạn với A. A nhận thấy sự bất thường từ khi bạn học chủ động muốn làm bạn, ăn sáng cùng, đi học cùng… Nhưng vì quá cô đơn, cô vẫn làm bạn cùng. Sau đó, những câu chuyện riêng của A kể đều bị "bạn thân hờ" đem đi kể cho những bạn khác, lấy đó làm cơ sở hiểu biết để bắt nạt A càng nhiều hơn trước.
Nhiều tình huống trớ trêu xảy ra khiến A bị rơi vào trạng thái tâm lý trầm cảm, mất hoàn toàn sự tự tin và luôn hoài nghi về mọi việc. A được chuẩn đoán trầm cảm nặng kéo theo rối loạn ăn uống, mất ngủ… Thậm chí, A đã nhiều lần rạch tay tự làm đau bản thân và có ý định tự tử.
Cô phải đi gặp chuyên viên tâm lý hàng tuần, tham gia các buổi tâm sự về tâm lý cách đây khoảng 3 năm.
Những vụ bắt nạt học đường để lại tổn thương tâm lý sâu đậm cho nạn nhân.
Nhiều người bị ám ảnh, dẫn đến bệnh tâm lý, giảm sút kết quả học tập và khả năng phát triển trong tương lai.
Cho tới nay, vấn nạn này vẫn đang diễn ra trong học đường, trở thành mầm mống tiềm ẩn nhiều tai họa với các thế hệ học trò.
A nói rằng hiện tại dù đã trưởng thành nhưng cô chưa thể hoàn toàn thoát khỏi cảm xúc bị bắt nạt thuở học trò. Và cô quyết định công khai câu chuyện bị bắt nạt tại trường học đã diễn ra từ lâu này.
A khẳng định lí do công khai câu chuyện không phải để bạn học kia chịu sự công kích mà bởi cô muốn giải tỏa cảm xúc của chính mình, muốn thoát ra khỏi câu chuyện ngày ấy và vượt qua nó.
Vụ việc đang được chia sẻ rầm rộ, thu hút nhiều ý kiến bình luận như: "Không thể tin được ở môi trường học đường lại có những chiêu trò bắt nạt tinh vi như vậy", "Cô gái cần lên tiếng sớm hơn để được nhà trường, gia đình trợ giúp, bây giờ thì đã muộn", "Chuyện này không hiếm như mọi người tưởng đâu. Chính tôi cũng đã từng trải qua hoàn cảnh tương tự"...
Bị bạn bè gọi là "con quỷ thùng rác", bị rình chụp ảnh nhạy cảm…
Theo dòng chia sẻ về câu chuyện bạo lực học đường, Phạm Thị Hằng (cô gái từng lên báo Dân trí chia sẻ về việc chăm chỉ làm đủ nghề từ xe ôm công nghệ, thợ cắt tóc đến mẫu ảnh) giãi bày:
"Vào thời điểm đầu cấp 2, mình bị một nhóm bạn bè tụm lại trêu chọc, tấn công tâm lý trong một thời gian dài. Các bạn có những hành động quá khích như đổ mọi tội lỗi cho mình trước mặt giáo viên, khiến mình bị kỷ luật; lợi dụng điểm yếu để trêu đùa đến khóc; lấy sách vở, cặp bút giấu đi hoặc ném chuyền nhau, mang đồ của mình để cạnh sọt rác…
Thời gian dài mình bị bạn bè gọi với cái tên "con quỷ thùng rác" với mục đích miệt thị, xa lánh. Những ngày tháng đó mình rất mệt mỏi và sợ hãi nhưng không dám giãi bày với thầy cô và gia đình".
Cũng gặp phải hoàn cảnh bị bạn bè bắt nạt ở lớp, em N.A (hiện đang học lớp 12) kể: "Khoảng lớp 8, khi em đang đi vệ sinh thì bất ngờ nhìn thấy có nhóm bạn chụp lén hình ảnh nhạy cảm. Cuối giờ học hôm đó, em bị nhóm bạn phát hình ảnh nhạy cảm lên máy chiếu cho cả lớp xem.
Có một số bạn em thấy và cũng bức xúc nhưng không làm gì được vì sợ người tiếp theo trong cuộc bạo lực về tinh thần đó có thể là chính các bạn ấy".
Cô giáo Bùi Bích Liên, chuyên viên tư vấn tâm lý học đường trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng rất nhiều vấn nạn xảy ra trong môi trường học đường bắt nguồn từ những mâu thuẫn nhỏ, hoặc hiểu lầm không đáng có.
Nếu được dẫn dắt xử lí sớm, nhiều trường hợp đáng tiếc như học trò đánh nhau, học trò bắt nạt bạn bè, thậm chí là học trò tự tử đã không xảy ra.
"Căn nguyên của những triệu chứng ức chế tâm lý của học sinh là các bạn cảm thấy không được chia sẻ", cô Bích Liên nói.
PGS Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Những học sinh rơi vào các vụ việc bạo lực học đường nghiêm trọng thường là các em có vấn đề về tâm lý, do bị ức chế quá mức, không kiểm soát được cảm xúc. Nếu vấn đề tâm lý của các em được phát hiện sớm, các em được hỗ trợ và tư vấn thì sẽ giảm được những vụ việc bạo lực học đường".
Tuy nhiên, phòng chống, ngăn chặn bạo lực học đường không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục.
"Cần phải có chương trình giáo dục hành vi làm cha mẹ không bạo lực ở gia đình, đó là nền tảng rất quan trọng góp phần phòng chống bạo lực học đường.
Bên cạnh đó có thể là chương trình an toàn trong khu dân cư, phố (thôn, xóm), phường (xã)... thuộc sự quản lý của các cơ quan, ngành chức năng khác ngoài ngành giáo dục. Đó là những nền tảng không thể thiếu trong phòng chống bạo lực học đường", PGS Trần Thành Nam cho biết.