Giáo dục giới tính:

Sống thử, có nên tách biệt về tiền bạc?

Lệ Thu Văn Hiền

(Dân trí) - "Mình và người yêu đã quen nhau một năm và đang muốn sống thử. Điều mình lo lắng nhất là sau khi sống thử sẽ xảy ra rất nhiều vấn đề, nhất là trong chuyện tiền bạc".

Xích mích vì tiền bạc

Đó là những băn khoăn của bạn N.V.H (Sinh viên năm 3 của một trường đại học tại Hà Nội) khi có mong muốn bắt đầu sống thử nhưng lại ngần ngại vì lý do tài chính. Không chỉ H. mà cũng có rất nhiều bạn trẻ đều có suy nghĩ như vậy khi manh nha ý định sống thử trước hôn nhân.

Sống thử, có nên tách biệt về tiền bạc? - 1
Câu hỏi của H. đã nhận được rất nhiều sự đóng góp ý kiến của nhiều bạn trẻ đã và đang sống thử khi đã tách biệt được tiền bạc.

Đã và đang sống thử cùng người yêu được 2 năm, bạn Đỗ Thanh Tùng (23 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Mình khuyên các bạn trẻ nếu có suy nghĩ sống thử trước hôn nhân, nhất là khi còn đi học thì phải suy nghĩ thật kỹ và phải làm chủ không phụ thuộc vào kinh tế. Chúng mình đã trên dưới 10 lần phải xích mích, cãi vã chỉ vì một vấn đề tiền bạc.

Mỗi tháng tất cả chi phí sinh hoạt, ăn uống, thuê nhà của cả hai đứa cũng hết khoảng 8-10 triệu đồng. Mình sẽ là người chịu phần nhiều hơn, có khi là sẽ trả toàn bộ, một vài lần đầu mình nghĩ đó là ga lăng nhưng dần rồi cũng phải đặt vấn đề với người yêu về chuyện này".

Để có thể giải được bài toán kinh tế này, Tùng đã quyết định đi làm thêm và tiền chi tiêu trong nhà sẽ được chia đôi. Có những khoản thì Tùng sẽ chịu phần nhiều hơn, cả hai cũng bắt đầu tiết kiệm và không chi tiêu những khoản hoang phí. Nhờ vậy, Tùng và người yêu đã không còn lo lắng về tiền bạc khi sống thử nữa, cả hai đều hạnh phúc và có sự gắn kết nhau nhiều hơn.

Sống thử, có nên tách biệt về tiền bạc? - 2
Thanh Tùng hiện đang là chuyên viên tư vấn cho một công ty bảo hiểm nhân thọ và có mức thu nhập hàng tháng ổn định.

"Chân ướt chân ráo" lên Hà Nội học đại học, Q.A. gặp người yêu (nay đã là người yêu cũ). Không lâu sau đó, cả hai quyết định thuê một phòng trọ và dọn đến ở chung.

Thời gian đầu mới dọn về, "lửa yêu" vẫn đang ngụt cháy, tật xấu của đối phương là điều dễ được bỏ qua, thậm chí còn được xem là… nét đáng yêu. Nhưng "chén đũa chung chạn còn xô nhau", huống hồ là hai con người với cá tính riêng biệt. Sau một khoảng thời gian, những mâu thuẫn dần hình thành, từ chuyện nhỏ nhặt nhất…

Q.A. tâm sự: "Mình và bạn gái hay cãi nhau về chuyện tiền bạc - một vấn đề mà trước khi dọn về ở chung, chẳng bao giờ phải bận tâm đến. Khi những mâu thuẫn tích tụ và lên đến đỉnh điểm, chúng mình chọn cách chia tay. Cho đến bây giờ, mình vẫn cảm thấy đau khổ vì mình đã đặt hết hy vọng vào mối quan hệ này nhưng kết quả lại không như mong muốn. Sống thử cũng như cây đinh đóng vào tấm ván, khi dứt ra cả hai đều có vết hằn".

"Tiền của ai, người ấy giữ"

Bắt đầu sống thử khi người yêu đã đi làm, còn mình thì mới chỉ là sinh viên năm 2. Nhưng chưa bao giờ, bạn Nguyễn Thanh Tâm lại phải bận tâm về vấn đề tài chính của cả hai người. 

Thanh Tâm cho hay: "Mỗi tháng thu nhập của mình cũng được từ 8-10 triệu đồng, còn người yêu mình là sale ô tô nên thu nhập cũng ổn định. Về tiền nhà, bọn mình quyết định sẽ cùng nhau chia đôi, còn lại tiền điện nước và phí dịch vụ anh sẽ là người trả.

Mình thì luôn quan niệm rằng "Tiền của ai, người ấy giữ" nên cả hai phải sòng phẳng về tiền bạc thì tình yêu mới bền lâu được. Mỗi người thì đều có một khoản riêng và không ai được phép hỏi hay lấy ra cả. Có tháng hết tiền thì mình lại vay anh, cuối tháng sẽ trả lại chứ không có chuyện của người yêu mình thì không cần trả lại".

Sống thử, có nên tách biệt về tiền bạc? - 3
Suốt gần 2 năm sống thử, nhờ đó mà Tâm cũng tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn. Số tiền tích lũy đó có thể rất cần sau khi Tâm ra trường vào năm nay.

Ngay cả khi hai người đều đi làm, đã là sống thử thì tiền bạc cũng cần phải tách biệt và rõ ràng. Anh Trần Mạnh Tiến (26 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) cho hay: "Với lương của kỹ sư công nghệ thông tin thì mình hoàn toàn có thể lo được cho cả hai đứa, nhưng em người yêu mình thẳng thắn đòi phải chia đôi mọi chi phí sinh hoạt. Là một giáo viên mầm non, mình hiểu mức lương của em cũng chỉ để chi tiêu sinh hoạt và không thể tích lũy được nhiều.

Về tiền nhà thì cả hai sẽ thống nhất chia làm 7 phần và 3 phần, mình sẽ lo phần nhiều hơn. Tiền điện nước thì chia đôi cả hai cùng trả để có được sự công bằng, còn tiền ăn uống hay mua vật dụng thì mình sẽ nhận bởi cũng không đáng là bao nhiêu".

Ngày trước, khi bắt đầu dọn về sống chung với nhau anh Tiến cứ thường chọn chi trả toàn bộ các chi phí khiến nhiều khi bạn gái suy nghĩ mình đang "bao nuôi" chứ không được tôn trọng. Dần cả hai cũng biết lắng nghe, ngồi lại để chia sẻ xem đối phương mong muốn cần gì thì cuộc sống thử mới trọn vẹn và hạnh phúc. 

Anh Tiến cũng chỉ ra rằng: "Một trong những thách thức đầu tiên trong cuộc sống mà các cặp đôi sống thử với nhau phải đối mặt là nỗi lo về kinh tế. Tiền bạc chính là nguyên nhân phổ biến gây ra xung đột và khiến nhiều người phải "đứt gánh giữa đường". Cho nên nếu muốn có một cuộc sống thử trọn vẹn thì cả hai phải tách biệt về kinh tế và có công việc ổn định, biết chia sẻ cho nhau ở những khoản nào".

Liệu cơm gắp mắm

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm, chuyên gia tâm lý - tình yêu - hôn nhân - gia đình với hơn 15 năm kinh nghiệm chia sẻ: Vấn đề sống thử cũng là một vấn đề được giới trẻ quan tâm hiện nay.

Theo bà, thực ra gọi là "sống thử" mà là sống thật chứ không có thử. Thử theo nghĩa chưa cưới mà ở chung giống như vợ chồng. Còn thực ra cuộc sống là cuộc sống thực, chứ không có thử. Sống với nhau là thật, quan hệ là thật, ở chung với nhau là thật chứ đâu có thử được đâu. Thử làm vợ làm chồng thì được chứ không phải là sống thử.

"Trong cuộc sống chung đó, nếu chúng ta là người trưởng thành, ai cũng có công ăn việc làm thì chúng ta nên làm chuyện công bằng với nhau đó là chia sẻ vấn đề kinh tế trong đời sống. Giả sử mình đang ở độc thân và không sống với một người nào đó thì mình vẫn phải trang trải chi phí sống.

Chẳng hạn nếu bạn trẻ vừa ra trường dọn vào sống chung khi ở độ tuổi chưa làm ra kinh tế nhiều, một trong hai không phải là người quá dư giả hoặc giàu có thì mỗi cá nhân nên cùng đóng góp để tạo nên sự bền vững", nữ chuyên gia nêu quan điểm.

Sống thử, có nên tách biệt về tiền bạc? - 4
Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm, chuyên gia tâm lý - tình yêu - hôn nhân - gia đình.

Bà khẳng định thêm: "Thứ hai, ai cũng có trách nhiệm (trách nhiệm với bản thân và có trách nhiệm với người bạn ở chung với mình) không làm cho người kia cảm thấy bị lợi dụng hoặc khó chịu. Cho nên, bạn trẻ nếu không dư giả thì nên góp gạo thổi cơm chung là công bằng nhất.

Còn nếu như người con trai và con gái ở trong mối quan hệ đó có khá nhiều điều kiện tốt và ăn ở sinh hoạt không có chi phí quá lớn thì chuyện cơm, củi, gạo, tiền cũng không đáng bao nhiêu. Một trong hai người có thể "cover" cho người kia toàn bộ, nhất là người con trai có điều kiện tốt, tự do tài chính hơn thì nên bao bọc người con gái, cũng rất hay.

Vì sống thử, con gái như vậy họ cũng làm 101 chuyện cho mình, "hi sinh" tuổi xuân cho mình. Ví dụ họ nấu cơm, lau nhà, giặt giũ quần áo, lo cho mình từ bữa ăn đến giấc ngủ thì mình lo cho họ sinh hoạt phí có gì ghê gớm lắm đâu, phải không?".