Singapore: Vấn nạn dụ dỗ thanh thiếu niên tham gia chuyển tiền phi pháp

Quỳnh Anh

(Dân trí) - Khoảng một nửa số tội phạm lừa đảo và vận chuyển tiền phi pháp bị bắt ở Singapore trong vòng ba năm trở lại đây chưa đến 30 tuổi.

Những "con la tiền" ở Singapore

Singapore: Vấn nạn dụ dỗ thanh thiếu niên tham gia chuyển tiền phi pháp - 1

Từ năm 2019 đến năm 2021, có 1.239 tội phạm lừa đảo và vận chuyển tiền phi pháp bị bắt giữ ở Singapore (Ảnh: Straitstimes).

Tại Singapore, vấn nạn dụ dỗ thanh thiếu niên trở thành tội phạm thông qua các sòng bạc online và quảng cáo trên mạng xã hội đang trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Tội phạm loại này được gọi là những "con la tiền" (money mules) - thuật ngữ dùng để chỉ những người sử dụng tài khoản ngân hàng để vận chuyển tiền trung gian thay cho người khác, nhằm phục vụ cho các mục đích bất hợp pháp.

Nghị sĩ Don Wee đã nêu vấn đề này tại Quốc hội Singapore trong phiên họp về ngân sách của Bộ Nội vụ (MHA) vào đầu tháng này.

Ông nhấn mạnh, hơn 7.000 tội phạm lừa đảo và vận chuyển tiền bẩn đã được điều tra và bắt giữ vào năm ngoái, trong đó, tội phạm trẻ tuổi xuất hiện ngày càng nhiều.

Theo dữ liệu cảnh sát cung cấp, số lượng tội phạm dưới 30 tuổi chiếm khoảng một nửa, cụ thể, có 1.239 thanh thiếu niên phạm tội lừa đảo và vận chuyển tiền phi pháp bị bắt giữ trong vòng hai năm kể từ 2019.

Ông Wee cho biết: "Khác với trước đây, các tội phạm vận chuyển tiền phi pháp hiện nay thường núp dưới bóng con nợ tín dụng đen. "Có thể thấy, người trẻ dễ dàng bị che mắt bởi đồng tiền, nhất là khi truy cập vào trang web chơi game trực tuyến. Họ sẽ dễ dàng bắt gặp những mục quảng cáo về các công cụ kiếm tiền nhanh chóng, sự cám dỗ này thôi thúc họ tham gia đường dây rửa tiền trái phép"

Hai thanh niên ở độ tuổi 19-25 mới bị bắt giữ bởi cáo buộc giao nộp tài khoản ngân hàng của mình và tiết lộ thông tin đăng nhập Singpass để tiếp tay cho những kẻ lừa đảo nhằm ăn tiền hoa hồng.

"Khoảng một triệu USD kiếm được từ nhiều vụ lừa đảo được chuyển về tài khoản này", cảnh sát cho biết.

Nur Syafiqah Mohamad Awal, 20 tuổi, cất giữ khoảng 200.000 SGD rồi dùng số tiền đó để chi trả cho quần áo và nhà ở.

Mohamad Awal và người em gái 19 tuổi bị kết tội đồng lõa với bọn lừa đảo mà mẹ của họ quen biết qua ứng dụng hẹn hò, rồi rửa số tiền lên tới gần một triệu SGD kiếm thông qua các nạn nhân.

Hai chị em Mohamad đến nay vẫn chưa bị xử.

Singapore: Vấn nạn dụ dỗ thanh thiếu niên tham gia chuyển tiền phi pháp - 2

Tội phạm lừa đảo và vận chuyển tiền bẩn ngày càng trẻ hóa (Dữ liệu: Singapore Police Force).

Trả lời về vấn nạn này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Desmond Tan cho biết phần lớn các cuộc điều tra về những người vận chuyển tiền thường không bị truy tố bởi quá trình xác minh ý định lừa đảo của chúng còn gặp nhiều khó khăn.

Các luật sư hình sự cho biết có hai loại người vận chuyển tiền phi pháp: một là thanh thiếu niên muốn kiếm tiền nhanh chóng và hai là phụ nữ cô đơn bị thao túng bởi kẻ lừa tình.

Một số luật sư còn gặp phải trường hợp bọn tội phạm làm ngơ những cảnh cáo từ phía cảnh sát về việc ngừng tham gia các vụ lừa đảo.

Nhắc tới những người vận chuyển tiền phi pháp trẻ tuổi, cô Diana Ngiam từ Quahe Woo và Palmer cho biết: "Ban đầu, các tội phạm thường viện cớ rằng chúng không hề biết tài khoản ngân hàng của mình được sử dụng cho mục đích lừa đảo, chúng nói rằng chỉ muốn kiếm tiền một cách dễ dàng".

Siết chặt quản lý và giáo dục 

Quá trình điều tra cho thấy những tên tội phạm này có thể bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được món hời trước mắt.

Ông Cory Wong từ Invictus Law cho biết, những kẻ lừa tiền trẻ tuổi vẫn có thể bị kết tội kể cả chúng không biết lý do nhận được tiền trong tài khoản.

"Nói một cách nôm na, vấn đề không nằm ở việc bạn có biết hay không, nó nằm ở việc bạn đáng lẽ nên biết", luật sư này nói.

Bộ Nội vụ Singapore đang xem xét xây dựng các điều khoản mới cho CDSA; theo đó, các cá nhân thực hiện giao dịch tài chính phải có trách nhiệm giải trình và nâng cao cảnh giác.

"Mục đích của việc này là để ngăn chặn các cá nhân tham gia hoạt động vận chuyển tiền trái phép, thông qua việc áp dụng trách nhiệm pháp lý đối với những người không thực hiện giao dịch một cách cẩn thận."

Một vài biện pháp ngăn chặn những người trẻ tuổi tham gia vào các trò lừa đảo được đưa ra, bao gồm biện pháp giáo dục cộng đồng của cảnh sát thông qua cố vấn, mạng xã hội và phương tiện truyền thông.

Nhà chức trách cũng đã làm việc với hệ thống ngân hàng để kết hợp tư vấn cho các khách hàng mong muốn mở tài khoản.

Ông Wee, người từng giữ nhiều vị trí cấp cao trong ngân hàng, cho biết các tổ chức tài chính có thể làm khắc phục vấn nạn vận chuyển tiền bẩn bằng cách kiểm tra kỹ lưỡng và trao đổi trực tiếp với các khách hàng trẻ khi họ đăng ký mở tài khoản, đặc biệt là những tài khoản sử dụng chung với bên thứ ba.

"Ngân hàng phải yêu cầu giải trình thông tin chi tiết về nguồn tiền cũng như mức độ giao dịch của tài khoản. Đây là chính sách mà ngân hàng hoặc Cơ quan tiền tệ Singapore có thể áp dụng để bảo đảm tài khoản được mở đúng mục đích và thuận lợi cho việc theo dõi các dấu hiệu bất thường."

Làm thế nào để những tội phạm lừa đảo chịu trách nhiệm trước pháp luật

Đạo luật tham nhũng, buôn bán ma túy và các tội nghiêm trọng khác sửa đổi của Singapore (CDSA) dự kiến sẽ được thực hiện vào quý 4 năm nay.

Bộ Nội vụ cho biết mục đích của những thay đổi này là giảm thiểu trách nhiệm pháp lý đối với tội phạm và yêu cầu người dân đề cao cảnh giác đối với các giao dịch chuyển tiền.

Luật sư của The Strait Times cho biết, theo luật hiện hành, các hành vi phạm tội trong mọi trường hợp sẽ đều phải chịu trách nhiệm pháp lý, miễn là có cơ sở cho thấy những người vận chuyển tiền "bẩn"  sử dụng số tiền kiếm được từ các vụ lừa đảo cho mục đích riêng.

Điều này có nghĩa là những người vận chuyển tiền "bẩn"  sẽ bị kết án bất kể chúng có biết nguồn tiền chúng kiếm được là từ tổ chức lừa đảo nào hay không.

Theo CDSA, một người chấp nhận tham gia giao dịch trong khi người đó "biết rõ hoặc nghi ngờ" giao dịch đó tạo ra lợi nhuận trái phép dưới hình thức che giấu, từ bỏ quyền giám hộ, chuyển giao cho người đứng tên hay những thủ đoạn tương tự, có thể bị phạt tiền tối đa 500.000 SGD, phạt tù tối đa 10 năm, hoặc cả hai.

Ngoài CDSA, những người vận chuyển tiền "bẩn" có thể bị kết tội lừa đảo, cũng như kinh doanh trái phép theo Đạo luật Dịch vụ Thanh toán và các văn bản luật khác.

Hành vi giao dịch tiền trái phép xuyên biên giới theo Đạo luật Dịch vụ Thanh toán có thể bị phạt tù tối đa 3 năm, phạt tiền tối đa 125.000 SGD, hoặc cả hai.

Hành vi lừa đảo có thể bị phạt tù đến 10 năm và phạt tiền.

Theo www.straitstimes.com