Rưng rưng nước mắt clip điều ước ngày Tết của người vô gia cư

(Dân trí) - Một nhóm tình nguyện viên đã dành nhiều đêm thức trắng để thực hiện clip nói lên tâm nguyện của những người sống cảnh “màn trời chiếu đất” trong những ngày Tết đến xuân sang.

 
Clip Điều ước của chúng tôi là một phóng sự ngắn, phản ánh nguyện vọng của những người vô gia cư tại Hà Nội, do các bạn trẻ trong nhóm tình nguyện Ấm thực hiện.
 
Clip phỏng vấn hơn 10 người vô gia cư đang nằm dưới những mái hiên cửa hàng, sống tạm bợ trong những túp lều hoặc co ro trong cây rút tiền tự động để tránh cát rét của mùa đông Hà Nội.
 
Qua câu chuyện thân tình giữa nhóm làm clip và những người vô gia cư, người xem hiểu được rằng, nguyện vọng lớn nhất của những con người sống tha hương là được về quê, đoàn tụ với gia đình.

Nhưng vì hoàn cảnh, hoặc không có tiền hồi hương, họ phải sống chật vật nơi phố thị và sẵn sàng đón một cái Tết nơi vỉa hè. Một người vô gia cư tên Hải (40 tuổi) chia sẻ: “Chú muốn chữa khỏi bệnh, về quê thăm mẹ, thăm quê ngoại, đón Tết vui vẻ. Mong ước rằng sang năm có công việc ổn định để trở về quê nhà, không muốn như thế này mãi”.

Một trong những người vô gia cư được phỏng vấn trong clip

Một trong những người vô gia cư được phỏng vấn trong clip

Dù chỉ dài hơn 3 phút nhưng clip Điều ước của chúng tôi đã mang tới một thông điệp ý nghĩa sâu sắc dành cho cộng đồng. Lời nguyện ước giản đơn của những người vô gia cư khiến cho những trái tim nhân ái nhói đau.

“Mình đã khóc rất nhiều khi xem clip này, không ngờ trên đời có những người khổ như vậy. Trong khi mình quan tâm Tết này mặc gì cho đẹp thì họ chỉ có một ước mơ duy nhất là được về nhà”, bạn Thảo Trang bình luận.

Quá trình thực hiện clip khá gian nan. Cả nhóm tình nguyện mất nhiều đêm liền thức trắng, lang thang khắp phố phường, tìm gặp những người vô gia cư. Trưởng nhóm làm clip, bạn Hoàng Long – một người trẻ thuộc thế hệ 9x cho biết: "Nhiều lần tiếp xúc và lắng nghe câu chuyện của những người vô gia cư, em và các bạn trong nhóm đã hiểu hơn và cảm thấy trân trọng những người vô gia cư.
 
Họ là những con người đang chật vật kiếm miếng cơm qua ngày. Năm hết Tết đến, họ cũng như mọi người, có những ước mơ giản dị. Chúng em muốn làm bạn với họ, giúp đỡ những con người này để cuộc sống đỡ khổ”.

Mai Châm