Quá tải mạng xã hội, nhiều người trẻ tìm cách "thanh lọc, giải độc"
(Dân trí) - Những hệ lụy nghiêm trọng mà mạng xã hội gây ra đã khiến các bạn trẻ bắt đầu nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn để tìm ra phương pháp giải thoát khỏi sự chi phối này.
Đã đến lúc người dùng mạng xã hội cần được "thanh lọc, giải độc"
Thời gian gần đây, mạng xã hội (MXH) liên tục dậy sóng bởi những drama không hồi kết, từ "cuộc chiến" về việc từ thiện của các nghệ sĩ trong showbiz Việt, cho tới những vụ ồn ào tình ái của người nổi tiếng.
Không những thế, dưới mỗi chủ đề được đưa ra thảo luận, cư dân mạng lại chia ra thành các luồng quan điểm ý kiến trái chiều nhau. Điều đáng chú ý là nhiều người dùng MXH không ngừng sử dụng những lời lẽ nặng nề công kích.
Nguyễn Thị Hương Trà (19 tuổi, du học sinh tại Mỹ), bạn trẻ sở hữu gần 24.000 lượt theo dõi trên Instagram, cho biết: "Mình đã từng chịu rất nhiều áp lực từ các bình luận tiêu cực. Mình đăng một bài viết công khai trên mạng xã hội tức là mình gần như cho người ta quyền đánh giá, chỉ trích mình.
Những bình luận công kích mình, thậm chí công kích cả bố mẹ mình xuất hiện rất thường xuyên. Nhiều người cho rằng, khi bạn trở nên nổi tiếng, bạn kiếm tiền từ người theo dõi thì họ có quyền đánh giá bạn.
Ngoài ra, trong quá trình sử dụng mạng xã hội, mình cũng vô tình so sánh bản thân với người khác. Mình từng tăng cân rất nhiều, nên mình đã có ý định nhịn ăn để giảm cân, mặc dù trước đây mình rất ghét việc này. Kết quả là có ngày mình giảm tận 1kg, uống không đủ nước, ăn không đủ chất, người cứ rệu rạc không một chút năng lượng…".
Tương tự như những gì Hương Trà gặp phải, Trần Thanh Vân (17 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Có lần, mình bình luận về những trải nghiệm mình từng trải qua dưới một video trên Tik Tok, ngay lập tức, một vài người không quen biết sử dụng rất nhiều lời lẽ không hay để phản hồi lại bình luận đó, có người còn tấn công vào trang cá nhân của mình".
Có thể thấy, với sự phát triển chóng mặt của các phương tiện truyền thông, khối lượng thông tin mỗi người phải tiếp cận trên mạng xã hội ngày một tăng. Điều này tất yếu gây ra tình trạng "bội thực thông tin" cho người sử dụng.
Trên podcast "Người lớn quá tải mạng xã hội", vlogger Giang Ơi mô tả: "Cảm giác bị quá tải mạng xã hội là khi bạn cảm thấy thời gian mình bỏ ra trên mạng cứ như vô tận nhưng thực chất vài tiếng đồng hồ đã trôi qua từ bao giờ, còn bạn thì đã hết cả sức. Và cái bi kịch của nó là, nếu hỏi rằng vài tiếng đồng hồ vừa qua bạn đã làm được những gì thì cũng rất khó để trả lời".
Mạng xã hội là vô hạn, còn tâm trí con người lại có hạn. Bởi vậy, người sử dụng cần phải phân định rõ thông tin nào cần phải bỏ và thông tin nào có thể tiếp nhận.
Để giải quyết vấn đề này, một vài người trẻ bắt đầu tìm đến những phương pháp thanh lọc mạng xã hội nhằm loại bỏ những điều độc hại gây ảnh hưởng tiêu cực. Bằng cách ngừng sử dụng các thiết bị truy cập mạng xã hội, kể cả chỉ trong thời gian ngắn, mỗi người có thể loại bỏ được phần lớn nguồn năng lượng tiêu cực được tiếp nhận từ mạng xã hội và giảm bớt áp lực từ sự quá tải thông tin.
Thanh lọc mạng xã hội, tại sao lại khó?
Theo một bài đăng trên HelpGuide, một trong những nguyên nhân khiến mọi người không thể ngừng sử dụng mạng xã hội là bởi hội chứng FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ).
"Hội chứng này khiến bạn thèm sử dụng mạng xã hội nhiều hơn bình thường. Bạn sẽ lo lắng rằng mình không thể bắt chuyện với ai ở trường hoặc ở nơi làm việc nếu bỏ lỡ những tin tức hoặc những câu chuyện phiếm đang nổi trên mạng xã hội, hay là cảm thấy rằng các mối quan hệ của mình sẽ bị ảnh hưởng nếu bạn không tương tác các bài đăng của người khác. Bạn cũng có thể sẽ lo rằng mình đã bỏ lỡ những lời mời từ người khác hoặc lo rằng người khác đang vui vẻ hơn mình", bài đăng chia sẻ.
Ngoài ra, việc phải ở nhà quá lâu trong một thời gian dài dễ sinh ra cảm giác buồn chán cho các bạn trẻ, vì vậy, các bạn thường tìm đến mạng xã hội như một phương thức để giết thời gian.
Bạn Thanh Vân cho biết: "Đôi lúc mình cũng từng nghĩ tới chuyện xóa các nền tảng mạng xã hội, nhưng mình ở nhà cả ngày nên giờ không lên mạng thì cũng không biết làm gì khác".
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài, các bạn trẻ buộc phải học tập và làm việc chủ yếu dưới hình thức online. Điều này đồng nghĩa với việc mọi giao tiếp của các bạn đều diễn ra qua màn hình máy tính.
Các nền tảng mạng lần lượt update (cập nhật) các tính năng mới nhằm phục vụ cho nhu cầu làm việc trực tuyến của người sử dụng, điển hình là tính năng phòng họp mặt của Facebook. Như vậy, ngưng sử dụng mạng xã hội dường như là một điều bất khả thi đối với các bạn trẻ.
Các bạn trẻ đã thanh lọc mạng xã hội như thế nào?
Với Hương Trà, những điều tiêu cực mà mạng xã hội đem lại không bao giờ có thể giải quyết một cách triệt để. Từ khi lên đại học, Trà cũng không còn sử dụng Tik Tok, kể cả với vai trò người xem.
Trà cho rằng: "Mình cảm giác cuộc sống bên ngoài có quá nhiều thứ để hưởng thụ, quá nhiều thứ để trải nghiệm. Vì vậy, mình phải sống sao cho trọn vẹn nhất có thể, thay vì bận tâm về những lời nhận xét đánh giá không có thành ý từ những người lạ trên mạng. Điều này khiến mình cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều.
Mình xây dựng được những mối quan hệ với sự kết nối về mặt cảm xúc, mình xây dựng được một vòng tròn xã hội mà mình sẽ không bao giờ bị chỉ trích đánh giá, mình xây dựng được một cuộc sống mới ở xứ người mà mình biết chắc sẽ giúp mình thành công, trong đời sống thật".
Chu Đức An (18 tuổi, Hà Nội), chủ nhân của blog Reborn Glasses, lựa chọn chăm sóc cây cối, hay theo như bạn chia sẻ, là "bám lấy thiên nhiên làm điểm tựa", như một giải pháp để giảm thiểu thời gian sử dụng mạng xã hội, và bạn cho rằng khi kết nối với thiên nhiên thì tinh thần cũng sẽ tốt lên.
Đức An chia sẻ: "Mình mừng là mình có thể tái kích hoạt thói quen kết nối với thiên nhiên thu nhỏ tại nhà để không lãng phí thời gian lượn lờ trên mạng. Và hóa ra là cũng đã có nghiên cứu nói về tác dụng tích cực của việc ở gần cây cối tới sức khỏe tinh thần, thế nên mình càng cảm thấy hạnh phúc hơn về quyết định này".
Trong bài đăng "Mình đã thanh lọc mạng xã hội như thế nào" trên group GenZ Tích Cực, Thái Kim Ngân có gợi ý hai phương pháp để xây dựng một nền tảng mạng xã hội tích cực là "xuất" và "nhập".
"Xuất" là bỏ theo dõi và rời khỏi những nhóm không cần thiết, tức là cứ lướt các trang mạng xã hội như bình thường, và bỏ theo dõi bất kỳ nội dung nào lệch khỏi lượng kiến thức mà bạn muốn cập nhật. "Nhập" là tìm ra nơi uy tín cung cấp kiến thức chất lượng, phù hợp với bản thân và hòa mình vào đó, điều này đòi hỏi mỗi người phải bỏ công sức để tìm, xem và chọn lọc.
Kim Ngân cho biết: "Sau một thời gian ngắn (2-3 tuần), các trang mạng xã hội của mình đã thật sự được thanh lọc. Bất cứ khi nào mình "ngoi" lên mạng thì hiện ra trước mắt mình toàn là những điều hay ho.
Trên bảng tin của mình 90% bài viết hiện lên là các kiến thức về ngôn ngữ, trải nghiệm của các bậc tiền bối về sáng tạo nội dung, bài học về marketing, các kinh nghiệm sống…, 10% còn lại là các viết của bạn bè, giải trí... Mình đã thành công biến việc đọc, trau dồi kiến thức thành thói quen mỗi ngày và việc lướt mạng không còn là vô nghĩa nữa".
Thanh lọc mạng xã hội cũng là một hình thức thanh lọc tinh thần chính chúng ta. Không thể phủ nhận vai trò và tầm quan trọng của mạng xã hội tới đời sống con người, tuy nhiên, tác động đó trở nên tích cực hay tiêu cực là tùy thuộc vào người sử dụng.
Vì vậy, bản thân mỗi người phải chủ động thanh lọc những chất độc vô hình để giữ lại một môi trường mạng xã hội bình yên.