Người trẻ đang chịu áp lực "phải xinh đẹp" trên mạng xã hội

Mai Linh

(Dân trí) - "Đồng ý rằng, chỉnh sửa ảnh trước khi đăng tải lên mạng xã hội là thể hiện sự trau chuốt. Nhưng nếu lạm dụng, chỉnh sửa ảnh quá đà sẽ bị coi là làm lố, là ảo hóa vẻ đẹp cá nhân".

Áp lực "phải đẹp" mỗi khi xuất hiện trên mạng xã hội đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần của nhiều người trẻ hiện đại. Có thể nói, nguyên nhân dẫn đến áp lực này là do nỗi sợ không hoàn hảo, sợ mình "khác" so với những thứ được coi là "chuẩn mực" của cái đẹp - một "chuẩn mực" vô hình chẳng biết ai đã tạo ra. Vậy mà biết bao người trẻ đang phải chịu chung áp lực này.

Người trẻ đang chịu áp lực phải xinh đẹp trên mạng xã hội - 1
(Ảnh minh họa: boredpanda.com)

Không dám đăng ảnh "mộc" chưa chỉnh sửa lên mạng

Mặc định cứ mỗi lần đăng một tấm ảnh lên mạng xã hội là phải đẹp, phải xinh là suy nghĩ của rất nhiều người, đặc biệt là những cô gái trẻ - đối tượng được mệnh danh là phái đẹp. Chăm chút từ bối cảnh, trang phục, tạo dáng cho đến tốn nhiều thời gian để chỉnh sửa ảnh, khiến nhiều người trẻ đang dần quên đi những giá trị thực của vẻ đẹp cá nhân.

Nhiều bạn trẻ cho biết, họ tự ti với vẻ bề ngoài của bản thân, luôn "lo sợ" mình không đẹp giống các chị hot girl trên mạng. Nói cách khác, họ sợ rằng mình không giống như "người ta": làn da không trắng như "người ta", mũi không cao như "người ta", vóc dáng (body) không đẹp như "người ta"...

Minh Hạnh (19 tuổi, sinh viên năm hai trường Đại học Hà Nội) cho biết, cô là một tín đồ của mạng xã hội. Mỗi ngày, trung bình Hạnh thường dành khoảng 8 tiếng để lên mạng tìm kiếm thông tin, tán gẫu, giải trí cùng bạn bè. Hạnh không ngần ngại cho biết cô là người "nghiện sống ảo".

"Mình là người thường xuyên đăng tải những bức ảnh của mình trên trang cá nhân, cả Facebook lẫn Instagram. Mỗi lần đi đâu chơi, mình sẽ chụp vài trăm tấm, sau đó lọc lấy khoảng 10 tấm ảnh ưng ý nhất để chỉnh màu, tạo hiệu ứng, nghĩ dòng trạng thái để đăng bài và story. Mình ít khi đăng tất cả những bức ảnh đó một lần mà cứ vài ngày mới đăng một tấm.

Trang cá nhân là không gian riêng tư của mình nên mình nghĩ mình được quyền thể hiện bản thân, được quyền trau chuốt mỗi khi đăng tải ảnh. Tất nhiên mình luôn có giới hạn riêng. Ví dụ như chỉ chỉnh màu ảnh, một vài chi tiết lỗi, chỉnh bối cảnh cho hài hòa… Mình thấy đó cũng là một cách thể hiện sự trau chuốt mà", Minh Hạnh chia sẻ.

Lê Vy (19 tuổi, sinh viên năm nhất Đại học Kiến Trúc, Hà Nội) thẳng thắn: "Thú thật, nếu bảo mình đăng tải ảnh gốc chưa qua chỉnh sửa thì mình cũng chẳng dám đăng. Đơn giản là mình muốn hình ảnh bản thân lên mạng phải là hình ảnh đẹp nhất, chỉn chu nhất của mình. Mình cũng chỉ chỉnh sửa lại phần background, màu ảnh cho đẹp hơn thôi."

Trái ngược với Lê Vy, Trang Huyền (19 tuổi, sinh viên năm nhất trường Đại học Kiến trúc, Hà Nội) tự nhận, cô là người khá tự ti với vẻ ngoài của bản thân và dễ bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh xinh đẹp mà cô nhìn thấy của người khác. "Ngoài chỉnh sửa màu ảnh thì mình cũng có chỉnh sửa thêm vài chi tiết trên khuôn mặt của mình nữa. Từ mũi, mắt cho đến cả phần body, mình cũng đều có chỉnh sửa qua. Một phần là vì tự ti, một phần là vì mình muốn gây ấn tượng với các bạn follow (theo dõi) mình trên MXH."

"Lên mạng là phải đẹp" nhưng xin đừng làm lố!

Cũng theo Minh Hạnh, hai câu nói "Mạng là ảo, lên mạng là phải đẹp" hay "Ngoài đời có thể không xinh nhưng lên mạng chắc chắn là phải xinh" đã trở thành câu nói cửa miệng mà cô hay nói với bạn bè mỗi khi động viên họ đăng tải một tấm ảnh "đã qua chỉnh sửa". Cũng giống như Hạnh, suy nghĩ này giờ đây đã khá phổ biến trong các bạn trẻ thường xuyên tương tác hình ảnh trên mạng xã hội.

"Mình thấy câu nói đó cũng chỉ nên được coi là câu nói mang tính chất động viên thôi, không nên nghĩ thành cổ súy cho việc photoshop ảnh quá đà. Mình đồng ý với việc các bạn có quyền chỉnh sửa ảnh của bản thân trước khi đăng lên trang cá nhân. Nhưng nếu như việc chỉnh sửa ảnh bị lạm dụng, dẫn đến việc chỉnh sửa quá đà, làm cho bản thân trên ảnh khác xa so với ngoài đời thì mình nghĩ đó là việc không nên", Minh Hạnh bày tỏ.

Đồng quan điểm với Minh Hạnh, Kim Phúc (19 tuổi, du học sinh Việt tại Đức) cho hay: "Trau chuốt cho hình ảnh bản thân trên mạng là tốt nhưng nên biết tiết chế để không bị "ố-dề" (ngôn ngữ của Gen Z, mang nghĩa làm lố). Việc chỉnh sửa ảnh quá đà lâu dần sẽ khiến cho mọi người "quên mất" hình ảnh thật của bản thân, tin vào "cái ảo" nhiều hơn, từ đó dễ dẫn tới sự tự ti khi gặp mặt lần đầu với người lạ ngoài đời thực. Mình xinh đẹp trên mạng xã hội mà ngoài đời bình thường hoặc thậm chí là không đẹp thì nhiều người khi gặp bạn sẽ có cái nhìn khác về mình".

Tâm lý con người thường có xu hướng tìm đến sự hoàn hảo nhưng quên mất rằng mọi thứ đều không tuyệt đối. Chú ý hình tượng, hình ảnh của bản thân là tốt nhưng đừng quá áp lực với những bức hình sống ảo xinh đẹp và đừng mặc định nghĩ rằng lên mạng xã hội là phải chỉnh sửa theo kiểu mắt phải to, mũi phải cao, cằm phải nhọn… đó không còn là con người thực của mình nữa.