Phát ốm khi được hỏi: "Lễ Tết sao không đưa người yêu về ra mắt?"

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - "Tôi cảm thấy áp lực mỗi khi tới kỳ nghỉ lễ, gặp ông bà, họ hàng và thường xuyên được hỏi về việc bao giờ thì đưa bạn trai về ra mắt", cô gái chia sẻ.

Một cô gái tên là Lolly năm nay 27 tuổi đã chia sẻ rằng: "Mối quan hệ tình cảm nghiêm túc của tôi đã kết thúc cách đây ba năm và tôi không quan tâm đến việc bắt đầu một mối quan hệ khác.

Tôi thấy hạnh phúc về quyết định đó nhưng có vẻ như tôi là người duy nhất thoải mái với điều này, đặc biệt là trong kỳ nghỉ lễ. Tôi cảm thấy áp lực khi phải thanh minh với gia đình, đặc biệt là ông bà, những người luôn hỏi tôi khi nào sẽ đưa ai đó về chơi nhà.

Tệ hơn nữa, bạn bè của tôi, những người đã "có đôi, có cặp" và thậm chí đang tính chuyện con cái, cũng hỏi tôi câu đó. Tôi sẽ về quê nhà vào tháng 12 này và tôi rất sợ những cuộc trò chuyện kiểu đó. Hãy cho tôi một lời khuyên?".

Phát ốm khi được hỏi: Lễ Tết sao không đưa người yêu về ra mắt? - 1

Nhiều người trẻ độc thân sợ nhất về quê nhà được hỏi chuyện cưới xin, con cái (Ảnh minh họa: Flare).

Tiến sĩ Sheri Jacobson, một nhà trị liệu tâm lý với hơn 17 năm kinh nghiệm và là người sáng lập một phòng khám tâm lý nổi tiếng ở London, Anh, đã có câu trả lời cho vấn đề này.

Tiến sĩ Sheri Jacobson nói: "Bạn nói đúng, mọi người thường có thói quen phán xét, đánh giá người khác và dần dần, chúng ta đã quen với cuộc sống có hàng loạt sự đánh giá liên tục xảy ra xung quanh chúng ta.

Thông thường, khi mọi người đặt câu hỏi về chuyện hẹn hò, các mối quan hệ tình cảm hoặc con cái, đó là vì điều đó quan trọng với họ và họ đặt suy nghĩ đó lên bạn. Họ muốn bạn tìm thấy niềm vui và sự hài lòng trong những điều mà họ cho là quan trọng.

Thật ra tôi cho là hầu hết những câu hỏi thăm của mọi người đều không mang hàm ý xấu. Rất ít người cố tình đưa ra nhận xét gây tổn thương. Đôi khi điều đó xảy ra nhưng nói chung, họ làm điều đó bởi vì họ có cách nhìn về cuộc sống khác bạn.

Nếu bạn có thể nhìn mọi thứ cởi mở và đơn giản hơn, có thể những câu hỏi của người khác sẽ giảm tác động đối với bạn".

Tiến sĩ Sheri Jacobson cho rằng, nếu chúng ta đánh giá bản thân theo hướng tích cực, chúng ta sẽ hành động theo cách tích cực. Ngược lại, nếu chúng ta luôn phán xét và tự phê bình, chúng ta sẽ có những suy nghĩ và hành vi tiêu cực.

Nữ tiến sĩ chia sẻ, một trong những cách dễ dàng nhất để giải quyết vấn đề này là suy nghĩ tử tế với chính mình và khoan dung với người khác, bởi vì nhiều người đặt câu hỏi với người khác "cho vui" mà không suy nghĩ quá nhiều. 

"Bạn cũng có thể thiết lập ranh giới, mặc dù tôi thấy việc thiết lập ranh giới là rất khó. Đôi khi bạn có thể nói thẳng thắn và rõ ràng rằng: "Tôi cảm thấy không thoải mái khi nói về điều đó, hoặc tôi không muốn tiếp cận chủ đề đó. Điều này không phù hợp với tôi. Hy vọng bạn hiểu".

Ngắn gọn và rõ ràng thường là một trong những phương pháp thiết lập ranh giới hữu ích nhất", tiến sĩ Sheri Jacobson chia sẻ.

Tiến sĩ Sheri Jacobson cũng bày tỏ rằng: "Tôi cũng khuyên bạn xem xét kỹ lưỡng xem bạn có "nghiêm trọng hóa" vấn đề hay không.

Tất cả chúng ta đều có cái mà chúng ta gọi là khuynh hướng tiêu cực. Chúng ta phóng to những điều gây phiền hà cho chúng ta. Nhiều trường hợp, khi mọi người đặt câu hỏi, họ không có ý chỉ trích như chúng ta vẫn tưởng.

Trong những ngày lễ, mọi người gặp gỡ rất nhiều, vì thế xung đột có thể xảy ra. Thường thì một số sự chuẩn bị có thể hữu ích. Nếu chúng ta có thể đoán trước được là sẽ gặp ai thì sẽ đoán trước được những câu hỏi chúng ta có thể nhận và chuẩn bị câu trả lời.

Bạn có thể lảng tránh chủ đề một cách hài hước để thoát khỏi những câu hỏi khó và xoa dịu các tình huống "mắc kẹt". Tất nhiên, từ chối trả lời một cách trực tiếp, thẳng thắn, là hơi khó thực hiện nhưng chúng thường hiệu quả nhất".