Nụ hôn và cái búng

1/ Mùa ra trường năm nay, trên mạng lại tràn ngập hình ảnh chia tay lưu luyến tuổi học trò. Được chú ý là những hình ảnh như: Cả toán nam nữ sinh THPT Hoàng Diệu chụp ảnh lưu niệm trong bối cảnh bì bõm bể bơi, các nữ sinh mặc bikini trèo lên đầu lên cổ các bạn trai ngồi chồm hỗm hết sức gợi tình; Các cặp nam thanh nữ tú THPT Trần Phú thì “cắn chung hạt đỗ” hoặc cõng nhau đi nhong nhong giữa sân trường trước mắt bao người.

Rồi ghi lưu bút lên địa chỉ độc đáo là vùng ngực - bút nghiên trong tay hì hụi viết lên ngực áo dài trắng toát! Nằm ngồi ngả ngớn khắp nơi. Có bức ảnh còn ghi lại nụ hôn đầy son của các cô gái với nhau!

Nhìn những hình ảnh này, có người kêu buốt mắt, choáng. Nhiều thầy cô kể họ phải bỏ mắt nơi khác, ngượng phải chứng kiến tình cảm học trò bộc lộ quá tự nhiên chốn trường ốc. Không ít người, trái lại, cho rằng có gì đâu mà rộn. Đằng nào cũng “không cấm được chúng nó yêu nhau” thì cứ kệ, miễn có căn dặn tìm hiểu giáo dục giới tính. Sau nhiều chục năm quan niệm khá khắc kỷ với bản thân và người khác, nay khuynh hướng tân tiến hoặc tỏ ra tân tiến dường như chiếm ưu thế. Động vào lớp trẻ, vào bản năng sống bản năng yêu của chúng nó, khác nào đụng vào cây mùa lá rụng. Bố mẹ nghiêm khắc lơ mơ mất con như chơi!

Hình ảnh được cho là của nam nữ sinh một trường THPT ở Hà Nội chụp lưu niệm mùa ra trường 2015.
Hình ảnh được cho là của nam nữ sinh một trường THPT ở Hà Nội chụp lưu niệm mùa ra trường 2015.

Giáo dục giới tính tuổi học trò, và bây giờ 17,18 tuổi - thanh niên rồi, đó không chỉ là câu chuyện chiếc bao cao su. Một chị kể: Con trai được 12, 13 tuổi là chị đã nhét bao cao su vào cặp, bảo làm gì thì làm cấm để lại hậu quả, đèo bòng khi chưa đủ sức gánh vác. Chị thở nhẹ nhõm vì con mình không phải là gái, bởi lỡ có bề gì kẻ thua thiệt nhất bao giờ chả là con gái, con trai trách nhiệm đến đâu thì trách nhiệm!

Nhìn những thanh niên nam nữ hồn nhiên như cô tiên này, tôi không thấy dị ứng gì cả, không buốt mắt, choáng sốc. Tôi chỉ băn khoăn không hiểu họ có biết tình cảm của con người, nhu cầu thể hiện của tuổi trẻ là điều không ai bắt phải chống đỡ, không ai cấm bởi giờ “hiện đại” lắm rồi nhưng tế nhị, kín đáo có bao giờ thừa? Rằng sự kiềm chế, lắng dịu trong tình cảm cũng đẹp không kém những bản năng mạnh mẽ nhất của con người, nhất là người Á Đông?

Trong Cái búng - một truyện rất ngắn, Bảo Ninh kể câu chuyện nhỏ sau:

Hai nhân vật chính năm đó vừa qua tuổi 16, lần đầu tiên biết đến cảm giác yêu nhưng không dám nói ra. Những tháng cuối đời học trò, cả một trời hứa hẹn tốt lành mở trước mắt. Thế rồi một sự cố xảy đến.

Tối đó, lần đầu tiên họ hẹn nhau đi chơi. Hai đứa đạp chung xe thong dong trên những con đường đẹp. “Tuổi 17 của chúng tôi hồi ấy yêu nhau không hề gợn dục. Càng yêu nhau người ta càng trở nên không còn là những thân thể cụ thể đối với nhau. Tuy nhiên chính sự thuần khiết ấy đã biến tình yêu tuổi đó thành mộng ảo, mong manh đến nỗi thường là không chịu đựng nổi dẫu chỉ là một cái búng thôi của sự đời”.

Cái búng xảy ra. Hai người đang trong khung cảnh nên thơ thì một toán thanh niên tóm được họ và bắt đầu cà khịa. Bọn họ không làm gì ghê gớm, không giở thói côn đồ, chỉ nhũng nhẵng bám theo, cợt nhả và cuối cùng tung chưởng: “Ê! Con bé của mày ngon nhỉ, thịt thơm phải biết! Thế hai đứa chúng mày đã... nhau chưa?”. Chỉ có thế thôi mà cả hai xây xẩm, không nhúc nhích, không nói với nhau nửa lời, không nhìn nhau, mối tình từ đó rơi hẫng.

Tác giả rào đón, và chắc độc giả nhiều người thấy khó tin, rằng một “cái búng” lại có sức tàn phá như vậy. Gây nên “những nỗi đau vô cớ, bất hạnh mơ hồ, nỗi nhục và mặc cảm không duyên do, vết tự thương khó bề chữa khỏi...”. Còn tôi khi kể chuyện này trong bối cảnh này, không bi quan đến nỗi không tin rằng học trò cấp 3 ngày nay, nói chuyện sex rau ráu chốn đông người và còn thực hành nó, lại có thể đồng cảm những câu chuyện “phi lý” như vậy.

2/ Giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước, tôi vào khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp, chứng kiến thế hệ sinh viên trên mình và trước đó nhiều năm, cực kỳ thần tượng cựu sinh viên Hoàng Nhuận Cầm! Với họ, thơ anh và thế hệ anh quá đẹp, lãng mạn, nhất là viết về tuổi trẻ, học trò. Muốn nói bao nhiêu muốn khóc bao nhiêu/Bài hát đầu xin hát về trường cũ/ Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ/Sân trường đêm rụng xuống trái bàng đêm. Những câu Thôi hết thời bím tóc trắng ngủ quên/Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ lại tiếp tục được “khắc lăng nhăng” trên bàn viết ở giảng đường. Rồi Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi...

Từng có người đề nghị đưa bài Chiếc lá đầu tiên vừa trích vài câu trên vào chương trình giáo khoa THPT, bởi giá trị văn chương, giá trị ngôn ngữ, bởi nó là một trong những bài thơ hay nhất về tuổi học trò. Lúc này liên tưởng, thấy có lý. “Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao”. “Em đã yêu anh, anh đã xa vời/Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi/ Anh nhớ quá!Mà chỉ lo ngoảnh lại/Không thấy trên sân trường - chiếc lá buổi đầu tiên”.

Tôi cũng không bi quan đến nỗi nghĩ rằng đa phần bạn trẻ bây giờ cho những câu thơ của Hoàng Nhuận Cầm trên kia, hoặc những câu như Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/Em chở mùa hè của tôi đi đâu (Đỗ Trung Quân) là “sến vãi”. Tuy nhiên, sự trong sáng, lãng mạn không phải cứ ít tuổi, trẻ trung là tự nhiên có. Có người bẩm sinh đã có, nhưng nói chung trong sáng lãng mạn thanh cao phải được dậy dỗ, ươm tưới bởi nhà trường, gia đình, bởi văn học nghệ thuật. Sự trong sáng lãng mạn thuần khiết đó, rồi ra sau này trưởng thành bạn sẽ thấy, cần thiết kém gì những hành trang khác để vào đời.

Theo Dương Phương Vinh
Tiền Phong