Nỗ lực phi thường và chuyện tình cổ tích của chàng trai khuyết tật

(Dân trí) - Vượt lên những mặc cảm, tự ti của một người khuyết tật, Võ Văn Sơn đã nỗ lực không ngừng nghỉ để tự lập cho mình một cuộc sống ổn định, trở thành người có ích cho xã hội. Giờ đây, Sơn còn hạnh phúc hơn khi có một mối tình đẹp sắp đơm hoa, kết trái.

Từ cậu bé khuyết tật đến ông chủ doanh nghiệp

Võ Văn Sơn (SN 1984), là con thứ 9 trong một gia đình nghèo có 10 anh em ở thôn Đức Trung, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Lúc ra đời, Sơn cũng như bao đứa trẻ bình thường khác, thế nhưng khi gần lên 1 tuổi, anh phải nhập viện vì lên cơn sốt do tai biến sau tiêm phòng.

Kể từ đó, cơ thể Sơn cứ thế phát triển một cách khác thường và dần trở thành một người khuyết tật vận động mức độ nặng với tình trạng gù lưng, vẹo cột sống, teo tay, chân.

“Đến tuổi đi học, mình bắt đầu nhận ra mình khác với bạn bè, mình thường bị chọc ghẹo bởi chính những khuyết tật trên cơ thể nên rất bi quan, nhiều lần còn bỏ học về và chẳng đến lớp nữa.

Nhờ sự động viên từ gia đình, thầy cô, suy nghĩ của mình dần thay đổi. Mình nhận ra rằng, cuộc đời này còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhiều số phận nghiệt ngã. Chính vì vậy mình càng quyết tâm hơn để “tàn nhưng không phế”, quyết vươn lên trong cuộc sống”, anh Sơn bộc bạch.

Nỗ lực phi thường và chuyện tình cổ tích của chàng trai khuyết tật - 1
Từ một cậu bé khuyết tật, Võ Văn Sơn đã nỗ lực, phấn đấu không biết mệt mỏi để trở thành ông chủ của doanh nghiệp hậu cần nghề cá
Từ một cậu bé khuyết tật, Võ Văn Sơn đã nỗ lực, phấn đấu không biết mệt mỏi để trở thành ông chủ của doanh nghiệp hậu cần nghề cá

Với những suy nghĩ đầy tích cực, xóa bỏ mọi tự ti về bản thân, chàng trai trẻ khuyết tật Võ Văn Sơn đã nỗ lực không ngừng nghỉ để tạo dựng cơ nghiệp, tự lo cho cuộc sống của bản thân mà không cần phụ thuộc vào gia đình. Sơn đã tự hoạch định cho mình một hướng đi, một công việc phù hợp với bản thân.

Vào năm 2004, nhờ sự giúp đỡ của gia đình, anh Sơn đã vay mượn tiền mở một cơ sở phục vụ các dịch vụ hậu cần nghề cá, hướng dẫn thủ tục bảo hiểm tàu cá, cung cấp nhiên liệu, đá lạnh cho chính các ngư dân tại quê hương mình.

Sau nhiều năm phấn đấu, nỗ lực, không ngừng học hỏi kinh nghiệm, ông chủ khuyết tật đã tự mình vượt qua những khó khăn, trở ngại ban đầu, tạo lập niềm tin từ các đối tác và sự ủng hộ của bà con ngư dân. Để từ đó, cơ sở của người đàn ông khuyết tật ngày càng lớn mạnh và trở thành công ty mang tên Đức Sơn.

Với công ty dịch vụ hậu cần nghề cá của mình, chàng trai lưng gù Võ Văn Sơn còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 10 lao động tại địa phương với thu nhập mỗi tháng hơn 7 triệu đồng.

Sau những thành công, Sơn bắt đầu tham gia vào các hoạt động từ thiện. Người khuyết tật chính là đối tượng mà anh luôn hướng đến. Sơn muốn giúp đỡ, tạo động lực để những người khuyết tật như anh cố gắng, nỗ lực vượt qua số phận để vươn lên trong cuộc sống.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, chàng trai Võ Văn Sơn đã được nhiều tổ chức vinh danh. Trong đó được Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tặng bằng khen, là thanh niên khuyết tật tiêu biểu năm 2016. Trung ương Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tặng Bằng khen năm 2018 vì có thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên làm chủ doanh nghiệp và có nhiều đóng góp cho cộng đồng.

Mới đây nhất, Võ Văn Sơn là điển hình người khuyết tật duy nhất tại Quảng Bình tham gia chương trình hội ngộ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất là người khuyết tật do Trung ương Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Tình yêu đẹp sắp đơm hoa, kết trái

Xuyên suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi về cuộc sống cũng như công việc, ông chủ khuyết tật Võ Văn Sơn còn bật mí về niềm vui lớn nhất của cuộc đời. Sơn cho biết anh đã tìm được một nửa của đời mình, và sẽ kết hôn vào tháng 8 tới.

Người vợ sắp cưới của Sơn là Nguyễn Thị Anh (SN 1996), một người phụ nữ vừa đẹp người, đẹp nết ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch. Sơn cho biết anh và người vợ sắp cưới kém mình tận 12 tuổi yêu nhau đến nay được hơn 1 năm.

Cũng vì tình cảm dành cho chàng trai khuyết tật, cô gái 22 tuổi Nguyễn Thị Anh đã quyết định bỏ ngang chuyến xuất khẩu lao động dù đã đóng mọi chi phí.

“Bản thân mình là người khuyết tật nên trước giờ đâu giám nghĩ tới chuyện yêu ai, hay lấy ai đâu. Cách đây hơn 1 năm, trong một cuộc đi chơi với bạn bè thì mình gặp Anh.

Như là duyên số mình cũng bắt chuyện, từ đó bọn mình hay nói chuyện với nhau rồi yêu nhau lúc nào không hay. Khi quen nhau được khoảng 5 tháng thì cũng liều mình ngỏ lời yêu, thế mà được chấp nhận”, anh Sơn tươi cười kể.

Võ Văn Sơn và người vợ sắp cưới tại chương trình Hội ngộ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất là người khuyết tật được tổ chức tại Hà Nội
Võ Văn Sơn và người vợ sắp cưới tại chương trình Hội ngộ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất là người khuyết tật được tổ chức tại Hà Nội

Nói về tình yêu của mình, cô gái trẻ Nguyễn Thị Anh cho biết tình cảm mà cô giành cho Sơn xuất phát từ nghị lực, sự chân thành của chàng trai khuyết tật.

“Ban đầu gặp nhau thì em cũng không có cảm tình gì với anh, cũng chỉ nghĩ là trò chuyện cho vui bởi em đã lên kế hoạch đi lao động tại nước ngoài.

Thế nhưng sự chân thành của anh, những nỗ lực phi thường trong cuộc sống của anh khiến em rung động. Anh hài hước, ân cần và luôn tạo cho em một cảm giác ấm áp, an toàn. Và em biết đây là một nửa hạnh phúc của mình”, Anh tâm sự.


Mối tình cổ tích của người đang ông khuyết tật và cô vợ kém 12 tuổi đang dần đơm hoa, kết trái

Mối tình cổ tích của người đang ông khuyết tật và cô vợ kém 12 tuổi đang dần đơm hoa, kết trái

Câu chuyện tình đầy xúc động của chàng trai khuyết tật với cô gái xinh đẹp dần đơm hoa, kết trái, chờ ngày nhận quả ngọt.

Nói về chặng đường dài phía trước, Sơn cũng cho biết anh đang ấp ủ mở rộng công ty để điều kiện giúp nhiều hơn cho các hoàn cảnh khuyết tật, tạo công ăn, việc làm để những người kém may mắn tự nuôi sống bản thân bằng chính năng lực của họ. Cùng với đó, anh sẽ hỗ trợ nhiều hơn trong công tác xã hội, thiện nguyện.

Tiến Thành