Những người trẻ đón Tết theo lối sống "xanh"

Cộng đồng sống xanh đang đông dần lên và trẻ hóa ở các đô thị. Họ theo đuổi những thói quen tiêu dùng đôi khi bị coi là khắc kỷ. Cách đón Tết của họ cũng không giống với người thường.


Đội sống xanh trồng cây xanh từ đồ tái chế.

Đội sống xanh trồng cây xanh từ đồ tái chế.

Sống xanh đơn giản là lối sống bền vững và thân thiện với môi trường, một thuật ngữ khác gọi đây là lối sống sinh thái. Những người cổ vũ lối sống xanh đều cố gắng giảm thiểu tối đa việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu rác thải ra môi trường, quay lưng với các trào lưu tiêu thụ và chú trọng đến cảm xúc cũng như đời sống tinh thần của mình và cộng đồng.

Tái chế mọi thứ

Phùng Chí Kiên (32 tuổi, lập trình viên, cựu du học sinh tại Đức) theo đuổi lối sống xanh đã mười năm. Lương tháng của Kiên là 3.000 USD nhưng năm năm nay mỗi năm anh chỉ mua một bộ quần áo, ba đôi tất và hai bộ đồ lót mới. Kiên đi về giữa Paris và Hà Nội. Có những chuyến đi ba tháng, hành lý của anh cũng chỉ có một cái vali nhỏ bằng với vali của người đi du lịch ba ngày.

Kiên kể, mỗi ngày nhà anh chỉ vứt đi một gói rác nhỏ khoảng 200gr chủ yếu là rác hữu cơ. Người thu tiền vệ sinh tháng không tin trong nhà Kiên có trẻ con và còn tỏ ra ngại ngùng khi vợ anh đóng tiền vệ sinh cho ba người.

Cửa sổ, balcon và bệ bếp nhà Kiên trồng rất nhiều rau gia vị và hoa. Cánh cửa cũ được Kiên tận dụng đóng lại thành kệ treo đồ làm vườn. Sắp Tết, anh đem cánh cửa sơn lại thành màu đỏ và ngồi cùng con gái làm đèn treo bằng thìa sữa chua. Vợ Kiên lôi quần áo cũ ra cắt may làm vỏ gối, ví cầm tay và đệm ngồi, vừa để nhà dùng, vừa để tặng hàng xóm.

Lại Ngọc Trâm (25 tuổi, họa sĩ) khiến cả cộng đồng sống xanh chú ý vì đăng cả một topic xin bao bì, banner cũ để may túi. Túi của Trâm được dùng để phát không cho những bà nội trợ trong những chương trình vận động cộng đồng nói không với túi nilon. Một trong những mẫu túi này của đội Trâm từng được xuất sang thị trường Nhật Bản. Nhiều người Việt đã nhìn thấy những túi đeo tái chế từ vỏ bao cám Con Cò trên vai thanh niên Nhật.


Lọ hoa nhặt về từ bãi rác.

Lọ hoa nhặt về từ bãi rác.

Nguyễn Trà My (27 tuổi, giáo viên tiếng Nhật) đi đâu cũng vận động mọi người đừng vứt vỏ trứng. My dạy họ cách đập trứng ở phần đầu và giữ lại hai phần ba vỏ cùng một chút lòng trắng. Vỏ trứng ấy cho thêm ít đất sẽ trở thành giá thể ươm mầm, trồng cây cực tốt. Khi cây hơi lớn, đem vùi cả vỏ trứng xuống đất, cây sẽ xanh tốt mà không cần thêm phân bón. Bằng cách trồng đặc biệt này, hoa chơi Tết của nhà My luôn bền hơn hoa mua ở chợ từ hai đến ba tuần.

Những món quà 102

Anh Nguyễn Quang Huy, chủ một công ty nội thất gỗ ở Hà Nội kể: Anh có đứa em theo trào lưu sống xanh, Tết nào cũng gửi cho một cái thiệp cực kỳ… khủng bố. Ví dụ, năm ngoái, nó tự vẽ một đống rác đang ăn mòn trái đất với cái slogan dài dằng dặc: Mỗi ngày, Hà Nội thải ra khoảng 2.500 tấn rác thải rắn. Việt Nam là 1 trong 5 nước xả nhiều rác thải nhựa ra biển nhất, trong tổng số 8 đến 9 triệu tấn thải ra biển mỗi năm. Năm nay, nó chế hình của chính anh đang trệu trạo nhai tiền kèm chú thích: Cho đến khi cái cây cuối cùng bị đốn, con thú cuối cùng bị săn và dòng sông cuối cùng bị ô nhiễm, chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta không thể ăn được tiền!

Anh Huy bảo nhờ những… bom thiệp như thế, anh bắt đầu học thói quen thuyết phục khách hàng dùng gỗ công nghiệp thay vì gỗ tự nhiên để làm nội thất. Để tăng độ thuyết phục, anh đổi toàn bộ nội thất trong nhà sang gỗ công nghiệp và giảm giá thêm 5% nếu khách đồng ý dùng gỗ công nghiệp thay vì gỗ tự nhiên.

Trần Thu Hương (33 tuổi, phiên dịch viên) khoe không bao giờ phải đau đầu vì quà Tết bởi đã có sẵn công thức. Đối với phụ nữ, Hương tặng: bột đậu xanh và mật ong để rửa mặt; gói bồ kết, sả chanh khô để gội đầu và một túi quả bồ hòn để làm dung dịch lau sàn, nước rửa bát, rửa tay, nước giặt quần áo. Đối với nam giới, Hương tặng rượu mơ ủ thủ công do hội organic sản xuất. Bốn năm liền kiên trì với gói quà tặng này Hương đã vận động được không ít người thân, bạn bè chuyển qua dùng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ thiên nhiên và nói không với hóa chất.


Các sản phẩm tái chế của đội sống xanh bán để gây quỹ bảo vệ môi trường.

Các sản phẩm tái chế của đội sống xanh bán để gây quỹ bảo vệ môi trường.

Tết năm trước, tôi cũng được một hội DIY tặng hai bức tranh treo tường vô cùng đặc biệt. Dưới bức tranh đỏ chót treo trong bếp có chú thích: đừng đổ nước rửa rau, hãy dùng để tưới cây! Dưới bức tranh màu xanh treo phòng tắm họ nhắc: nước tắm bồn của con có thể dùng để cọ toilet!

Đặng Thanh Hà (20 tuổi, sinh viên ĐH Ngân hàng) được anh trai họa sĩ theo trường phái sống xanh vẽ tặng một decal rất đáng yêu trên đầu xe máy kèm dòng chữ: dừng xe tắt máy! Theo thông tin của anh Hà thì khi xe máy đứng yên và động cơ chưa tắt, xe vẫn thải ra các loại khí độc hại và tiêu tốn năng lượng. Lượng nhiên liệu tiêu hao khi ngừng trong vòng một phút mà không tắt máy xe tương đương đi được quãng đường 0,5km. Việc khởi động lại động cơ có phần ảnh hưởng đến máy móc, nhưng không đáng lo ngại bằng khí thải ra môi trường trong ngần ấy thời gian!

Người sống xanh ăn Tết

Nguyên tắc sắm Tết chung của đội sống xanh là trữ trong nhà nhiều hoa quả, rau tươi, trong khi lượng thịt cá chỉ nhỉnh hơn ngày thường chút xíu. Họ hoàn toàn không có khái niệm “quá tải tủ lạnh” dù là vào bất cứ ngày nào trong năm.

Những người này cũng tiên phong trong việc ưu tiên đồ ăn địa phương, tươi ngon theo mùa vụ và nói không với của ngon vật lạ trái mùa hoặc đồ nhập khẩu. Không ai sống xanh mà không biết câu nói: không đòi hỏi những gì quá khả năng đáp ứng của thiên nhiên!

Đội sống xanh cũng là những đầu bếp có khả năng ứng biến và thích nghi rất cao. Tôi từng làm khách một gia đình sống xanh vào dịp Tết. Chỉ bằng một quả dưa hấu, anh chế biến thành ba món vừa nhanh vừa lành: nước ép, xắt miếng dessert và nộm làm từ cùi dưa. Vỏ dưa thì được chị chủ nhà dùng để cắm hoa tôi tặng.


Đèn từ thìa sữa chua của bố con anh Kiên.

Đèn từ thìa sữa chua của bố con anh Kiên.

Rất nhiều bài học “tái chế thức ăn thừa” tôi học từ đội sống xanh vẫn được áp dụng đến tận giờ. Ví dụ, cơm nguội, thêm ít ngô hạt và quả trứng sẽ thành cơm rang. Thịt luộc còn thừa thêm một ít thịt chân giò, bì, nấm hương, mộc nhĩ hầm thành món nấu đông. Thịt gà, vịt luộc còn thừa ướp với mắm gừng, hầm cùng với xương thêm một nắm gạo nấu thành cháo v.v...

Người sống xanh cho rằng: thực tế lượng thức ăn thừa chúng ta bỏ đi sau mỗi bữa ăn chiếm 30% tổng lượng thức ăn mà chúng ta bỏ tiền ra mua và bỏ công sức để chế biến, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng nguồn thức ăn này. Cho nên, nấu đủ và ăn hết gần như trở thành một đặc điểm nhận biết của người sống xanh. Vậy mới có chuyện gia đình anh Kiên mỗi ngày chỉ đổ khoảng 200gr rác thải mà không ai thèm ngạc nhiên.

Đội sống xanh còn một thói quen khác: không bao giờ mang theo mì tôm và thức ăn vặt trong mọi chuyến công tác và du lịch. Họ coi trọng việc trải nghiệm đồ ăn ở nơi đến và bài xích tất cả các loại đồ ăn công nghiệp.

Tết đến nhà người sống xanh, bạn có thể được uống bia với lạc rang và nhấm nháp mứt gừng tự làm chứ nhất định không có mâm cao cỗ đầy bảy bát tám đĩa bởi đội bạn của tự nhiên này cho rằng: lãng phí thức ăn là có tội!

Đi chơi không đi nhậu

Homestay (dịch vụ lưu trú tại nhà dân) là kiểu du lịch dân sống xanh thích nhất. Tham gia những chuyến đi như thế này, họ được hòa mình vào không gian sinh hoạt hằng ngày của người dân, trực tiếp trải nghiệm cuộc sống và khám phá văn hóa địa phương.

Nguyễn Tuấn Anh (27 tuổi, kiến trúc sư) đã từng du lịch theo kiểu homestay ở Kenya. Trốn Tết ở nhà, anh được tham gia lễ hội mũ thường niên tại quốc gia miền đông châu Phi này. Ngoài phố, người ta dùng tất cả mọi chất liệu để tạo ra mũ từ kim cương đá quý đắt tiền đến những đồ rác thải. Chủ nhà trọ của Tuấn Anh được anh hướng dẫn làm mũ từ bìa carton và vỏ lon nước ngọt có thể tạo ra âm thanh đã được rất nhiều du khách chụp ảnh và vỗ tay.

Võ Hải Yến (27 tuổi, nghệ sĩ tự do) lại có mối bận tâm khác. Mấy năm trước cô đi du lịch homestay ở một bản người Mông trên Lào Cai. Khi về, Yến được chủ nhà cho trồng một cây mận nhỏ trong vườn làm kỷ niệm.

Từ đó, Tết năm nào Yến cũng trở lại gia đình này để xem cây mận nở hoa. Câu chuyện cây mận của Yến đã thu hút không ít bạn bè. Gia đình Mông ấy nhờ làm dịch vụ du lịch – trồng cây mà đã mở rộng thêm cả một sườn núi để thu hút du khách. Sau khi trồng cây, mỗi năm những khách hàng như Yến sẽ trả chủ nhà một số tiền nhất định để nhờ họ chăm cây.

Yến bảo đang cố gắng khuếch trương kiểu du lịch này vì người du lịch thì vui, người địa phương có thêm thu nhập mà môi trường không bị tàn phá. Du lịch trồng cây đã phát triển ở Campuchia, Nhật Bản và Hàn Quốc, được kiểm chứng là một sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo ra những ấn tượng đặc biệt đối với du khách.

Theo Nam Bằng

Tiền phong