Những điều Gen Z cần chuẩn bị trước khi dọn ra ở riêng

Minh Hiếu

(Dân trí) - Dù bạn sắp tốt nghiệp ra trường hay mới bắt đầu sự nghiệp, việc dọn ra ở riêng là một cột mốc quan trọng.

Dưới đây là các bước giúp bạn tự đánh giá xem liệu hiện tại có phải là thời điểm thích hợp để bạn dọn ra ở riêng hay chưa.

Xác định lý do bạn muốn ra ở riêng luôn

Trước khi bắt đầu dọn đồ, hãy tự hỏi bản thân tại sao bạn lại muốn ở riêng. Có thể bạn cảm thấy mệt mỏi vì bị cha mẹ làm phiền khi có bạn bè tới chơi và muốn có nhiều sự riêng tư hơn. Hay bạn đang muốn chuyển đến một vùng đất hay một thành phố mới?

Tùy thuộc vào lý do muốn chuyển ra ngoài sống, bạn có thể phải dành dụm nhiều hơn để có thể thực hiện kế hoạch.

Nếu bạn vừa cãi nhau với cha mẹ và cảm xúc đang lấn át lý trí thì có lẽ đây chưa phải là thời điểm tốt nhất để đưa ra bất kỳ quyết định nào về việc ra ở riêng. Hãy dành cho bản thân một vài ngày để xem xét toàn bộ tình hình, cân bằng lại cảm xúc và mối quan hệ với gia đình để đưa ra quyết định sáng suốt nhất.

Nói với cha mẹ như thế nào về quyết định ra ở riêng?

Sau khi bạn hoàn toàn chắc chắn rằng mình muốn chuyển ra ngoài sống tự lập, hãy thông báo cho cha mẹ về kế hoạch đó. Hãy cho họ thấy bạn có một kế hoạch kỹ lưỡng, bao gồm các dự định của bạn, như chi phí sẽ là bao nhiêu và bạn sẽ có thể tự trang trải cuộc sống như thế nào.

Đồng thời, hãy xin ý kiến đóng góp và lời khuyên của họ. Nếu bạn đang sống trong ký túc xá và muốn chuyển ra khỏi trường thì cha mẹ có thể giúp bạn tìm kiếm một địa điểm mới.

Sau tất cả, đây có thể là một trải nghiệm đầy cảm xúc không chỉ cho bạn mà cho cả gia đình bạn. Vì vậy, họ cần có thời gian để tiếp nhận việc bạn đã thật sự trưởng thành.

Cần tiết kiệm bao nhiêu để có thể ra ở riêng?

Nếu không còn sự hỗ trợ tài chính từ gia đình thì bạn phải có thu nhập ổn định để tự trang trải cuộc sống. Không có gì tệ hơn việc bị chậm lương và luôn ngồi trên đống lửa với mối lo đóng tiền nhà đúng hạn. Sau đây là các chi phí cơ bản mà bạn sẽ phải tính toán cân đo đong đếm để chi trả hàng tháng: tiện ích, internet, thực phẩm, phương tiện đi lại, bảo hiểm sức khỏe, trang bị nội thất, giải trí, quần áo, và các chi phí khác.

Đừng quên chi phí dịch vụ chuyển nhà, có thể bao gồm việc thuê công ty chuyển nhà, thuê xe tải hoặc trả tiền cho đơn vị lưu kho. Ngoài ra, bạn nên lập một quỹ khẩn cấp. Các khoản chi phí không mong muốn có thể phát sinh trong khi bạn đang định cư tại nơi ở mới.

Lịch sử tín dụng "sạch"

Điểm tín dụng tốt sẽ chứng minh rằng bạn có một thói quen chi tiêu lành mạnh. Ngoài ra, lịch sử tín dụng tốt cũng sẽ giúp bạn chứng minh được tài chính dễ dàng và tăng mức độ uy tín tài chính cá nhân với chủ nhà nếu bạn có kế hoạch định cư hay di chuyển sang nước ngoài sinh sống. Nên hãy bắt đầu thói quen chi tiêu lành mạnh bằng cách dùng thẻ tín dụng để thanh toán các hóa đơn đúng hạn.

Hãy quyết định hoàn cảnh sống của bạn

Nếu bạn thấy mình chưa đủ khả năng tài chính sau khi làm các phép tính thì có thể bạn cần một người bạn để chia sẻ chi phí. Mặc dù việc ở ghép có thể không phải là cuộc sống tự lập lý tưởng mà bạn mong muốn, vì sự riêng tư giảm bớt, nhưng ít nhất bạn sẽ có người cùng trả hóa đơn. Hãy suy nghĩ về kiểu bạn cùng phòng mà bạn có thể kết thân và liệu lối sống của họ có phù hợp với bạn hay không. 

Tìm nhà

Hãy bắt đầu bằng việc chọn một vị trí. Bạn muốn ở gần gia đình hay nơi làm việc? Bạn thích một vùng ngoại ô hay ở gần trung tâm? Bạn cũng có thể muốn ở gần các tiện nghi và dịch vụ gần đó như ngân hàng, bệnh viện hay phòng gym. Bất động sản ở trung tâm đô thị có xu hướng đắt đỏ hơn so với ở ngoại ô.

Đọc kỹ hợp đồng

Trước khi ký vào hợp đồng thuê nhà, bạn cần đọc kỹ để hiểu những gì bạn có thể và không thể làm khi là người thuê nhà. Bạn có được phép cho thuê lại không? Bạn có được trang trí lại ngôi nhà không? Có quy tắc nào về việc nuôi thú cưng không? Đây là những điều bạn cần biết trước để đảm bảo nó phù hợp với bạn (và những người bạn ở ghép với bạn).

Bảo vệ tài sản

Khu vực bạn định sinh sống cần đảm bảo an ninh. Nếu căn nhà/căn hộ có sẵn nội thất và tiện nghi thì bạn cũng cần xem xét chất lượng đồ cũ hay mới. Đồng thời, nếu xảy ra hỏng hóc thì liệu người cho thuê liệu có hỗ trợ thay mới hoặc bảo dưỡng không?

Bên cạnh đó, trong quá trình thuê nhà, nếu xảy ra các trường hợp bất khả kháng như bão, mưa lũ, dịch bệnh,… thì chủ nhà có thể hỗ trợ giảm bớt gánh nặng chi phí cho bạn hay không?

Biến căn nhà trở thành nơi thân thuộc

Hãy trang trí không gian sống theo gu thẩm mỹ của bạn. Cây xanh không chỉ làm sạch không khí mà còn mang đến cảm giác tự nhiên hơn. Thêm tác phẩm nghệ thuật và khung ảnh có thể tạo ra sự thú vị về thị giác, trong khi một tấm thảm đẹp hoặc thậm chí những chiếc gối đơn giản có thể tạo cảm giác thoải mái và ấm cúng cho căn phòng.

Khi bạn đã ổn định chỗ ở mới, hãy dành thời gian khám phá khu vực sống của bạn và gặp gỡ những người hàng xóm mới. Sau tất cả những nỗ lực mà bạn đã bỏ ra, giờ đây bạn có thể tạo ra những kỷ niệm mới ở tuổi trưởng thành.