Nhớ hương Tết xưa
(Dân trí) - Giữa phố xá ồn ào, tôi bỗng nhiên nhớ về ngày tết của tuổi ấu thơ. Trên con đường đất đỏ có chú đưa thư, có lũ trẻ chạy nhảy tung tăng…cùng bao niềm vui háo hức chờ tết đến.
Chỉ còn ít ngày nữa là đến tết Nguyên Đán nhưng không khí đón tết ở quê thì đã nhộn nhịp hẳn lên, về sớm hơn nơi thôn quê. Mọi người ai nấy đều bắt đầu sửa soạn, sắm sanh. Đó là những đơn đặt hàng bằng miệng như ký thịt bò, thịt lợn, con gà…của mấy nhà chung nhau ngoài đình giá rẻ hơn ở chợ. Và những sớm chiều hối hả gắng làm nhanh việc đồng áng cho ngày đoàn tụ nhàn nhã hơn. Hay những nồi rượu trên bếp đượm lửa giục giã mẹ rót vào thùng để kịp nấu thêm nồi khác.
Chú đưa thư đeo chiếc cặp nặng nề, lỉnh kỉnh đầy những thư báo, hộp quà to nhỏ, giấy nhận tiền gõ cửa từng nhà đem niềm vui và tin tức đến cho mọi người.
Những cánh thư tay nơi phương xa vội vàng bay về cùng nỗi nhớ dâng trào thông báo cho mọi người ở quê ngày nghỉ tết và niềm vui háo hức sắp được đoàn tụ cùng gia đình. Lũ em nheo nhóc biết vậy hồ hởi xòe bàn tay, vui sướng nhảy nhót đếm ngược thời gian chờ đợi anh chị, cô chú đi học đi làm xa về sẽ có quà.
Cuối tuần, con đường làng được dọn dẹp sạch sẽ bởi những cô cậu thanh thiếu niên. Những làn khói hun từ bếp củi hẹn nhau tung tăng trên bầu trời xuân, làm ấm áp cả một vùng trời bình yên.
Ngày làm bánh là thời gian đáng nhớ nhất của ngày tết, hương vị đầu xuân bắt đầu len lẻn khắp cả đường làng ngõ xóm. Nhà nhà rộn ràng hơn hẳn, mấy đứa em tụ tập tíu ta tíu tít biết bao câu chuyện mà cha vẫn chưa làm xong bánh.
Tôi nhớ rất rõ mẹ và chị cả lục đục chuẩn bị đồ sẵn cho cha gói bánh vừa râm ran trò chuyện từ tờ mờ sáng 27. Mọi thứ đã đong đầy, cha ngồi trên chiếu lá trải giữa nền nhà với xung quanh là nguyên liệu làm bánh. Cha lấy chiếc lá dong to làm lá chính rồi trải thêm mấy lá nhỏ chồng lên nhau, đổ một chén nếp ra và dàn đều theo hình chữ nhật, theo hình khối dài. Từng hạt nếp trắng ngần, nhân đậu xanh, dưa hành, thịt mỡ được cha đong cẩn thận cho vào khung bánh đã đặt sẵn lá.
Đôi bàn tay khéo léo lật gấp hai mép lá vào nhau theo chiều dọc đòn bánh vào nhau thật nhanh và gọn, những động tác dường như thuần thục của một người thợ đã quen với công việc đến mức thuộc lòng. Rồi cha dùng miệng thắt sợi lát, cột thắt đòn bánh chặt hơn. Sau đó, cha dựng đòn bánh lên, cắt bớt lá ở đầu xếp gọn lại như những hộp quà, rồi lấy hai lá khác bịt đầu đòn bánh mộng lại, quấn chặt, thắt vòng.
Ngày cuối năm, mọi thứ dường như đã đầy đủ, duy chỉ còn nồi bánh chưng chưa chín đang từng giờ chờ cha dụi củi vào bếp than hồng đang đượm lửa, chờ đứa con công tác xa về nghỉ tết muộn.
Bánh lớn chưa được gói xong nhưng trong tôi đã hình dung những đòn bánh nho nhỏ, xinh xinh, có dây đeo mà bất cứ trong gia đình có trẻ em đều làm sau khi đã làm xong những đòn bánh to. Khi ấy, chiếc bánh là món quà có ý nghĩa, có giá trị nhất với những đứa trẻ quê nghèo. Buổi tối khi đi ngủ ôm chặt nó vào lòng ngủ ngon lành.
Nhớ cảm giác mấy đứa nóng lòng chụm lại với nhau bên chị cả, háo hức chờ chị chia từng miếng bánh dẻo quặn, thơm lừng.
Mùa xuân mới đã đến, cùng biết bao tâm trạng nô nức, háo hức chờ đón tết như những ngày ấu thơ, chị gái đi lấy chồng, tôi thay mẹ chuẩn bị mọi thứ cho cha gói bánh. Và hôm nay, tôi là người làm nhiệm vụ chia bánh cho các cháu nội ngoại. Không khác gì cô nó ngày xưa, vẫn tò mò, háo hức chờ đợi được ăn từng miếng bánh chưng trong mùa xuân sang.
Tâm Nhi