Nhìn lại một năm với nhiều lần "nhảy việc", Gen Z học được gì?
(Dân trí) - Không giống như những thế hệ đi trước, Gen Z đã không còn đề cao việc gắn bó quá lâu với một chỗ làm cụ thể. Thay vào đó, nhân sự có xu hướng nghỉ việc và tìm kiếm việc làm mới sau một thời gian ngắn.
"Nhảy việc" không còn là một xu hướng mới mẻ. Bởi các bạn trẻ ngày nay luôn khao khát tìm kiếm cơ hội mới và một môi trường làm việc mới phù hợp hơn với bản thân. Một năm qua đi có thể có không ít lần "nhảy việc", điều đó cũng giúp Gen Z đúc rút được những kinh nghiệm, những bài học cá nhân.
Thái độ quan trọng hơn trình độ
Trái với hy vọng mong muốn có một công việc ổn định và gắn bó lâu dài, Lam Ngọc (22 tuổi) đã có những lần thay đổi công việc đáng nhớ.
Chia sẻ với PV Dân Trí, Lam Ngọc cho biết đã trải qua 3 chỗ làm trong năm vừa rồi. Bản thân chị đã đúc rút ra được những bài học cá nhân.
"Mỗi kinh nghiệm có được sau mỗi lần chuyển việc cũng được xem là cách giúp mình có được công việc ưng ý, dù chuyên môn mình còn non trẻ so với các bạn đồng nghiệp nhưng trong thái độ, mình lại nhận được sự đánh giá rất cao từ các sếp.
Dù làm ở bất cứ đâu hay bất cứ công việc gì, sự lười biếng, toan tính thiệt hơn cũng sẽ khiến bạn mất điểm trước lãnh đạo và cả đồng nghiệp. Kể cả bạn chỉ làm công việc đó trong thời gian ngắn nhưng một khi bạn chọn nơi đó để gắn bó thì bạn càng phải cố gắng, nhiệt tình và có tinh thần học hỏi để tiến bộ hơn, tạo được dấu ấn tốt đẹp hơn.
Nếu làm được như vậy thì chẳng ai để bạn chịu thiệt và tự khắc bạn sẽ được thăng tiến trong công việc", chị Ngọc chia sẻ.
Cũng theo Lam Ngọc, bên ngoài còn rất nhiều người tài giỏi hơn chúng ta nên bản thân mỗi người cũng cần xem xét trình độ, năng lực của bản thân để cư xử cho hợp lý, đúng mực.
Một tinh thần cầu tiến, thái độ nghiêm túc là điều nhân sự luôn cần phải mang theo dù là trong công việc hay cuộc sống. Có được hai đức tính quý giá này, người trẻ sẽ sớm gặt hái được thành công hơn.
Đúng giờ
Đúng giờ là điều bản thân mỗi người cần học trước khi đi làm hay trong bất kỳ vấn đề gì của cuộc sống. Việc đến đúng giờ giúp bạn thể hiện mình là người chuyên nghiệp, tôn trọng đối tác và nghiêm túc với công việc.
Câu chuyện công ty đầu tiên mà chị Ngọc đã gắn bó năm vừa rồi càng giúp chị khẳng định tính quan trọng của việc đúng giờ.
"Hồi đó công ty cũ của mình mất gần 2 năm để tìm được một nhân viên thiết kế đúng ý sếp nhưng ngày đầu tiên thử việc, bạn ấy đến muộn 20 phút. Vừa bước vào phòng, sếp mình đã gọi lại nói chuyện và chấm dứt hợp đồng với bạn ấy. Dù lúc đầu bạn này được sếp đánh giá rất cao về chuyên môn.
Thời gian là thứ không thể mua và cũng chẳng thể bán, chúng ta chính là những người làm chủ quỹ thời gian của mình. Tất nhiên thời gian với ai cũng quý giá, nên dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào nhân sự cũng cần tạo cho mình thói quen đúng giờ.
Vì thật sự sẽ rất ít người nghe bạn giải thích lý do, cái họ nhìn, đánh giá là kết quả và cách bạn làm", chị Ngọc kể lại.
Người giỏi là người làm nhiều
Quang Phú (23 tuổi, hiện đang là chuyên viên marketing), chia sẻ với PV Dân Trí rằng, bản thân đã từng rất tự ti về chuyên môn của mình. Mỗi khi bắt tay vào công việc, sản xuất một nội dung mới, anh luôn đắn đo, lo sợ bản thân viết không hay, làm không giỏi, như đang múa rìu qua mắt thợ.
Nhưng với quan niệm: "Người giỏi là người làm nhiều", anh đã nỗ lực hơn rất nhiều.
"Thú thực rằng, với đặc thù công việc của mình, có thể làm lần 1, lần 2 chưa thực sự hay nhưng sự kiên trì, cố gắng hơn từng ngày đã giúp mình nhận ra sự khác biệt, dù chỉ là những điều nhỏ nhất. Mỗi lần làm là một lần chúng ta vỡ ra được những điều mới, để những sản phẩm mình làm ra tốt hơn trước đó.
Anh Phú cảm thấy, những lần quyết định "nhảy việc" trong năm vừa qua đã giúp anh nâng cao giá trị bản thân và có cho mình những bài học quý giá. Anh chia sẻ, bản thân hiện vẫn đang trên con đường tự hoàn thiện và học hỏi mỗi ngày để ngày hôm nay giỏi hơn ngày hôm qua.
Trải qua vài lần thay đổi trong công việc, anh Phú đã có cho mình một công thức: Hoàn thành + Hoàn thiện = Hoàn hảo.
"Với mình, khi được giao công việc gì, nhân sự cũng nên chú ý đến thời gian hoàn thành cho đúng hạn, còn sự hoàn hảo mà bản thân theo đuổi sẽ cần hoàn thiện dần dần từ những lần vấp ngã", anh nói.
Có nên "nhảy việc" vào thời điểm cuối năm?
Hoàng Thảo (23 tuổi, sống tại Hà Nội) nhận ra "nhảy việc" vào cuối năm vừa là cơ hội lại vừa là thách thức lớn.
Hoàng Thảo cho rằng cuối năm là thời điểm "vàng" để tìm kiếm việc làm mới vì giai đoạn này ít sự cạnh tranh. Đây cũng là lúc nhiều nhân viên chọn nghỉ việc và các công ty đang ra sức tìm kiếm nhân sự mới để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm cũng như để đáp ứng nhu cầu quản lý và nhanh chóng đào tạo đội ngũ mới.
Sẽ không khó để các bạn trẻ có cơ hội tìm được một công việc mới ưng ý, một nơi làm việc xứng đáng để gửi gắm, đóng góp sự nhiệt huyết, công sức của bạn thân.
Tuy nhiên, thời điểm này cũng là con dao hai lưỡi, bởi nó có thể ẩn chứa không ít thách thức, khó khăn.
"Càng nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự thì sẽ càng khó khăn cho bạn tìm được một công việc ổn định với mức lương đáng mong muốn để xác định làm việc lâu dài.
Cần suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra những quyết định quan trọng vào thời điểm này để không hối hận. Vì chúng ta không thể chắc chắn rằng, mọi thứ từ công việc, lương thưởng, phúc lợi ở công ty mới sẽ tốt hơn trước.
Nghỉ việc để tìm một công việc mới tốt hơn, phù hợp hơn chắc chắn rằng sẽ cần đến sự thông minh, tư duy nhạy bén cũng như phải biết tận dụng cơ hội và những điều kiện khác nhau", Hoàng Thảo tâm sự.