Ghosting trong công việc:

Nhân sự biến mất không lý do: Nỗi "đau đầu" của nhà tuyển dụng

Nguyễn Hồng Ngọc

(Dân trí) - "Ghosting" nghĩa là bỗng dưng biến mất như "bóng ma" không lời giải thích, là sự kết thúc đột ngột, bất ngờ trong một mối quan hệ. Ngày nay, điều đó xuất hiện nhiều hơn trong quy trình tuyển dụng.

Phỏng vấn xong, công ty bỗng "bặt vô âm tín"

Hồng Giang (20 tuổi, sống tại Hà Nội) kể lại rằng bản thân đã từng thất vọng như thế nào khi tham gia phỏng vấn:

"Một lần chuyển việc, mình đi phỏng vấn ở một công ty nọ. Trải qua rất nhiều vòng phỏng vấn, từ online đến trực tiếp, thậm chí đã đến bước deal lương (thương lượng về lương), HR (nhà tuyển dụng) còn yêu cầu mình gửi cả bảng lương công ty cũ. Mình nghĩ không chỉ với mình mà nhiều người cũng cảm thấy đây là điều tối kỵ".

Theo chia sẻ của Giang, sau buổi phỏng vấn cuối cùng, cô không nhận được email hay thông báo nào ngoài câu nói: "Chúng tôi sẽ thông báo kết quả sau". Khoảng 2 tháng sau, khi Giang đã đi làm ở một công ty khác thì nhận được cuộc gọi hỏi bây giờ có thể đi làm được hay không.

Theo Giang, cách xử lý như vậy vừa thiếu chuyên nghiệp lại vừa giảm độ uy tín của công ty. Cô cũng rút ra kinh nghiệm rằng, trong suốt quá trình tuyển dụng, bản thân cũng cần cố gắng nắm bắt thời gian và chủ động liên hệ để nhận được phản hồi sớm hơn và không bị ảnh hưởng hay gián đoạn những kế hoạch cá nhân khác.

Nhân sự biến mất không lý do: Nỗi đau đầu của nhà tuyển dụng - 1

Với Hồng Giang, phải chờ đợi trong vô vọng sẽ dễ bỏ lỡ những cơ hội nghề nghiệp khác và với chính công việc đang làm vì lỡ thông báo nghỉ việc (Ảnh: NVCC)

Nói về "ghosting", theo Craig Freedberg, Giám đốc tại một công ty tuyển dụng cho rằng, "bóng ma" phỏng vấn bắt nguồn từ sự thiếu cam kết. Chuyên gia này nói:

"Tiền thân của "ghosting" là khi một trong hai bên không cảm thấy bị thu hút hoặc không có sự đầu tư theo cảm tính. Cần phải tập trung nhiều hơn vào việc tiếp cận những người mà bạn thực sự nghĩ là phù hợp với công việc.

Nếu ai đó dành thời gian trong ngày cho một cuộc phỏng vấn, cả trực tiếp hay gián tiếp, họ xứng đáng nhận được phản hồi".

HR đau đầu khi gặp "bóng ma"

Hiện nay, tỷ lệ những người tìm việc bỗng biến mất khỏi quy trình tuyển dụng đang gia tăng rất nhanh. Một cuộc khảo sát gần đây về chủ đề này đã phát hiện ra con số khổng lồ: 83% HR đã trải qua tình trạng nhân sự/ứng viên biến mất không lý do.

Với cương vị là một quản lý nhân sự, anh Ngô Doanh chia sẻ bản thân đã không ít lần gặp phải những trường hợp "hủy ngang" đến từ ứng viên.

"Đợt vừa rồi, mình có hẹn với hai bạn ứng viên. Một bạn đến giờ phỏng vấn thì tắt máy, còn một bạn thì xin dời lịch sát giờ hẹn. Lúc nhắn tin với mình vẫn nói là háo hức đến phỏng vấn, nhưng kết quả là vẫn "lặn" mất tăm. Cuối năm thực không dễ gì để tuyển nhân viên", anh Doanh bộc bạch.

Nhân sự biến mất không lý do: Nỗi đau đầu của nhà tuyển dụng - 2

Anh Ngô Doanh cảm thấy việc tuyển dụng vào thời điểm cuối năm càng trở nên khó khăn hơn khi số lượng ứng viên đã khan hiếm, nay còn có tình trạng "ghosting" (Ảnh: NVCC).

Theo anh Doanh, ứng viên có thể tìm được những công việc hấp dẫn hơn nên có thể ngang nhiên biến mất mà không nói gì - đây được đánh giá là một hành vi "không đẹp" và thiếu sự tôn trọng đối với nhà tuyển dụng.

"Để vuột mất những ứng viên tiềm năng là một điều đáng tiếc, hơn cả là gây ra nhiều phiền phức khác trong quy trình tuyển dụng. Kế hoạch bị thay đổi, công việc bị đình trệ, tốn thời gian và chi phí tuyển dụng... là những hậu quả mà công ty hay nhà tuyển dụng phải gánh chịu".

Cũng theo anh Doanh, ngoài lý do từ ứng viên, quá trình tuyển dụng kéo dài hoặc chậm chạp cũng là một lý do hàng đầu khiến những người xin việc biến mất.

"Mình biết rằng, người xin việc sẽ mất hứng thú với một vị trí nếu họ không nhận được phản hồi từ nhà tuyển dụng trong vòng một tuần sau cuộc phỏng vấn đầu tiên. Vì vậy, không thể chỉ trích mỗi ứng viên, để xảy ra tình trạng "ghosting" cũng có thể bắt nguồn từ chính nơi tuyển dụng".

Yuletta Pringle, quan chức tại Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực Mỹ tin rằng, trách nhiệm giao tiếp thuộc về nhà tuyển dụng. Bà nói: "Nếu nhà tuyển dụng càng rõ ràng và cụ thể về các yêu cầu của vị trí tuyển dụng, thì điều đó có thể giúp giảm bớt tâm lý "ghosting" từ phía ứng viên".

Làm gì cũng được, nhưng đừng "làm thinh"

Ngày nay, ứng viên không phải là những người "xin việc" và HR không phải là những người "cho việc". HR không nên tự cho mình có quyền lực hơn mà "bơ toàn tập" và ứng viên càng không nên tự đề cao bản thân, cho rằng mình có nhiều cơ hội mà ngang nhiên biến mất không rõ lý do. Cuộc sống hiện đại, tư duy cũng cần hiện đại hơn. Câu chuyện "ghosting" là một điều kém văn minh mà HR hay ứng viên cần phải thay đổi.

Nhân sự biến mất không lý do: Nỗi đau đầu của nhà tuyển dụng - 3

Giữa HR và ứng viên là mối quan hệ bình đẳng, đôi bên cùng có lợi (Ảnh minh họa: FluxFactory).

Anh Ngô Doanh cho biết, các công ty nên có nhiều cách để làm cho quá trình tuyển dụng trở nên hiệu quả và minh bạch hơn, ở cả hai bên. Nếu công ty hay HR cho biết quy trình tuyển dụng có thể bị đình trệ vì bất kỳ lý do gì, thì cũng cần thông báo điều đó cho các ứng viên để họ không bị mất hứng thú sớm.

Theo anh Doanh, quá trình tuyển dụng là một chuyện, còn có rất nhiều người tìm việc đã chấp nhận lời mời làm việc nhưng không xuất hiện trong ngày đầu tiên đi làm. Có rất nhiều HR lưu giữ hồ sơ về một nhân viên không xuất hiện trong ngày đầu tiên của họ. Điều này rất có thể khiến ứng viên rơi vào danh sách đen của những công ty khác vì "tiếng xấu" rất dễ lan truyền.

Việc tiết lộ cho các HR biết bản thân đang phỏng vấn với các công ty khác là một điều văn minh, vì nó có thể ảnh hưởng đến quy trình tuyển dụng của bạn hoặc là một lợi thế giúp ứng viên dễ dàng để đàm phán. Khi đã nhận được ưu đãi tốt hơn, ứng viên nên gọi điện hoặc gửi một email lịch sự, ngắn gọn cho nhà tuyển dụng để không làm ảnh hưởng đến kế hoạch, công việc của người khác.

"Có rất nhiều cách ứng xử nếu quy trình tuyển dụng không đạt được kết quả như ý, vậy chẳng có cớ gì mà HR hay ứng viên không chọn một cách ứng xử văn minh hơn. Điều này vừa nâng cao giá trị bản thân lại vừa không làm ảnh hưởng đến đối phương. Không chỉ trong kinh doanh, đàm phán, mối quan hệ win - win (tức là đôi bên cùng có lợi) cũng nên áp dụng trong công việc", anh Doanh chia sẻ.