Người trẻ thiếu kinh nghiệm, nhưng đào tạo xong lại bỏ sang nơi khác

(Dân trí) - Đó là nhận định của ông Nicholas Stokes – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Maxport Limited (Viet Nam) tại lễ Kỷ niệm 100 năm thành lập ILO (1919 - 2019) diễn ra hôm 27/8 tại Hà Nội.

Chia sẻ về những khó khăn trong việc tuyển dụng lao động trẻ tại Việt Nam, ông Nicholas Stokes cho rằng: “Công ty chúng tôi thường làm việc với các đối tác nổi tiếng thế giới như: Nike, Asics, Kuhl, Spyder, Mountain Hardwear…

Vì thế, yêu cầu về chất lượng hàng hoá, chất lượng lao động khá cao. Do đó, để đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng lao động luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu”.

“Thế nhưng, đây cũng chính là khó khăn mà chúng tôi đang gặp phải. Bởi có nhiều công nhân ý thức và trách nhiệm với công việc chưa cao. Giờ giấc làm việc chưa nghiêm túc. Nhiều lao động chưa đạt chuẩn so với yêu cầu nên phải đầu tư cho đào tạo khá nhiều”, ông Nicholas Stokes nói.

Người trẻ thiếu kinh nghiệm, nhưng đào tạo xong lại bỏ sang nơi khác - 1

Ông Nicholas Stokes đánh giá cao người trẻ Việt Nam năng động

Tuy nhiên, theo vị Giám đốc này, điều đáng nói lại là, nhiều công nhân trẻ đã được đào tạo đạt chuẩn nhưng khi đào tạo xong lại không ở lại công ty làm việc…. 

Không ít người trẻ làm mất đi lòng tin của các nhà tuyển dụng, nhưng theo đánh giá chung của ông Nicholas Stokes thì, giới trẻ Việt Nam hiện nay thực sự rất năng động, nên chúng tôi trả lương và tăng thu nhập cho họ. Tuy nhiên, việc này cũng đồng nghĩa với giá thành sản phẩm cao hơn. 

“Dù vậy, nhưng sau gần 30 năm phát triển tại thị trường Việt Nam, tôi thấy rất vui khi Maxport là tập đoàn May mặc đồ thể thao được ILO công nhận vì những cống hiến bảo vệ người lao động Việt. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng để khẳng định một thương hiệu bền vững tại thị trường Việt Nam”, vị này chia sẻ thêm. 

Hiện, doanh nghiệp của ông Nicholas Stokes đang có tới gần 6.000 lao động, nhưng 85% trong số đó là lao động nữ. Do đó, mới đây (5/2019), Maxport Limited Việt Nam đã chính thức gia nhập Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), tiếp tục phát huy mục tiêu bình đẳng giới tại nơi làm việc & phát triển quyền năng phụ nữ tại Việt Nam.

Tư tưởng về bình đẳng giới đã được ông Nicholas Stokes nghĩ tới ngay từ khi bắt đầu thành lập Maxport. Một trong số đó là chính sách “trao quyền cho phụ nữ”, thậm chí là “người phụ nữ làm chủ”.

Bởi theo ông Nicholas Stokes, ngành dệt may là một ngành nghề có nhiều khó khăn, tuy nhiên, công việc này lại rất thích hợp với ưu thế nhạy cảm, cần cù, tỉ mỉ… của nữ giới. Vì thế, doanh nghiệp trong ngành cần tạo điều kiện cho người phụ nữ phát triển nhiều hơn.

Người trẻ thiếu kinh nghiệm, nhưng đào tạo xong lại bỏ sang nơi khác - 2

Kỷ niệm 100 năm thành lập Tổ chức quốc tế ILO

Chính vì những đóng góp đó, trong dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Tổ chức quốc tế ILO dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Maxport vinh dự là đơn vị tiêu biểu tại Việt Nam tham gia tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm của Maxport trong các công tác chăm lo cho người lao động.

H.M