Nam sinh 19 tuổi là thủ lĩnh tranh biện, nuôi giấc mơ quảng bá văn hóa Việt
(Dân trí) - Ngũ Tô Duy chuẩn bị cho ra mắt cuốn sách "Cổ tích không biên giới" bằng tiếng Anh và ấp ủ cho ra đời một tác phẩm về văn hóa Việt Nam dưới góc nhìn của các Gen Z để phát hành ít nhất hai thứ tiếng.
Ngũ Tô Duy (sinh năm 2003 tại Hà Nội) từng thắng giải tranh biện quốc tế, hiện là sinh viên năm thứ hai.
Chàng trai chuẩn bị cho ra mắt cuốn sách "Cổ tích không biên giới" bằng tiếng Anh và đang ấp ủ cho ra đời một tác phẩm về văn hóa Việt Nam dưới góc nhìn của các Gen Z để phát hành ít nhất hai thứ tiếng.
Tài không đợi tuổi
Năm 13 tuổi, Duy cùng đồng đội mang về 14 huy chương vàng tại Word Scholar's Cup (WSC - cuộc thi học thuật đồng đội dành cho học sinh phổ thông toàn thế giới) tại BangKok. Năm 18 tuổi chàng trai trẻ là giám khảo chính thức vòng khu vực cuộc thi Word Scholar's Cup.
Duy cũng là người sáng lập giải tranh biện The Great Debate - cuộc thi tranh biện dành cho học sinh có quy mô lớn.
Năm 2021, chàng trai Hà Nội trở thành chủ nhân 6 học bổng vào đại học bao gồm cả khối trường công và trường quốc tế. Hiện Duy học ngành Quản trị khách sạn tại Đại học Vin Uni với học bổng kép.
Tô Duy cùng lúc là nhà sáng lập của nhiều dự án: dịch thuật, viết sách, dạy ngôn ngữ Anh và gây quỹ từ thiện riêng với các bạn cùng khu phố.
Đầu năm lớp 12, Duy là dịch giả một cuốn sách bán chạy nhất New York Times - "Steal like an artist" (dịch ra tiếng Việt: Nghệ thuật đánh cắp ý tưởng).
Năm 2021, nửa kỳ cuối lớp 12, Duy mở dự án "Fairy tales without borders" (Cổ tích không biên giới) kêu gọi các bạn học sinh chung hệ thống trường khắp cả nước tham gia dịch những truyện cổ tích tiêu biểu nhất Việt Nam sang tiếng Anh. 124 người tham gia với 30 bản dịch được lựa chọn trong cuốn sách vừa in 3.000 bản đang chờ đến tay bạn đọc.
Trong lịch trình dày đặc mỗi ngày, Duy vừa học, vừa làm diễn giả cho một số chương trình, vừa dạy tiếng Anh, nhưng nếu cần một phần mềm ứng dụng, Duy có thể ngồi xuống và viết code.
Duy cho rằng, mình đang sống trong thế giới phẳng với ưu thế kết nối khắp nơi bằng những công cụ tiên tiến nhất, nhưng thứ Duy hướng về lại khiến nhiều Gen Z bất ngờ: văn hóa Việt.
Trong dự án viết sách mới chuẩn bị công bố, Duy ấp ủ mang tới câu chuyện về đời sống văn hóa của người Việt Nam ở khắp nơi. Giống như "Cổ tích không biên giới", dự án này Duy cũng không làm một mình.
Duy sử dụng nền tảng kết nối để chia sẻ thông tin về dự án đến "càng đông bạn tham gia được càng tốt". Duy muốn đa dạng hóa góc nhìn cho cuốn sách bên cạnh đó muốn dùng dự án để lan tỏa tình yêu với văn hóa Việt tới các bạn cùng trang lứa.
"Nếu nói các bạn tìm hiểu văn hóa đi sẽ khó nhưng rủ các bạn cùng nhau viết một cuốn sách chắc chắn sẽ hào hứng hơn. Biết đâu trong quá trình tìm hiểu để viết về văn hóa ở chính nơi mình sống, các bạn sẽ hiểu và yêu những nét sinh hoạt giản dị hàng ngày ấy của mình", Duy nói.
Khát khao lan tỏa văn hóa Việt ra thế giới
Những dự án của Duy nảy ra từ sự quan sát trong cuộc sống. Nếu dự án "Fairy tales without borders" Duy lập ra vì câu hỏi: "Trẻ em trên thế giới ai cũng biết đến Thần Thor, cô bé bán diêm, nhưng có bao nhiêu người biết đến chú Cuội, Thạch Sanh?", thì dự án "Văn hóa và đời sống người Việt thường ngày" lại bắt đầu từ trăn trở: "Có bao nhiêu bạn đồng trang lứa biết được rằng, chiếc nón lá với 16 vòng tượng trưng cho tuổi 16 - tuổi đẹp nhất của người con gái; hay con chuồn chuồn tre là biểu tượng của sự biến đổi và tái sinh gắn bó sâu sắc với văn hóa nông nghiệp của nghề trồng lúa nước?".
Duy từng sửng sốt khi phát hiện ra những ý nghĩa thâm sâu sau mỗi món đồ được bày bán ở các phiên chợ hay những thói quen ăn mặc của người dân.
Duy trăn trở từ bé với việc vì sao người bán những món quà lưu niệm tại các phiên chợ hay những khu lưu niệm cho khách du lịch không có câu chuyện nào để kể về món đồ thủ công xinh đẹp. Duy tin, mỗi thứ sinh ra đều có ý nghĩa, lý do riêng và sức mạnh của câu chuyện phía sau đó mới khiến người ta nhớ đến một nơi chốn họ đã đi qua.
Nhưng tìm hiểu văn hóa không phải là xu hướng hiện đại nên Duy đã tâm huyết xây dựng một dự án đủ chuyên nghiệp để mỗi cá nhân tham gia đều cảm thấy hấp dẫn và có bản thân mình trong đó.
Sau vòng sơ loại, ban điều hành dự án này sẽ tổ chức trại viết, mời các tác giả chuyên nghiệp hướng dẫn người viết bài bám sát chủ đề. Ở đó, các thành viên tham gia dự án một lần nữa được cổ vũ tình yêu với văn hóa Việt bằng những câu chuyện truyền cảm hứng.
Duy nhìn thấy bạn bè thế hệ mình lớn lên với tiêu chuẩn phải giỏi ngoại ngữ sớm, hội nhập quốc tế nhanh. Duy không lạ khi tiếp xúc với một số bạn nói tiếng Việt không tốt như tiếng Anh, không hiểu nếp sống người Việt bằng văn hóa ngoại quốc. Chàng trai 19 tuổi gọi đó là "sự phơi nhiễm" với văn hóa ngoại lai.
Duy kể, cảm hứng khiến cậu quyết định thực hiện dự án này đến từ bộ phim ngắn về một con rô bốt, đầu tiên nó chỉ là con rô bốt dọn bể, nhưng sau đó nó được cải thiện trở thành một con người với trí thông minh nhân tạo với rất nhiều tài năng, trong đó nổi trội là hội họa. Nhưng tác phẩm cuối cùng của nó lại phác thảo hình ảnh con rô bốt rũ bỏ tất cả những khả năng, tài năng khiến xung quanh trầm trồ, để trở về hình hài cũ - một con rô bốt dọn bể.
Bộ phim tác động lớn đến tâm trí Duy, giúp chàng trai nhận ra, thông điệp quan trọng: dù bạn có tiến hóa, có đi xa đến đâu, thì cái cốt lõi ban đầu của bạn vẫn là quan trọng nhất. Và đó chính là lý do thẳm sâu Duy bắt đầu một ngả rẽ đầy thách thức.
Duy xác định ngôn ngữ mẹ đẻ, văn hóa bản địa và nền tảng gia đình là những thứ làm nên cốt cách một con người. Bởi thế, tất cả các dự án Duy làm đều muốn đi từ cốt lõi từ văn hóa Việt để phát triển. Nhưng Duy khẳng định: "Em sẽ dùng cách thức in ấn, phát hành bằng ngôn ngữ Anh và marketing tân tiến nhất để quảng bá các dự án của mình".
Duy tin rằng: "Nếu coi tiếng Anh, vốn hiểu biết văn hóa nước ngoài là cái đà, là cột so sánh để phát triển văn hóa của chính mình, thì một ngày không xa em sẽ lan tỏa được tình yêu văn hóa Việt đến với bạn bè và với cộng đồng quốc tế".