Lý do giới trẻ tin bài trắc nghiệm MBTI và những sự thật ít biết
(Dân trí) - Bên cạnh mặt tốt mà bài kiểm tra MBTI mang lại cho Gen Z, vẫn tồn tại những nghi vấn xung quanh tính xác thực của phương pháp này.
Ngày nay, giới trẻ hầu như đã không còn quá đỗi xa lạ đối với hình thức trắc nghiệm tâm lý MBTI giúp phân biệt và xác định các nhóm tính cách cũng như những khía cạnh khác nhau của mỗi cá nhân trong xã hội. Thế nhưng, liệu bài kiểm tra này có thật sự tốt như chúng ta thường kỳ vọng hay không, và phải chăng song song với lợi ích thì bài kiểm tra này trên thực tế, ở một vài góc độ nào đó còn tồn tại những hạn chế mà chưa nhiều người hay?
MBTI là gì và tại sao lại được quan tâm?
Bắt nguồn từ lý thuyết phân loại trong cuốn sách Các kiểu tâm lý (Psychological Types) của bác sĩ tâm thần người Thụy Sĩ Carl Gustav Jung, MBTI được nghiên cứu từ năm 1917 và xuất bản năm 1921. Sau đó, MBTI tiếp tục được phát triển bởi Katharine Cook Briggs và con gái của bà, Isabel Briggs Myers từ khoảng Thế chiến thứ hai. Đến thời điểm hiện nay MBTI (viết tắt của Myers-Briggs Type Indicator) có thể coi là phương pháp kiểm tra tính cách phổ biến nhất.
Cụ thể, bài kiểm tra sắp xếp mọi người vào một trong 16 kiểu tính cách, gồm 4 chữ cái dựa trên lựa chọn của họ đối với các câu hỏi về Giác quan (S) hoặc Trực giác (N), Hướng ngoại (E) hoặc Hướng nội (I), Lý trí (T) hoặc Tình cảm (F) và Nguyên tắc (J) hoặc Linh hoạt (P).
Một báo cáo từ chuyên gia nước ngoài cho thấy hầu hết các đánh giá từ những người đã thực hiện bài kiểm tra xếp hạng độ chính xác sau khi thực hiện bài kiểm tra MBTI lên đến 90%, dần dần biến nó trở thành một trong những bài đánh giá tính cách chính xác và đáng tin cậy nhất hiện có.
MBTI có thể giúp định hướng tương lai?
Hiện nay, trên thế giới mỗi năm ước chừng có khoảng hơn 2 triệu người tiến hành làm thử trắc nghiệm MBTI và con số này vẫn đang không ngừng tăng cao qua các năm. Mặt khác, nếu dạo một vòng qua các fanpage hoặc các group trên mạng xã hội dành cho giới trẻ, sẽ không khó gặp những bộ phận người dùng say sưa bàn luận về kiểu tính cách đặc trưng của mình. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn đưa những chữ cái này lên phần giới thiệu, hoặc ghim ở trang cá nhân như một cách để khẳng định tiếng nói riêng.
Chưa hết, đối với bộ phận Gen Z - là những bạn trẻ đại đa số đều đã tiếp cận với hình thức trắc nghiệm đánh giá tính cách MBTI và cũng có thể được coi như những người góp sức lớn vào độ phủ sóng của xu hướng trên, MBTI dường như đã phần nào tạo ra những ảnh hưởng nhất định, không chỉ tìm ra tính cách của từng người, xây dựng cộng đồng gồm những bạn trẻ sở hữu cùng một điểm chung, mà còn có thể định hướng tương lai, lựa chọn những phương án phù hợp nhất cho mỗi đối tượng.
Nhìn vào những con số và kết quả đầy ấn tượng đó, 89 công ty trong danh sách Fortune 100, cùng với 200 cơ quan của chính phủ Mỹ, đã dùng MBTI để đánh giá nhân viên cũng như ứng viên xin việc, phân tích tính cách của từng nhân viên nhằm khai thác hết tiềm năng và đặt vào đúng vị trí phù hợp với tính cách của họ.
Ở Việt Nam, tỷ lệ các doanh nghiệp sử dụng MBTI xuất phát từ thuận lợi của hình thức này đều ở mức khá cao. Theo đó, 50% cho rằng bài kiểm tra đơn giản, dễ hiểu và dễ nắm bắt, 43% lại nhận xét về MBTI là công cụ dễ học hỏi và dễ ứng dụng.
Dấu hỏi lớn về giá trị khoa học của trắc nghiệm MBTI
Merve Emre, tác giả của cuốn "The Personality Brokers", cho rằng cả hai người tạo ra nó - Katherine Cook Briggs và con gái Isabel Briggs Myers - có lẽ đều không được đào tạo chính thức về tâm lý học. Theo góc nhìn của Emre, giáo sư tại Đại học Oxford (Anh), Katherine Briggs đơn giản chỉ là "đánh máy" tất cả những gì bà ấy hiểu được kể từ khi bắt đầu quan tâm đến cuốn sách "Các kiểu tâm lý" của Carl Jung.
Cho đến năm 1943, trong bối cảnh bùng nổ lao động của Thế chiến thứ hai, con gái bà đã dựa trên hệ thống truyền lại từ mẹ mình và thiết kế một bảng câu hỏi để xác định tính cách của các công nhân phù hợp nhất với công việc nào. Bởi vậy, Emre đánh giá: "Đó thực sự là một quá trình nghiên cứu rất phi khoa học".
Còn theo Suresh Balasubramanian, tổng giám đốc kiêm phó chủ tịch cấp cao về sản phẩm, chương trình, tiếp thị của công ty vào năm 1975 có tên là Consulting Psychological Press, hiện được gọi là Myers-Briggs Company, cho biết công ty đã dành nhiều thập kỷ để cải thiện việc đánh giá và nghiên cứu thêm về tính hợp lệ của MBTI. Cụ thể hơn, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng có tới 50% số người sở hữu kết quả khác hẳn khi họ làm lại MBTI chỉ 5 tuần sau đó. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bài kiểm tra không thực sự đạt hiệu quả trong việc dự đoán thành công của mỗi người trong các công việc khác nhau.
Lý giải về việc này, Emre giải thích: "Bởi lẽ không giống như các bài kiểm tra tính cách khác, MBTI hấp dẫn hơn hẳn vì nó "không phán xét", đồng nghĩa với việc tất cả các kết quả đều đi theo một chiều hướng khá tích cực. Chính vì ngay từ ban đầu, nó đã được thiết kế theo cách mà những người tạo ra nó nghĩ rằng sẽ thúc đẩy người lao động có niềm tin lớn hơn là sau khi thực hiện bài kiểm tra, họ sẽ nhận định được công việc tốt nhất và phù hợp nhất dành cho họ".
Kết
Nhìn chung, trắc nghiệm MBTI thực sự đã phần nào hoàn thành tốt vai trò là một công cụ hữu ích trong các lĩnh vực đời sống, nhất là vào thời điểm nhiều bạn trẻ vẫn còn mông lung, vô định trong việc xác định tố chất riêng của bản thân cũng như con đường tương lai sau này. Nhưng dù vậy, vì kết quả của bài kiểm tra có thể thay đổi sau một khoảng thời gian nhất định, nên mỗi bạn trẻ nên tránh dựa dẫm, phụ thuộc quá nhiều vào MBTI mà phải tập cho mình thói quen suy nghĩ thật thấu đáo trước khi lựa chọn phương án tốt nhất cho bản thân mình.