Lối thoát tiêu cực

(Dân trí) - Không dừng lại ở những hành động như dùng dao, mảnh sứ tự rạch vào da thịt, giật tóc, tát mạnh vào mặt để tự hành xác, mà hiện nay không ít teen không tìm được lối thoát cho bản thân đã chọn cách kết thúc cuộc đời hết sức tiêu cực: tự sát.

Những cái chết được báo trước

 

Nếu bạn để ý, trong khoảng thời gian vài năm trở lại, thông tin về cô bé, cậu bé tuổi teen tự sát một mình hoặc tập thể không phải là ít. Những lý do tưởng như nhỏ bé đều có thể khiến nhiều bạn nhỏ nghĩ đến cái chết…

 

Đó có thể do gia đình quá kỳ vọng vào kết quả học tập nhưng bạn không thể thực hiện được. Đó có thể là một bạn học sinh học hành giỏi giang nhưng do bạn bè thách thức bị “dính” trắng, không tìm đâu ra lối thoát.

 

Bạn bè ai cũng có xe đẹp để đi trong khi nhà quá nghèo khó, mình không có đến một chiếc áo lành lặn để mặc, khi bạn bè vô tâm trêu chọc lại tủi hờn chán nản. Cũng có thể là cảm giác bị bố mẹ, bạn bè bỏ mặc, không ai chia sẻ cùng bạn…

 

Tác động tới dự luận nhiều nhất có lẽ phải kể tới vụ tự tử tập thể của 5 nữ sinh tại tỉnh Hải Dương năm 2006 vừa qua. Với những chiếc khăn quàng buộc chặt tay nhau, sau khi để lại 5 lá thư tuyệt mệnh cho gia đình, các em đã ra đi mãi mãi… Cái chết của những đứa trẻ này trong một phút nông nổi đã phủ trắng tang thương lên cả một xã.

 

Còn nhớ cuối năm 2005, ba em học sinh tỉnh Bến Tre mới bước qua tuổi 12 ngây thơ, vô tư, trong sáng của tuổi học trò, chỉ vì sợ bố mẹ mắng do kết quả học tập chưa tốt, các em đã dễ dàng tìm đến cái chết.

 

Kỳ vọng của cha mẹ đối với việc học tập của các bạn trẻ cũng là một áp lực mà không phải bạn nào cũng có thể vượt qua. Là con gái duy nhất của một gia đình truyền thống giáo viên tại Hải Phòng, từ ông bà cho tới bố mẹ, họ hàng, ai cũng muốn N.T  sẽ học hành giỏi giang và thi đỗ vào trường Sư Phạm. Bên cạnh đó, ai cũng hiểu T.  rất thích vẽ tranh và muốn trở thành nhà thiết kế thời trang hơn là một người làm nghề gõ đầu trẻ, nhưng cả gia đình không ai bằng lòng với niềm ham thích đó, ai cũng tạo áp lực buộc T. phải học “nếu không ông bà sẽ xấu hổ với hàng xóm…” Và cũng không ai ngờ trước những lời nói đó mà T. đã nhiều lần tìm đến cái chết.

 

Và gần đây nhất, 2/12 vừa rồi là ngày đau buồn nhất trong gia đình ông Trần Xuân Đính và bà Nguyễn Thị Vân (Quảng Minh, Quảng Trạch, Quảng Bình) bởi cô con gái út Trần Thị Hoa sinh năm 1993 đã tự sát chỉ vì gia đình nghèo không có tiền cho em đi đóng học phí…

 

Trong con mắt các em, cái chết chỉ là chuyện nhỏ như... chai thuốc cỏ, như viên thuốc ngủ hay thậm chí chỉ là... cắt mạch máu cho máu chảy ra để tìm đến cái chết.

 

Nguyên nhân là do đâu?

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, chuyên gia tư vấn tâm lý Ngọc Linh tại đường dây nóng 19001678 cho hay. Chuyện tự tử trong độ tuổi thanh thiếu niên thời nào cũng có, tuy nhiên, hiện nay có chiều hướng gia tăng khá mạnh. Điều này cũng cho thấy việc các em tìm đến cách giải quyết tiêu cực này không còn là chuyện hiếm. Lứa tuổi vị thành niên vốn rất nhạy cảm, lãng mạn, bồng bột, hiếu thắng và những cảm xúc tiêu cực và tích cực đều có thể bị đẩy đi quá xa.

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hành động dại dột này. Có thể trẻ bị áp lực nặng nề về tâm lý do thiếu thốn tình cảm gia đình, hoặc các em phải “gánh” quá nhiều hy vọng của phụ huynh như phải hơn bạn bè trong học tập, bên cạnh đó, bạn bè trêu chọc và đặc biệt trẻ thiếu sự quan tâm, lắng nghe của gia đình.

 

Trẻ em được tiếp xúc với quá nhiều công nghệ hiện đại và thiếu sự quản lý. Mặt khác, môi trường xã hội cũng tạp không ít sức ép của việc học lẫn quan hệ bạn bè đối với các em. Và một điều quan trọng nữa là, chương trình học tập trong trường lớp dạy nhiều về kiến thức các loại mà chưa chú trọng hướng dẫn các em về kỹ năng sống.

 

Thêm vào đó, các phương tiện thông tin đại chúng cũng bộc lộ mặt trái của nó khi giúp các em dễ dàng tiếp xúc với những luồng thông tin tiêu cực, phim ảnh, sách báo bạo lực chưa hợp với độ tuổi.

 

Tóm lại, gia đình có cung cấp đầy đủ cho trẻ như thế nào thì đó vẫn chưa đủ. Yêu thương và chăm sóc là phương pháp tốt nhất để trẻ học tập và biết quý trọng cuộc sống.

 

Các bậc cha mẹ cần dành một khoảng thời gian trong biểu dày đặc của công việc mưu sinh để lắng nghe con trẻ đang nghĩ gì và muốn gì.

 

Tránh những lời nói, hành động vô tình nhưng có ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ và hành động của trẻ.

 

Hà Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm