Lập "rào chắn sống" giữa nắng nóng 40 độ: SV tình nguyện lên tiếng

(Dân trí) - Ý thức kém của người tham gia giao thông khiến cho các bạn sinh viên tình nguyện phải vất vả đứng làm dải phân cách giữa trời nắng nóng có lúc vượt ngưỡng 40 độ.

Cho đi thầm lặng, buồn lặng thầm

Đội trưởng đội SVTN trường ĐH KHXH&NV - Lê Quang Pháp

Đội trưởng đội SVTN trường ĐH KHXH&NV - Lê Quang Pháp

Bạn Lê Quang Pháp, đội trưởng đội Sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cho biết: “Sáng sớm hôm kia, em thấy hình ảnh làm việc của đội mình trên mạng xã hội cùng những bình luận nhiều chiều có phần ác ý. Lúc đó em cảm thấy khá giận.
 
Nhưng rồi em phải đưa một em thí sinh cần giúp đỡ đi thi, rồi qua điểm làm những công việc của chiến dịch cùng các bạn, trợ giúp thí sinh, phân làn giao thông… nên em cũng không còn thời gian, hơi sức mà nhớ tới chuyện trên mạng nữa”.

Nhiều bạn trong đội SVTN ĐH KH XH&NV cũng chia sẻ với Pháp về cảm giác buồn, giận khi đọc được những lời bình luận. Pháp cũng chỉ nhẹ nhàng nói với các bạn: “Các em chỉ cần nhìn phụ huynh, nhìn thí sinh, nhìn ra đường lúc tan tầm. Vậy là đủ lý do để tiếp tục công việc rồi”.

Riêng ở điểm thi ĐH ĐH KH XH&NV những ngày thi vừa qua, luôn có hàng trăm thí sinh và phụ huynh cần các bạn SVTN giúp đỡ giải đáp thắc mắc, dẫn đường, cung cấp nước uống, quạt mát, gửi đồ, phân luồng giao thông…
 
Nếu không có các bạn trẻ áo xanh thường xuyên túc trực, thì ai là người sẽ làm những công việc “nhỏ nhặt” và thầm lặng ấy?

Vì sao phải lập hàng rào giao thông bằng người?

Tại điểm thi Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội - đường Trần Đại Nghĩa, thông thường giao thông khá thông thoáng. Tuy nhiên, trong thời gian diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia, tình hình giao thông lại có những diễn biến phức tạp.

"Việc lập rào chắn bằng người có những nhiệm vụ và giải quyết các lý do sau: Đầu tiên là không chỉ có lập rào chắn ở giữa đường mà còn có nhiều đội hình đứng làm rào chắn ở mép vỉa hè, chỉ dẫn lối đi tránh gây ùn tắc cổng trường và hỗ trợ lực lượng chức năng phân luồng giao thông. Đó là một tổ hợp các đội hình để đảm bảo cho giao thông được diễn ra an toàn.

Thứ hai là, phần đa phụ huynh khi đến đón thí sinh đều đỗ xe tràn lan ra đường, vỉa hè..., thậm chí tại điểm thi nhà T của ĐH BKHN dù đã có giải phân cách cứng ở giữa, có lực lượng TNV đứng ở cổng nhắc nhở phân luồng nhưng dòng người kể cả phụ huynh lẫn thí sinh vẫn bất chấp trèo qua dải phân cách.
 
Và kể cả khi có những TNV đứng theo đội hình để phân làn, không ít người vẫn cứ "xé rào" tìm đủ mọi cách chui qua. Phải kiên quyết, kết hợp với vận động, nhắc nhở thì các bạn mới ổn định được trật tự giao thông

Điểm quan trọng thứ ba chính là tính cơ động cao của dải phân cách bằng người, khi cần có thể dễ dàng điều tiết, sắp xếp cho phù hợp với tình hình giao thông", bạn Nguyễn Thành Trung - UVTV Đoàn trường, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội phân tích.

Đội trưởng đội SVTN trường ĐH KHXH&NV - Lê Quang Pháp

Đội SVTN Học viện Nông nghiệp lập hàng rào phân luồng giao thông. Chừng nào ý thích rẽ ngang vượt tắt của người dân vẫn còn, những hàng rào phân luồng như thế này vẫn còn hữu ích vào thời điểm "nóng" giao thông của mùa thi (Ảnh: Mai Châm)

Bạn Đinh Thị Nhung, sinh viên tình nguyện Học viện Tài chính chia sẻ: “Em tham gia tình nguyện vì muốn cống hiến sức trẻ của mình, vì đã nhận được sự giúp đỡ của các anh chị sinh viên khóa trước khi em thi đại học”.

Nhung cho rằng việc một số người nói rằng tình nguyện viên “ngu ngốc" là do chưa hiểu được công việc cụ thể của các bạn do họ không trực tiếp tham gia.

“Việc lập rào chắn bằng chính các bạn SVTN là do dài phân cách cứng hoặc hàng rào bằng dây có nhiều điểm hạn chế. Đối với dải phân cách cứng, một số nơi đã từng sử dụng để phân luồng giao thông tại các điểm thi nhưng xảy ra tình trạng người tham gia giao thông không để ý gây ra tai nạn.
 
Còn đối với rào chắn bằng dây mềm thì không đảm bảo an ninh vì mọi người thường tìm cách vượt qua, gây nên tình trạng chen lấn, xô đẩy mất kiểm soát. Khi các SVTN lập hàng rào thì nhận được sự tôn trọng của học sinh và phụ huynh hơn, mọi người được nhắc nhở, không tìm cách vượt qua hàng rào”, Nhung bày tỏ.

Sẵn sàng tiếp nhận sáng kiến, đóng góp

Đội trưởng đội SVTN trường ĐH KHXH&NV - Lê Quang Pháp

SVTN trường ĐH Bách khoa trang bị mũ nón, tập huấn đầy đủ trước khi triển khai tiếp sức mùa thi (Ảnh: Hồng Minh)

Bạn Nguyễn Thành Trung - UVTV Đoàn trường, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội thẳng thắn: "Để xây dựng được kế hoạch Tiếp sức mùa thi tổng thể, chi tiết, chúng em đã nhiều lần họp, đi thực địa để có phương án tối ưu.
 
Nếu các bạn khác có giải pháp tốt hơn thì chúng em rất mong được các bạn chia sẻ, góp ý. Tuy nhiên các vấn đề khi đưa ra cần được trao đổi cụ thể và đưa ra thực địa gắn với tình hình thực tế chứ không thể chỉ viết trên giấy được".

Trung chia sẻ thêm: "Chúng em cũng đều đã từng trải qua những tháng ngày lóc cóc lên Hà Nội thi vào đại học, vì vậy chúng em hiểu rõ sự vất vả của phụ huynh và thí sinh trong những ngày này. Đó là lí do chúng em cống hiến.

Em là người chịu trách nhiệm nên phải có các phương án đảm bảo sức khỏe cho các bạn. Thời gian xếp đội hình được sắp xếp hợp lý lúc trước giờ thi và sau khi thi xong chứ không phải liên tục để TNV phơi nắng.
 
Các bạn TNV cũng được trang bị mũ và áo dài tay. Bộ phận hậu cần cũng luôn cung cấp đủ những nhu yếu phẩm cho các bạn tình nguyện viên, đặc biệt khi trời nắng nóng gay gắt. Vì vậy mà trong các đợt tiếp sức mùa thi chúng em chưa có trường hợp TNV nào có vấn đề về sức khỏe".

Mai Châm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm