"Rào chắn sống" giữa nắng nóng 40 độ - Nên hay không?
(Dân trí) - Việc sinh viên đội nắng 40 độ tiếp sức mùa thi qua góc nhìn của cư dân mạng, phụ huynh, thí sinh và của chính các bạn tình nguyện viên.
Mỗi mùa thi đến, hàng ngàn bạn sinh viên các trường đại học, học viện, cao đẳng trên cả nước lại xung phong tham gia hoạt động tiếp sức mùa thi. Qua nhiều năm hoạt động nỗ lực, sinh viên tình nguyện đã tạo được thương hiệu của riêng mình. Thương hiệu đó được khẳng định bằng sự tin tưởng, lòng biết ơn của những người được các bạn giúp đỡ.
Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua, dư luận bỗng nổi lên những luồng ý kiến trái chiều về cách thức hoạt động, hiệu quả của của hoạt động sinh viên tiếp sức tình nguyện.
SVTN đội nắng phân luồng giao thông là "làm trò"?
Ý kiến cho rằng việc tạo dải phân cách bằng người để phân luồng giao thông là "làm trò" đã gây ra nhiều tranh cãi.
Ngay lập tức khá nhiều cư dân mạng đồng tình với ý kiến trên, thậm chí còn dùng những từ ngữ nặng nề như là “ngu ngốc”, “ngớ ngẩn”… để đánh giá về hoạt động sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi.
Ý kiến ủng hộ việc làm của các bạn SVTN
Ý kiến chỉ trích hoạt động của các bạn SVTN
Xin trích đăng một số bình luận trên mạng xã hội Facebook trong vài ngày qua:
“Toàn những cử nhân, kỹ sư... tương lai mà không tìm ra biện pháp nào tốt hơn ngoài việc đứng ra trời nắng nóng 40 độ làm hàng rào, vậy mà vẫn được ca ngợi là nhân văn”, tài khoản Ngọc Minh nhận xét.
“Nguyên một thời sinh viên mình không bao giờ tham gia mấy cái phong trào tào lao đó. Còn nhiều việc làm ý nghĩa hơn cái việc "bầy đàn" đó. Chẳng qua chỉ ham vui, ham lợi, theo "bầy đàn" hò hét. Chả dc tích sự gì đáng kể. Uổng cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”, tài khoản Phương Thảo Nguyễn góp lời.
Bên cạnh những ý kiến phản đối là những ý kiến ủng hộ công việc của các bạn sinh viên tình nguyện.
“Cái gì nó cũng có lý do của nó hết. Cách tốt nhất là mỗi người hãy tự soi lại mình trong gương xem ý thức nơi công cộng đã tốt chưa? Nếu ai cũng ý thức tốt thì không cần có các em SVTN có mặt trong thời điểm, địa điểm đó”, tài khoản Hằng Nguyễn bình luận.
Thí sinh và phụ huynh nói về hoạt động sinh viên tình nguyện
Bạn Phạm Vân Anh, thí sinh tại điểm thi ĐH Kinh tế quốc dân chia sẻ: "Em thấy nhiều người ý thức rất kém. Mặc dù các anh chị tình nguyện đã thông báo là không được vào khu vực thi trước khi hết giờ làm bài nhưng phụ huynh cứ cố chen vào để ngóng con mình. Đã vậy, việc đỗ xe cũng hết sức lộn xộn. Dù đã cấm đỗ ở cổng trường thi nhưng nhiều người đi ô tô vẫn đỗ ngang nhiên, gây tắc nghẽn giao thông.
Việc các anh chị đứng làm dải phân cách giao thông thì tốt nhưng khá là nguy hiểm, em nghĩ nên có giải pháp khác an toàn hơn".
Phạm Thị Nhung (bên phải) được bạn sinh viên tình nguyện Vũ Thu Hằng (bên trái) chăm sóc, đưa đón trong suốt kỳ thi
Em Phạm Thị Nhung (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) là một trong những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, phải đi làm thuê kiếm 500 ngàn để lên Hà Nội dự thi THPT Quốc gia. Nhung được bạn Vũ Thu Hằng, SV Học viện Tài chính giúp đỡ trong suốt kỳ thi.
Hàng ngày, chị Hằng chở Nhung tới trường thi, lo cho em bữa ăn, giấc ngủ. “Các anh chị SV tình nguyện đã nhiệt tình giúp đỡ em khi đi trên đường và động viên em. Em rất vui và cảm động. Sự nhiệt tình của các chị, em không biết lấy gì cảm ơn. Chị Hằng khiến em rất yên tâm”, thí sinh Phạm Thị Nhung chia sẻ.
Mai Châm