Khoảng cách thế hệ ở nơi làm việc khiến Gen Z cảm thấy bị coi thường

Lê Nguyễn Quỳnh Anh

(Dân trí) - Nhiều người có xu hướng coi thường đồng nghiệp, thậm chí lãnh đạo trẻ, dù đôi khi không phải là cố ý.

Emily Martin mở cửa hàng Dundies cung cấp dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Brisbane (Australia) từ khi mới 20 tuổi. Vào tháng 9/2022, sau 3 năm hoạt động, Dundies đã kiếm được khoảng 1 triệu AUD (hơn 16 tỷ đồng). Tuy nhiên, cô chủ 24 tuổi này lại nói rằng cô không nhận được sự tôn trọng từ những người nhân viên lớn tuổi.

Nhân viên của cô gồm 15 phụ nữ, hầu hết đều hơn cô từ 25 đến 30 tuổi. Ban đầu, cô gặp một số khó khăn trong việc kinh doanh do tuổi còn nhỏ và thiếu kinh nghiệm.

Martin chia sẻ: "Mọi người không coi trọng vị trí của tôi". Cô đã phải nhờ mẹ đóng vai trò trung gian trong việc hòa giải giữa Martin và các nhân viên.

Martin cho biết cô cũng đã vấp phải sự phản đối từ bên ngoài, chẳng hạn như là từ cố vấn kinh doanh và kế toán. Cô nghĩ rằng nhiều người có xu hướng coi thường người trẻ, dù đôi khi không phải cố ý. Họ thường so sánh với thời trẻ của họ.

Khoảng cách thế hệ ở nơi làm việc khiến Gen Z cảm thấy bị coi thường - 1

Emily Martin, thứ hai từ trái sang, mở một dịch vụ chăm sóc thú cưng từ khi mới 20 tuổi (Ảnh: The Sydney Morning Herald).

Là một lãnh đạo Gen Z, Martin cũng đã triển khai những mô hình làm việc mới, ví dụ như là mô hình làm việc kết hợp, giúp cho những nhân viên chủ yếu đã làm mẹ của cô có thể làm việc theo giờ linh hoạt ở nhà. Cô còn cho phép trẻ sơ sinh có thể tới nơi làm việc để những bà mẹ có thể tiện trông con.

Cô cho biết, làm việc với những người lớn tuổi cũng có một số lợi ích, khi họ chia sẻ các kỹ năng và phương pháp làm việc khác nhau giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian trong công việc.

Lực lượng lao động Australia đang ngày càng trở nên đa dạng. Dữ liệu do ABS công bố năm ngoái cho thấy tỷ lệ người lao động thuộc thế hệ Millennials đã tăng lên 21,5% trong tổng dân số, gần bằng số lượng người lao động đứng tuổi. Theo dự đoán của PwC, thế hệ Millennials sẽ chiếm 75% lực lượng lao động vào năm 2025. Gen Z, người nhiều nhất mới ngoài 20, cũng đã bắt đầu đi làm trong vài năm qua.

Khoảng cách thế hệ ở nơi làm việc khiến Gen Z cảm thấy bị coi thường - 2

Thế hệ trẻ phải đối mặt với một loạt thách thức khác và vì vậy họ đã viết lại các quy tắc làm việc sao cho phù hợp (Ảnh: The Sydney Morning Herald).

Cho tới nay, định kiến rằng Millennials và Gen Z "lười biếng" hay "lộng quyền" đã quá lỗi thời. Trước sự bùng nổ của đại dịch và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, kinh tế lại trên đà suy thoái, thế hệ trẻ phải đối mặt với một loạt thách thức khác và vì vậy họ đã viết lại các quy tắc làm việc sao cho phù hợp.

Claire Madden, một nhà nghiên cứu xã hội làm việc tại Sydney ở lĩnh vực nhân khẩu học và phát triển thế hệ, cho biết Gen Z tham gia lực lượng lao động vào thời điểm có sự thay đổi lớn về kinh tế và xã hội. Cô cho biết, thế hệ mới này có những kỳ vọng khác nhau về mục tiêu làm việc, bao gồm tính linh hoạt, ổn định và môi trường hợp tác chặt chẽ hơn. Quan điểm khác biệt này có thể gây áp lực lên những nhà tuyển dụng khi họ muốn thu hút nhiều nhân viên trẻ hơn.

Madden cũng cho rằng Millennials là một thế hệ "cầu nối" giữa Gen Z và các thế hệ cũ. Cô nói: "Nhờ chuyển đổi từ thời đại giấy tờ sang thời đại kỹ thuật số, thế hệ Millennials vừa có thể làm việc theo phương pháp truyền thống, vừa có thể thích nghi với những biến đổi mới".

Nhưng những điểm khác biệt này không thực sự là tiêu cực; trái lại còn có thể tận dụng và tạo ra môi trường làm việc năng động, hiệu quả hơn. Cô cho biết: "Những người thuộc thế hệ đi trước có vốn kiến thức sâu rộng và phong phú, trong khi Gen Z lại rất nhạy bén và nhanh nhẹn, cũng như là thu hút khách hàng hơn. Thế hệ này cũng đại diện cho một bộ phận người tiêu dùng lớn, vì vậy họ có thể cung cấp những thị hiếu của khách hàng dưới góc nhìn của họ để phát triển sản phẩm cho phù hợp.

Khoảng cách thế hệ ở nơi làm việc khiến Gen Z cảm thấy bị coi thường - 3

Lực lượng lao động ở Australia đang có sự thay đổi thế hệ (Ảnh: iStock).

Mô hình làm việc truyền thống "đi lên từ hai bàn tay trắng" cũng đã thay đổi. Madden nói: "Những người thuộc thế hệ trước hay cho rằng họ phải làm việc khổ cực thì mới đạt được vị trí mong muốn. Đó là một điều có thể hiểu được, nhưng xã hội thay đổi, và chúng ta cũng phải thay đổi phong cách lãnh đạo của mình".

Môi trường làm việc cần một người lãnh đạo, nhưng cũng cần nhiều sự hợp tác hơn, để có thể lắng nghe những tiếng nói khác nhau. Cô ấy nhấn mạnh cần phải xây dựng các mối quan hệ giữa các thế hệ bằng việc lắng nghe và học hỏi.

Liz Wilkes là nữ hộ sinh và là giám đốc điều hành cơ sở hộ sinh My Midwives lớn nhất ở Úc, tại Toowoomba, Queensland. Đội ngũ của cô gồm khoảng 40 nhân viên, người trẻ nhất là 24 tuổi, và già nhất là 69 tuổi. Cô cho biết sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống đã thay đổi đáng kể trong vài thập kỷ qua.

Cô cho biết: "Các nữ hộ sinh trẻ tuổi nhận thức sâu sắc hơn về tình trạng kiệt sức khi làm việc và họ biết cách ngăn chặn điều đó. Đây là điều mà các nhân viên lớn tuổi cần phải học hỏi".

Khoảng cách thế hệ ở nơi làm việc khiến Gen Z cảm thấy bị coi thường - 4

Liz Wilkes, nữ hộ sinh và giám đốc công ty hộ sinh My Midwives ở Toowoomba (Ảnh: Sydney Morning Herald).

Wilkes cho biết khác với những người làm việc từ chín giờ sáng tới năm giờ chiều, các nữ hộ sinh của cô ấy chỉ cần có mặt khi có phụ nữ mang thai. Cô ấy nói rằng việc các nhân viên hợp tác với nhau sẽ giúp đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo để quản lý thời gian làm việc, chẳng hạn như để những người có con nhỏ làm việc cùng những người không có con và lên lịch nghỉ cho mỗi tháng.

Cô ấy nói thêm sự đa dạng thế hệ trong môi trường làm việc cũng mang lại lợi ích cho khách hàng của cô. Cô cho biết: "Mọi người đều ở độ tuổi khác nhau và có những kinh nghiệm khác nhau, điều quan trọng là có thể hòa hợp và biết được những gì phù hợp với họ. Một số người thì chú trọng kinh nghiệm, một số khác lại chú trọng sự tươi mới và tràn đầy năng lượng.

Tuy nhiên, điều đó cũng đi kèm với những thách thức và Wilkes cũng phải điều chỉnh phong cách quản lý của mình sao cho phù hợp với các nhân viên ở độ tuổi khác nhau. Có những người muốn nhận được phản hồi trên giấy tờ, thông qua sự kiện và số liệu, còn những người trẻ lại muốn nhận được phản hồi thường xuyên, không chỉ về công việc mà còn về cảm xúc.

Wilkes cho biết thế hệ trẻ ngày càng tự tin hơn với những điều họ muốn, thay vì chấp nhận đánh đổi. Nữ hộ sinh trẻ nhất trong công ty cô cũng là nữ hộ sinh trẻ nhất ở Australia - 24 tuổi.

Cô nói: "Các nữ hộ sinh trước thậm chí còn không mong muốn đạt được điều đó khi họ ở tuổi 30. Tuy nhiên bây giờ, Gen Z không kỳ vọng vào một công việc lâu dài, họ muốn làm những thứ họ thích ngay lập tức".

Nural Seker, 43 tuổi, là huấn luyện viên và cố vấn giáo dục với hơn 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy ở Victoria. Cô làm việc với tất cả mọi người từ những sinh viên mới tốt nghiệp ở tuổi đầu 20 cho đến những nhân viên sắp nghỉ hưu.

Khoảng cách thế hệ ở nơi làm việc khiến Gen Z cảm thấy bị coi thường - 5

Nural Seker, huấn luyện viên và cố vấn giáo dục ở Melbourne (Ảnh: Sydney Morning Herald).

Cô nói rằng: "Không bao giờ có bất kỳ xích mích nào giữa các nhóm tuổi. Những người trẻ sẽ năng nổ hơn, và những người lớn tuổi sẽ bảo vệ họ".

Tuy nhiên, Seker quan sát thấy các giáo viên trẻ thường không được trang bị đầy đủ khi mới ra trường để xử lý những thách thức nhất định, chẳng hạn như đối mặt với các hành vi và tính cách khác biệt trong lớp học. Những giáo viên có kinh nghiệm hơn có thể vượt qua thử thách này, nhưng những người mới thì lại khác.

Seker đang thiết kế một khóa học giúp các giáo viên trẻ có thể trau dồi kỹ năng của mình. Cô cho biết: "Hiện tại rất nhiều giáo viên nói rằng họ không biết mình có thể làm việc trong bao lâu".

Emily Martin có lời khuyên nào dành cho những người trẻ thuộc thế hệ Gen Z như cô đang chống lại những định kiến dựa trên tuổi tác không?

"Thành công là khi bạn có niềm tin vào bản thân và kỹ năng quản lý mọi người. Bạn không cần phải chùn bước trước những người lớn tuổi", cô nói.

Theo www.smh.com.au

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm