Khi "team-work" trở thành "tao-work"

Mai Quỳnh Anh

(Dân trí) - Với các bạn trẻ ngày nay, thuật ngữ "team-work" và "tao-work" ngày càng trở nên phổ biến. Vì sao lại có "tao-work" và làm thế nào để hạn chế tình trạng này?

"Team-work" và "tao-work" là gì?

"Team-work" là các công việc chung của một tập thể, một nhóm người. Tuy nhiên, không ít trường hợp, công việc nhóm trở thành công việc của một vài cá nhân bởi sự thiếu trách nhiệm của các thành viên cũng như người trưởng nhóm không biết cách để phân chia công việc hợp lý.

Điều này khiến từ "tao-work" xuất hiện và thường được giới trẻ sử dụng, dùng để chỉ những người phải gồng gánh công việc chung.

Những người "gánh team" bất đắc dĩ

Khi team-work trở thành tao-work - 1
Bạn Nguyễn Hà Anh (19 tuổi), sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội (Ảnh: NVCC).

Hiển nhiên là không ai muốn trở thành người phải ôm đồm nhiều công việc, nhưng kết quả công việc và điểm số là của chung nên nhiều người chấp nhận làm nhiều hơn để đạt được kết quả như mong muốn.

Đó cũng là câu chuyện của bạn Nguyễn Hà Anh. Nữ sinh chia sẻ: "Mình đã gặp phải tình trạng này không ít lần. Phải kể đến lần mình làm bài tập nhóm môn tâm lý đại cương, từ khâu chọn đề cho đến khâu làm bài và cả sửa chữa, chỉn chu lại bài thì chỉ có mình và hai bạn nữa làm, trong khi đó nhóm có tận 8-11 người. Bọn mình đã gần như làm lại bài trong đêm để kịp cho ngày mai thuyết trình".

Hà Anh cho biết, khi phải làm quá nhiều công việc cùng lúc thì nữ sinh cảm thấy rất nản và mệt mỏi, nhưng vì điểm số cho bài thi quan trọng nên "đành chấp nhận".

Khi team-work trở thành tao-work - 2
Bạn Nguyễn Tú Ngọc, sinh viên trường Đại học Thương mại (Ảnh: NVCC).

Cũng chia sẻ về tình trạng công việc cả nhóm bị dồn hết cho một vài cá nhân, bạn Tú Ngọc cho biết: "Mình từng được làm trưởng nhóm và cũng đã trải qua tình trạng "tao-work". Vốn là người sống hướng nội và có phần nhút nhát, trách nhiệm của một trưởng nhóm là thử thách khá lớn với mình.

Mình đã từng rất khó để nhận biết và phân chia công việc cho phù hợp khả năng của từng người. Vì vậy, mình xử lý mọi thứ một mình vì không biết làm cách nào để thúc đẩy mọi người làm việc hiệu quả hơn".

Vì sao lại có "tao-work" và làm sao để hạn chế "tao-work"?

Hầu như ai cũng đã từng phải ôm đồm hết các công việc của tập thể, đặc biệt với những người có ý thức tự giác cao và năng lực tốt. Nguyên nhân của tình trạng công việc chung cả nhóm dồn hết cho một vài cá nhân thường xuất phát từ cả hai phía - từ người trưởng nhóm và từ các thành viên trong nhóm.

Khi team-work trở thành tao-work - 3
Bạn Vũ Khánh Linh, sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội (Ảnh: NVCC).

Là một người thường xuyên đảm nhận vai trò trưởng nhóm, bạn Vũ Khánh Linh cho biết: "Theo mình, "tao-work" xảy chủ yếu do khả năng yếu kém và ý thức của các thành viên.

Theo những gì mình trải nghiệm với tư cách là nhóm trưởng, thì dù nhóm trưởng có dẫn dắt, phân công rõ ràng và đốc thúc đến mấy mà các thành viên không có ý thức thì công việc cũng không thể diễn ra như mong muốn".

Bạn Hoàng Thị Thu Huyền cũng chia sẻ về những lý do gây ra tình trạng "tao-work": "Thứ nhất là do trình độ không cân xứng. Sẽ có một số thành viên có năng lực, trình độ cao hơn hẳn. Điều này gây ra sự chênh lệch và vô hình chung, những người có năng lực tốt sẽ làm nhiều việc hơn, thậm chí sửa chữa lỗi sai của những người còn lại.

Thứ hai là do người trưởng nhóm không biết cách phân công, sắp xếp công việc sao cho đúng sở trường của từng người. Bên cạnh đó, tinh thần làm việc của các thành viên cũng vô cùng quan trọng".

Khi team-work trở thành tao-work - 4
Bạn Hoàng Thị Khánh Huyền, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Ảnh: NVCC).

Thực chất, việc để công việc cả nhóm dồn cho một vài cá nhân thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp và thiếu ăn nhập giữa các thành viên, dẫn đến hiệu quả làm việc của cả nhóm không cao. Để khắc phục tình trạng này, Thu Huyền đã chia sẻ giải pháp như sau:

"Mình đã tham gia một khóa học và được chỉ dạy các mẹo để làm việc nhóm hiệu quả. Thứ nhất là về thời gian, chúng ta cần có một thời gian biểu cụ thể và đặt hạn cho các công việc. Không thể giao việc một cách mơ hồ, chung chung mà cần có một hạn nhất định để theo dõi tiến độ công việc.

Trách nhiệm của trưởng nhóm cũng rất quan trọng. Họ có thể không phải người giỏi nhất nhưng phải là người biết nhìn nhận, kết nối các thành viên và phân chia công việc phù hợp với thế mạnh từng người. Nhóm trưởng cũng phải là người liên kết các thành viên để làm việc cùng nhau sao cho ăn ý.

Tiếp theo, cần đo lường được chất lượng và hiệu quả của công việc. Điều này không chỉ được đo lường qua năng suất làm việc mà còn qua các con số thể hiện hiệu quả công việc. Cuối cùng, mọi thành viên đều nên thể hiện sự đầu tư, tự nguyện của mình với công việc chung".