Khi sếp giao việc, có 1000 lý do để nói "vâng" và không có lý do để từ chối

Lê Anh Thư

(Dân trí) - Không ít bạn trẻ băn khoăn có nên từ chối khi sếp giao thêm việc ngoài "phận sự" của mình hay không. Bởi vì họ cho rằng sếp đang "bóc lột" sức lao động của mình.

Gần đây, nhiều người chia sẻ cho nhau bài viết "Khi sếp giao việc, có 1000 lý do để nói "vâng" và không có lý do để nói "không" của anh Trần Hùng Thiện. Bài viết nhận về nhiều sự quan tâm của cư dân mạng, đặc biệt là giới trẻ.

Hãy mừng khi mình có thứ để sếp "bóc lột"

Anh Trần Hùng Thiện, giám đốc điều hành và sáng lập một công ty nghiên cứu thị trường, đã chia sẻ về quan điểm "Không biết thì hãy làm cho biết" trên trang cá nhân Facebook của anh. Nguyên văn bài viết như sau:

"Get your hand dirty (khiến bạn bận rộn - PV).

Khi giao việc gì cho ai đó, mình và (có lẽ) rất nhiều sếp khác có hơn một lý do để giao nhiệm vụ cho bạn đó: Bạn làm giỏi làm nhanh / bạn đang rảnh / bạn phù hợp với nhiệm vụ đó / bạn chẳng biết gì về việc đó cả nhưng làm xong lần này bạn sẽ lên tay / giao cho bạn chắc chắn là banh rồi nhưng như thế cho bạn sáng mắt ra.

Nên là khi sếp giao việc, có tới 1.000 lý do để nói "Vâng" và không có một lý do nào để nói "Không" cả đâu. Ngoại trừ lý do là "Công ty này định bóc lột em à".

Em mà giỏi thì công ty nào dám bóc lột em. Họ đối xử em như vàng như bạc nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa. Họ sợ em bỏ đi như gì ấy.

Em chưa giỏi thì họ bóc lột em chắc họ sướng lắm à. Bóc với chả lột. Em có thấy công ty nào có sứ mệnh là "bào tất cả các loại nhân viên" chưa?

Nên khi sếp giao, có rất nhiều khả năng sếp muốn em "get your hand dirty" (khiến bạn bận rộn - PV).

Em không xắn tay vào làm, em có nghe trăm ngàn lần thì cũng chỉ đến trăm ngàn lần nghe thôi, không bao giờ biết được đằng sau nó có những chiến thuật gì để mà làm tốt việc đó cả.

Không tin, em lên Youtube tìm kiếm công thức một món ăn, rồi nấu xem nó ra cái gì ở lần nấu đầu tiên. Nhưng lần nấu thứ 2, không cần Youtube em nấu ngon hơn hẳn.

Công việc công ty cũng vậy. Chỉ có xắn tay vào làm thì lần sau em mới lên chuột được, em mới nói được, rồi sau đó em mới điều khiển được nhân viên của mình.

"Em không biết" là câu nên tránh khi sếp giao việc. Không biết thì làm cho biết.

Vì em không biết thì có đứa khác nó biết, nó làm thế chỗ em, nó leo lên làm sếp em sau này. Lúc đó em lại đi khóc bảo thằng kia nịnh sếp hơn em.

Em không biết, thì làm cho biết."

Chia sẻ với PV Dân trí, anh Thiện cho rằng đa số các công ty khó có khả năng "bóc lột" nhân viên của mình. "Người giỏi thì sếp sẽ muốn giữ bằng mọi cách, tăng lương hoặc thăng chức. Còn người chưa giỏi có gì để sếp "lợi dụng"?

Khi sếp giao việc, có 1000 lý do để nói vâng và không có lý do để từ chối - 1
Anh Trần Hùng Thiện cho rằng các công ty khó có thể "bóc lột" nhân viên của mình (Ảnh: NVCC).

Khi còn là nhân viên, đôi lúc anh cảm thấy cấp trên giao quá nhiều việc cho mình. Thế nhưng khi hoàn thành tốt, bên cạnh được tăng lương thưởng anh còn tích lũy thêm kha khá kinh nghiệm. Cho tới hiện tại, anh cảm thấy sếp giao thêm việc cho nhân viên hoàn toàn có lợi cho cả đôi bên", anh Thiện chia sẻ.

Làm việc là cơ hội để người mới được sai và sửa sai

Đồng tình với quan điểm của anh Thiện, Bạn Nguyễn Thị Lan (23 tuổi, Hưng Yên) hiện đang làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu chia sẻ: "Lúc mới vào làm, mình làm việc ở vị trí bán hàng xuất khẩu. Sếp gần như chỉ giao mình những việc rất đơn giản, làm mình cảm thấy bản thân khá là… vô dụng. Về sau, khi được chuyển sang vị trí khác phù hợp hơn, sếp bắt đầu giao cho mình nhiều đầu việc cùng một lúc.

Lan cho biết, đó đều là những công việc lần đầu cô được tiếp xúc. "Hầu hết khi sếp giao việc thì đều đã sát deadline (hạn chót - PV), buộc mình phải biết sắp xếp và quản lý thời gian. Ban đầu có quá tải thật, nhưng mình chấp nhận.

Sếp biết là mình còn thiếu kinh nghiệm nhưng vẫn giao việc và giúp đỡ mỗi khi gặp khó khăn. Mình rất biết ơn sếp vì đã cho những "newbie" (người mới -PV) như mình cơ hội được sai và sửa sai", cô gái trẻ tâm sự.

Khi sếp giao việc, có 1000 lý do để nói vâng và không có lý do để từ chối - 2
Lan cảm thấy biết ơn khi được sếp tạo cơ hội cho cô học hỏi và phát triển (Ảnh: NVCC).

Với Lan, được làm, được va vấp để có kinh nghiệm chính là tăng giá trị cho bản thân mình. Vì vậy, cô nghĩ rằng lao động trẻ được làm càng nhiều việc càng tốt.

Anh Thiện cũng cho biết thêm, những ý kiến đồng tình với quan điểm của anh đều đến từ những người đã trưởng thành và ổn định.

Anh nói: "Người trẻ nên nhận ra điều này càng sớm càng tốt. Bởi nhân sự trẻ thường không có nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ. Thế mạnh của người trẻ chính là sự ham học hỏi, vì vậy các bạn trẻ đừng than vãn, đừng ngại khó trong công việc".

Giao tiếp là chìa khóa của vấn đề

Quốc Khánh (30 tuổi, Hà Nội) hiện đang làm công việc tự do. Khánh cho biết, trước đây không ít lần sếp cũ giao thêm việc ngoài chuyên môn cho anh. Anh kể: "Lúc đó anh đang làm xây dựng nội dung cho một công ty chuyên về thiết bị di động. Thỉnh thoảng có "kiêm" thêm mảng chỉnh sửa video, thiết kế… Mặc dù không được tăng lương nhưng anh vẫn nhận".

Anh Khánh cho rằng, quan điểm nên làm thêm những công việc không liên quan tới chuyên môn cũng có phần đúng. Bởi nhờ chăm chỉ làm thêm những công việc khác sếp giao, anh tích lũy được thêm khá nhiều kinh nghiệm.

Nhưng theo anh Khánh, việc sếp "bóc lột" là có. "Ngoài việc không tăng lương, sếp thậm chí còn điều anh vào đội thiết kế giúp… người yêu sếp. Anh đã quyết định nghỉ việc ngay sau đó vì cảm thấy đang bị lợi dụng", anh tâm sự.

Khi sếp giao việc, có 1000 lý do để nói vâng và không có lý do để từ chối - 3
Anh Khánh quyết định nghỉ việc vì cảm thấy bị lợi dụng (Ảnh: NVCC).

Theo anh Thiện, giao tiếp chính là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề. "Đôi khi chính sếp cũng không nghĩ rằng bản thân mình đang "bóc lột" nhân viên. Như đã đề cập trong bài viết, sếp giao thêm việc vì cảm thấy bạn phù hợp hoặc muốn bạn "lên chuột", anh nói.

Anh cũng gửi lời tới các bạn trẻ đã, đang và sẽ đi làm: "Việc ta cần làm chính là tự hỏi bản thân đã nhận được gì sau khi làm thêm việc sếp giao. Đó là những kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng không thể dùng tiền mua được. Hãy thẳng thắn trao đổi với sếp của mình về những hạng mục mình đang phụ trách và bày tỏ mong muốn, nguyện vọng của mình trong công việc".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm