"Tôi vã mồ hôi, lắp bắp khi đi xin việc"
(Dân trí) - "Vì là người nhút nhát nên khi đi phỏng vấn xin việc, tôi hoảng loạn và không thể thể hiện bản thân theo cách mình muốn", một cô gái chia sẻ.
Một cô gái giấu tên chia sẻ: "Ngành làm việc của tôi không bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và đang tuyển dụng. Vì vậy tôi đã tìm được một vài vị trí công việc phù hợp.
Vấn đề là tôi rất lo lắng khi phải tham gia các cuộc phỏng vấn. Tôi là một người cực kỳ nhút nhát nên các cuộc phỏng vấn thực sự là nơi mà sự nhút nhát của tôi bộc lộ vấn đề.
Trước đây, tôi đã tham gia một vài cuộc phỏng vấn và sự nhút nhát đã khiến tôi làm hỏng nó. Tôi không thể thể hiện bản thân theo cách mình muốn, lòng bàn tay tôi đổ mồ hôi, tôi nói lắp bắp, đó thực sự là một cơn ác mộng hoàn toàn. Tôi nên làm gì?".
Cate Sevilla, nhà văn, tác giả, biên tập viên của trang web The Pool, người cũng từng làm việc tại các công ty áp lực cao như Google đã chia sẻ về vấn đề này.
Cate Sevilla nói: "Xin chúc mừng vì công việc của bạn không bị ảnh hưởng bởi đại dịch và bạn có thể tìm kiếm các vai trò mới.
Đối với vấn đề nhút nhát của bạn. Tôi nghĩ rằng nhút nhát và hướng nội không phải là điều tiêu cực. Sự lo lắng và hồi hộp trong các cuộc phỏng vấn mới là vấn đề chứ không phải tính cách của bạn. Không phải là một người bạo dạn hay hướng ngoại cũng không sao. Công ty cần tất cả các loại tính cách, bao gồm cả nhút nhát.
Khi nói đến các cuộc phỏng vấn, tôi sẽ bắt đầu khám phá điều cốt lõi khiến bạn lo lắng. Phải chăng bạn sợ nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn điều gì đó mà bạn không biết hoặc cố gắng đánh lừa bạn?
Đây là điều bạn có thể tự giải quyết bằng cách viết nhật ký hoặc nói chuyện với bạn bè, nhà trị liệu hoặc huấn luyện viên nghề nghiệp.
Lời khuyên của tôi là hãy cố gắng sắp xếp lại cách bạn nghĩ về một cuộc phỏng vấn xin việc. Nếu bạn bước vào một cuộc phỏng vấn với cảm giác rằng bạn nhỏ bé còn họ thì to lớn và trọng tâm chính của bạn là cố gắng hết sức thuyết phục họ về sự xuất sắc của mình, điều đó sẽ khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy cực kỳ lo lắng, bồn chồn và chịu nhiều áp lực.
Thay vì tiếp cận một cuộc phỏng vấn giống như bạn là một thí sinh đang tham gia cuộc thi The Voice, bạn phải nhớ rằng các cuộc phỏng vấn là tương tác hai chiều.
Nếu như nhà tuyển dụng đang cố gắng đánh giá xem bạn có phù hợp với vai trò hay không thì bạn cũng nên cố gắng xác định xem công ty này, người quản lý tuyển dụng và bản thân vai trò đó có phù hợp với bạn hay không. Bạn cũng có thể đặt câu hỏi với họ.
Bạn cũng sẽ cần tìm ra điều gì là quan trọng nhất đối với mình khi làm trong công ty. Ví dụ, có phải bạn theo đuổi việc tăng lương không? Hay đó là sự thăng tiến và phát triển nghề nghiệp, hoặc đạt được những kỹ năng nhất định?
Tham gia các cuộc phỏng vấn nên là cuộc trò chuyện hai chiều chứ không phải chất vấn. Bạn có thể hỏi về công việc, cách làm việc hay cách tiếp cận của công ty đến sức khỏe tâm thần của người lao động.
Nếu người quản lý tuyển dụng hoặc người phỏng vấn bạn tỏ ra mệt mỏi, mơ hồ hoặc thậm chí phòng thủ khi trả lời những câu hỏi cụ thể này, thì đây cũng là điều cần lưu ý.
Hiểu được điều gì khiến bạn căng thẳng và lo lắng xung quanh các cuộc phỏng vấn; Biết những gì bạn muốn từ công ty, nhà tuyển dụng và tiếp cận các cuộc phỏng vấn như những cuộc trò chuyện hai chiều sẽ có ích hơn đối với bạn. Chúc bạn may mắn".