Hoa khôi Bách Khoa Hà Nội được ví như "hoa của đá"
(Dân trí) - Rạng rỡ trong bộ trang phục của thiếu nữ vùng thảo nguyên Mông Cổ, Minh Tâm như một tia nắng nhỏ giữa đất trời Sa Pa.
"Đóa hoa" trong môi trường kỹ thuật
Trở thành hoa khôi của một ngôi trường có đến 90% là con trai đã khiến Minh Tâm được ví như là "hoa của đá".
Chia sẻ về lý do đăng ký vào ngành kỹ thuật, Minh Tâm tiết lộ cô đam mê khối ngành kỹ thuật.
"Hơn nữa, khi sống và học tập trong môi trường nhiều nam nhi thì con gái bọn mình cũng được quan tâm và giúp đỡ nhiều hơn. Điều mà mình rất tâm đắc và ấn tượng là các bạn nam ở Bách Khoa rất hiền và ga-lăng", Minh Tâm cho biết.
Nằm trong số ít sinh viên nữ học khối kỹ thuật, Minh Tâm chia sẻ rằng cô không có bí quyết cụ thể nào, mà chỉ luôn cố gắng tập trung hết sức trong giờ học, ghi nhớ các công thức tính toán theo ý hiểu của bản thân và từ đó có thể ứng dụng giải các bài tập một cách logic, chính xác.
Minh Tâm chia sẻ: "Khi còn học cấp 3, kiến thức và phương pháp học chỉ đơn thuần yêu cầu nhanh và chính xác chứ không đi sâu vào phân tích tìm hiểu nhiều khía cạnh của vấn đề như bậc đại học, nên ban đầu mình khá bỡ ngỡ.
Tuy nhiên, đứng trước những thách thức đó, mình không hề nao núng mà còn lấy đó làm động lực để phấn đấu nhiều hơn. Mình dành ít nhất 4-6 tiếng để tự học, đồng thời sẽ cùng nhóm bạn thân thường xuyên trao đổi mỗi khi gặp vấn đề khó trong học tập, cùng giúp đỡ nhau học tập tiến bộ".
"Rời xa vòng tay của bố mẹ để tự lập trong môi trường đại học, sinh viên phải vượt qua những cám dỗ và có tinh thần học tập nghiêm túc, hãy tích lũy cho mình những kinh nghiệm sống cũng như chuẩn bị cho mình một tâm lý vững vàng. Các bạn luôn phải tự đặt mục tiêu cho bản thân và hãy nỗ lực vì mục tiêu đó", Minh Tâm khẳng định.
Hoa khôi Bách Khoa còn cho rằng, trong quá trình học tập, mỗi sinh viên nên tự tìm hiểu thêm về lĩnh vực mà bản thân đang theo đuổi, vì để đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng thì chỉ học ở trường là chưa đủ.
Ở trường, các thầy cô chủ yếu cung cấp kiến thức nền, và để phát triển những kiến thức đó, rồi áp dụng vào công việc thực tế thì còn phụ thuộc vào bản thân của mỗi người.
Do đó, việc luôn thu thập thêm kiến thức chuyên ngành từ các nguồn học liệu khác nhau như internet, sách báo, tạp chí cũng như việc trau dồi các kỹ năng mềm như ngoại ngữ, làm việc nhóm, thuyết trình,… là vô cùng cần thiết.
"Khi đứng trước những sự lựa chọn như nghề nghiệp tương lai, có thể bạn sẽ lo lắng rất nhiều nhưng nguyên tắc là hãy tìm hiểu, chọn ngành trước rồi chọn trường. Kỹ thuật Sinh học là một ngành khá mới nhưng nhiều tiềm năng và cơ hội việc làm", Minh Tâm bộc bạch.
Minh Tâm thừa nhận: "Con gái Bách Khoa cá tính, mỗi người một nét tính cách riêng, nhiều bạn nữ mà mạnh mẽ, can đảm hơn cả bạn nam. Mình tự nhận thấy bản thân là một người với tính cách ít mềm mại và khá độc lập".
Cô vừa nhận lời làm người mẫu ảnh, quảng cáo, vừa đi dạy thêm, làm thu ngân, pha chế... Minh Tâm cho biết các công việc đó cũng giúp cô giao tiếp tốt hơn, tự tin hơn, hoạt ngôn hơn, giúp cô biết cách sắp xếp thời gian khi phải cân bằng giữa việc học và làm. Và không thể không nhắc tới việc chúng cũng mang lại cho cô nguồn thu nhập kha khá để trang trải cho cuộc sống xa nhà.
"Tuổi trẻ là đi để khám phá những cảnh quan tuyệt sắc trên mảnh đất hình chữ S"
So với thế hệ của bố mẹ - những người trẻ thế hệ Gen Z mang cho mình khát khao lên đường mãnh liệt hơn, họ đam mê trải nghiệm những điều mới mẻ, vẫy vùng với cuộc đời rộng lớn ngoài kia.
Có lẽ vì vậy, thói quen du lịch của Minh Tâm cũng thay đổi: "Mình không đắm mình trong những thành phố xa hoa rộng lớn mà đôi khi cũng thích một chút phiêu lưu trên những cung đường. Mình cũng không tằn tiện như thế hệ đi trước, biết chi tiêu hợp lý khi đi du lịch và hưởng thụ những dịch vụ tốt nhất".
"Du lịch không chỉ là gói gọn trong những địa điểm quen thuộc, chúng mình đã biết đi xa hơn, nhìn sâu hơn và cảm nhận mọi thứ bằng tất cả giác quan trên mỗi hành trình.
Thông qua những nơi mà mình đi qua, hay từng khoảnh khắc ấn tượng chia sẻ trên trang cá nhân, mình sẽ tự thấy được phần nào toàn cảnh bức tranh du lịch của chính bản thân để từ đó biết được cần phải làm gì nếu muốn đưa hình ảnh du lịch Việt tới với nhiều bạn trẻ trên toàn thế giới hơn", nữ sinh Bách Khoa bộc bạch.
Cô nàng còn khẳng định rằng: "Người ta vẫn nói, trải nghiệm du lịch đâu chỉ là đếm nơi đã đi qua rồi đem so sánh ai nhiều hay ít? Nhưng đi được nhiều nơi khiến ta mở mang được tầm nhìn của bản thân, càng đi xa lại càng hiểu hơn về bản thân, nhận ra những giá trị trong chính cuộc sống mà mình đang có".