Bài tham dự diễn đàn “Tình và nghĩa trong cuộc sống hiện đại”:

Giới trẻ đang bị “robonoid” hóa?

(Dân trí) - Khi cuộc sống đã bộn bề những toan tính, khi cuộc sống luôn tất bận với cơm áo gạo tiền, những lo toan thường nhật… ai đó vô tình để quên bên kia đường một gia đình khốn khổ với đàn con nheo nhóc chạy ăn từng bữa, hay một đứa con quên đến thăm cha mẹ già với những nỗi cô đơn không biết chia sẻ cùng ai, người bạn thân bị lãng quên vì chỉ đơn giản không có dịp gặp lại nhau…

Trong thế giới của kỷ nguyên công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng, những giá trị căn bản xuất phát từ những mối giao tiếp xã hội trực tiếp hình như đã không còn là chuẩn mực. Ngày lễ tết, ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm… chỉ cần một cuộc điện thoại, một món quà giao hàng tận nhà là đã đủ lễ trọn tình. Nhất là khi giới trẻ hầu như chỉ sống với mail, chat, blog và điện thoại di động thì những buổi họp mặt, những lời chúc và thăm hỏi thông thường đã được thay thế bằng những dòng chữ vô cảm với những nụ cười cùng những khuôn mặt cảm xúc máy móc vô hồn.

 

Mới đây, khi đọc một bài báo về tình trạng “robonoid” (*) trong giới trẻ, chợt giật mình, phải chăng mình cũng đang trở thành một trong số những người trẻ đó?

 

Hàng ngày, bước vào công ty làm việc là lên mạng, bật Yahoo, là vẫn thường nhận rất nhiều message (tin nhắn) như “Bạn A… đang bị bệnh… cần sự chia sẻ, giúp đỡ của các bạn, hãy gửi tin nhắn này cho mọi người bạn quen biết, mỗi tin nhắn sẽ được Yahoo (hoặc ISP nào đó) trả 500đ…”. Đôi lúc tin nhắn dạng này sẽ bị xóa ngay hoặc sẽ gây bực mình cho người đọc tin nhắn.

 

Không bàn đến tính xác thực của nội dung (vì có Yahoo hay ISP nào quyên góp từ thiện như vậy đâu), nhưng có lẽ những người đồng ý chung tay vào việc lan truyền tin nhắn dạng này đều có cùng một suy nghĩ rất thiện tâm: Góp thêm chút sức để giúp bạn ấy!

 

Vậy đó, ngoài lớp vỏ vô tâm và những suy nghĩ rất mộc mạc đơn giản đó là một thứ tình cảm đáng trân trọng.

 

Bài tham gia diễn đàn "Nghĩ về Tình và Nghĩa trong đời sống hiện đại", xin gởi về địa chỉ: Cô Tô Quý Lộc, Công ty VinaGame, 459B Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TPHCM.

 

- Thư điện tử: Ghi rõ tiêu đề Bài tham gia diễn đàn "Nghĩ về Tình và Nghĩa trong đời sống hiện đại" gởi về địa chỉ email: loctq@vinagame.com.vn

Cách đây hơn một tháng, câu chuyện về một cô bé mang nick “Tranyeu” trong một game online nổi tiếng nhất hiện nay đã làm “dậy sóng” cộng đồng game thủ Việt Nam trước một câu chuyện cảm động. Một cô gái trẻ tuổi với những nghị lực phi thường đang từng giờ, từng phút chống chọi lại căn bệnh nan y hiểm nghèo, dù sự sống chỉ còn được tính từng ngày nhưng vẫn không ngừng lạc quan về cuộc sống đã tạo một sự cảm thông và chia sẻ rộng khắp trong làng game Việt.

 

Và cũng chính những con người trẻ tuổi ấy là thành phần nhiệt tình nhất khi kêu gọi nhau ký tên vào bản đăng ký ủng hộ cho các nạn nhân chất độc màu da cam trong cuộc chiến tranh Việt Nam cách đây hơn 30 năm. Họ ủng hộ cho những con người đang bị “cố tình” quên lãng, những người mà có thể họ cũng chỉ nghe nói đến khi lên web và đăng ký vào danh sách ủng hộ. Đấy phải chăng là biểu hiện của sự nhiệt tình và lòng hướng thiện của giới trẻ mà bình thời, xã hội đang giảm dần sự quan tâm?

 

Đánh giá một cách công bằng, “thế hệ Internet” vẫn luôn mang trong mình những tình cảm, tấm lòng thiện nguyện tiềm ẩn, một tâm hồn mạnh khỏe để sẵn sàng chia sẻ và cảm thông. Có chăng là những thiện tính đó chưa được nhìn nhận và khơi dậy mà thôi.

 

Không thể chỉ đòi hỏi nơi những con người trẻ một sự đóng góp vô điều kiện, mà còn đòi hỏi một sự nhìn nhận đúng mực, công tác giáo dục, hỗ trợ, định hướng tích cực của xã hội đối với họ. Bởi, nếu như tất cả những đóng góp và nhiệt tình ấy không được nhìn nhận và phát huy từ phía cộng đồng xã hội, biết đâu nó lại mai một dần, và một thế hệ mới, với một tâm hồn “robot” sẽ là vấn nạn về giáo dục tư tưởng cho thế hệ trẻ được mệnh danh là “8x”, “9x”...

 

Những câu chuyện thương tâm về sự biến chất của giới trẻ đang sống ở những xã hội văn minh tiến tiến bậc nhất: những tên sát-nhân-học-trò điên loạn tại Mỹ, tình trạng trầm cảm và tự sát gia tăng đột biến tại Nhật Bản, xu hướng “sống thử”, phủ nhận những giá trị đạo đức lành mạnh trong mối quan hệ đôi lứa đang ngày càng phổ biến sâu rộng tại Trung Quốc… sẽ là những bài học mà xã hội chúng ta luôn cần quan tâm và cảnh giác.

 

Trần Anh

 

(* Robonoid: Tạm cắt nghĩa là những người có tính cách như rôbốt, vô cảm, đơn điệu).