Giải mã bí mật đằng sau sở thích "có âm thanh cho vui tai"

Nhật Khoa

(Dân trí) - Có phải đôi lúc bạn cảm thấy khó chịu vì không gian bao quanh quá lặng thinh không? Bật cho mình một bài nhạc hay đến một nơi nhộn nhịp và làm việc sẽ khiến bạn dễ chịu hơn?

Ngày nay, việc một bạn trẻ ngồi chạy deadline, với chiếc ipad, điện thoại kế bên phát một bài nhạc, hay đôi khi cả một bộ phim, một show truyền hình cũ đã không còn quá xa lạ.

Thực ra việc đắm chìm làm việc trong một không gian nhiều tiếng ồn đan xen lẫn nhau không có gì sai cả, nhưng cảm giác "cần âm thanh cho vui tai" luôn đeo bám bạn mọi lúc mọi nơi, chắc chắn cần được lý giải.

Giải mã bí mật đằng sau sở thích có âm thanh cho vui tai - 1

Nhiều người thích nghe nhạc khi làm việc (Ảnh minh họa: Unsplash).

Bà Jenna Carl, nhà tâm lý học đồng thời là nhà điều hành tại Big Health, một tổ chức tâm lý trị liệu số, chia sẻ với Huffpost rằng sở dĩ tiếng ồn "cho có âm thanh" hấp dẫn với nhiều người bởi nó giúp tâm lý người nghe né khỏi những cảm xúc tiêu cực, lo lắng xa xăm và những ý nghĩ không đáng có.

Theo Huffpost, bà Julia Karlstedt, nhà tư vấn tâm lý, chuyên giải quyết lo âu,  cũng tin rằng chúng ta thi thoảng sử dụng tiếng ồn như một cách đối phó với tiêu cực bằng cách đẩy chỉ số tập trung lên đỉnh điểm và nhờ mức tập trung "hết ga" này, chúng ta sẽ làm việc một cách thoải mái và tập trung hơn.

Tuy vậy, sự né tránh, dồn nén cảm xúc lâu dài, theo bà Carl, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý con người. Vì thế, Carl chia sẻ rằng chúng ta nên có một khoảng thời gian nhất định, gạt ngang công việc để chìm đắm trong sự thinh lặng và thật sự lắng nghe trái tim trải lòng.

Mặt khác, ở một nghiên cứu của Ravi Mehta, giáo sư ngành Quản Trị Kinh Doanh của trường University of Illinois, được đăng trên The Journal of Consumer Research tập trung vào khảo sát cách tiếng ồn xung quanh bổ trợ cho sự sáng tạo trong công việc và học tập.

Nhóm người tham gia được giao nhiệm vụ đề xuất ý tưởng mới trong môi trường tiếng ồn thay đổi lần lượt tăng dần theo đề-xi-ben.

Kết quả khảo sát chỉ ra ở mức 70 đề-xi-ben, tương đương với tiếng người nói chuyện, làm việc trong quán cà phê, hay là tiếng TV mở trong phòng khách, chỉ số sáng tạo của chúng ta sẽ được cải thiện đáng kể so với mức 50 đề-xi-ben.

Tuy nhiên, nếu âm lượng tăng lên 85 đề-xi-ben, tương đương với tiếng ồn giao thông trên những tuyến đường chính, khả năng sáng tạo, nảy sinh ra ý tưởng độc đáo sẽ biến mất hoàn toàn.

Giải mã bí mật đằng sau sở thích có âm thanh cho vui tai - 2

Quán cà phê dần không chỉ là nơi tán gẫu, mà là nơi những âm thanh rộn rã, kích thích tinh thần chạy deadline mạnh hơn bao giờ hết (Ảnh minh họa: Unsplash).

Tiếng ồn xung quanh, với biệt danh "con dao hai lưỡi", có thể gây mất tập trung, cũng có thể tăng tính sáng tạo. Sự khác biệt sẽ nằm ở loại tiếng ồn mà bạn tiếp xúc. Theo giáo sư Parvin Nassiri, đến từ trường Tehran University of Medical Sciences, tiếng ồn "gián đoạn" có thể gây nhiều tác hại hơn tiếng ồn liên tiếp.

Tiếng ồn "gián đoạn" được định nghĩa là tiếng ồn phát ra đột ngột, đến và đi rất nhanh, ồn ào và lặng thinh tiếp nối nhau, với đề-xi-ben tăng giảm rất bất thường, và luôn bị ngắt quãng lên xuống. Trong khi đó, tiếng ồn liên tiếp, đúng với cái tên của nó, duy trì được lượng âm thanh trong một khoảng thời gian nhất định.

Vì thế, việc ở quán cà phê, các âm thanh từ tiếng phục vụ nhận order, tiếng tám chuyện của khách, tiếng xay của máy pha cà phê..., tuy khác nhau, nhưng phát ra cùng một lúc và nối đuôi nhau không ngừng nghỉ, lại hòa quyện tạo cho đôi tai của chúng ta cảm giác "tất cả là một".

Điều này dẫn tới ít xao nhãng và dễ hình thành nên tác động tích cực của tiếng ồn trong những quán cà phê đẹp mắt.