GenZ nói thật: "Chữ hiếu" ở thời hiện đại thế nào mới phù hợp?

Mai Linh

(Dân trí) - "Ranh giới giữa hai thế hệ GenZ là điều cản trở giao tiếp giữa cha mẹ và con cái nhưng chúng ta phải học cách để hài hòa. Trẻ con mỗi đứa một tính, làm cha mẹ nên yêu thương, thấu hiểu con".

Không thể phủ nhận rằng, truyền thống đạo hiếu vẫn luôn tồn tại cùng thời gian. Tuy nhiên, với sự phát triển của thời đại, quan điểm sống Á - Âu lẫn lộn đã thay đổi cái nhìn của một bộ phận giới trẻ.

Theo lời một số bạn trẻ GenZ (thế hệ ra đời trong những năm 1997-2012), việc "báo hiếu" nên phù hợp với hoàn cảnh cá nhân và gia đình, nếu không thể gánh vác, con cái có đưa bố mẹ thể tới viện dưỡng lão.

"Chữ hiếu" ở thời hiện đại thế nào mới phù hợp?

Phụ huynh Lê Hằng Nga, sinh năm 1971, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội không đặt nặng việc con cái phải "trả ơn" theo vật chất mà chỉ cần chúng tự lập, tự đứng trên đôi chân của mình, dành thời gian rảnh thăm hỏi cha mẹ là đủ.

GenZ nói thật:  Chữ hiếu ở thời hiện đại thế nào mới phù hợp? - 1

Một số GenZ cảm thấy áp lực lớn từ chữ hiếu (Ảnh: Washington Post).

Phụ huynh Phạm Thanh Hà sinh năm 1972, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng: "Báo hiếu là chuyện cả đời, không cần phải tới khi cha mẹ già mới báo hiếu. Báo hiếu chỉ cần những hành động nhỏ để cha mẹ yên tâm, không phiền muộn.

Các bạn trẻ dù sau này có giàu có đến mấy cũng không bằng bây giờ ngoan ngoãn vâng lời. Sau này cha mẹ già cả thì chăm sóc, yêu thương. Báo hiếu như vậy tốt hơn gấp vạn lần việc chỉ đưa tiền cho cha mẹ rồi mặc cha mẹ làm gì thì làm".

Về việc ngày nay, một số bậc làm cha mẹ đang hiểu sai về từ "trả ơn", áp đặt con cái phải làm theo ý mình, thậm chí là coi con cái như "sổ bảo hiểm về già" để rồi vô tình làm tổn thương con về mặt tinh thần, phụ huynh Thanh Hà giãi bày: "Bản thân tôi ngày trước cũng đã thể hiện sự yêu thương theo những cách quá khắt khe nên đã khiến cho con gái tôi hiểu nhầm rằng cha mẹ chỉ đang áp đặt con phải làm theo suy nghĩ của cha mẹ.

Đúng là ranh giới giữa hai thế hệ là điều cản trở giao tiếp giữa cha mẹ và con cái, nhưng chúng ta phải học cách để hài hòa. Trẻ con mỗi đứa một tính, làm bậc cha mẹ nên biết cách yêu thương, thấu hiểu và trò chuyện cùng con. Con cái vẫn sẽ được làm những điều mình thích, tất nhiên là dưới sự chỉ dẫn của cha mẹ".

Lại Ngọc Trâm - cô con gái GenZ của phụ huynh Phạm Thanh Hà đồng tình với quan điểm của mẹ. Đối với Trâm, có lẽ việc áp đặt con cái là không nên. Vì nó không chỉ làm cho con cảm thấy nặng nề, hiểu nhầm cha mẹ, mà còn dẫn đến việc gia đình sẽ thường xuyên bất hòa, xảy ra "chiến tranh lạnh".

Trâm cho rằng, mặc dù cha mẹ chỉ muốn tốt cho con nhưng cách bày tỏ nên được điều chỉnh lại sao cho phù hợp với nguyện vọng của con cái. Cha mẹ cùng con tâm sự, lắng nghe và thấu hiểu những mong muốn của nhau thì có lẽ con cái cũng sẽ hiểu được trách nhiệm của mình đối với cha mẹ là gì.

Viện dưỡng lão có phải một cách chối bỏ trách nhiệm?

Về việc một số GenZ cho rằng, nên gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão khi về già, phụ huynh Phạm Thanh Hà nêu quan điểm: "Cha mẹ là người nuôi nấng con từ nhỏ, khi con ốm đau bệnh tật, dù cho có bận công việc đến mấy, cha mẹ cũng sẽ bỏ ở đó mà đến chăm sóc con. Đến khi cha mẹ già cả, con cái phải có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ. Đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão giống như một cách chối bỏ trách nhiệm. Viện dưỡng lão hiện nay dù có rất nhiều dịch vụ chăm sóc tốt, nhưng vẫn không thể bằng việc con cháu tự mình chăm sóc cha mẹ".

"Việc các bạn trẻ hiện nay có những công việc bận rộn nên không có thời gian chăm sóc cha mẹ là điều có thể hiểu nhưng chúng ta nên biết cách hòa hợp. Chúng ta có cả đời để làm việc, nhưng cha mẹ không thể nào sống mãi với chúng ta nên các cháu cần chắt chiu từng giờ để có thể đền đáp lại công ơn dạy dỗ, nuôi dưỡng vất vả của cha mẹ", cô Thanh Hà bày tỏ.

GenZ nói thật:  Chữ hiếu ở thời hiện đại thế nào mới phù hợp? - 2

"Chúng ta có cả đời để làm việc, nhưng cha mẹ không thể nào sống mãi với chúng ta". (Ảnh: Washington Post).

Trong văn hóa phương Tây, việc cha mẹ lựa chọn tới viện dưỡng lão sống thay vì ở cùng với con cái được coi là điều hết sức bình thường. Song cô Hà cho rằng, việc các bạn trẻ "rập khuôn" theo văn hóa này như vậy sẽ đánh mất đi giá trị cốt lõi và bản chất của con người Việt Nam.

Bởi ở các nước phương Tây, những dịch vụ chăm sóc ở viện dưỡng lão vốn là được Nhà nước hỗ trợ. Còn ở Việt Nam, nếu như những người cao tuổi không có lương hưu thì họ sẽ phải phụ thuộc vào hầu hết tài chính của con cái.

"Ngược lại, ở Việt Nam, nếu muốn người già được chăm sóc tốt ở viện dưỡng lão, số tiền chúng ta phải bỏ ra là không nhỏ, những người giàu có hoặc có tài chính tốt và ổn định mới có thể chi trả. Vả lại, tôi nghĩ không có gì tốt bằng chính con cái là người chăm sóc cha mẹ khi cha mẹ già yếu", cô Hà cho biết thêm.

Trái ngược với quan điểm của cô Hà, phụ huynh Lê Hằng Nga lại cho rằng, việc con cái  không phải sự đùn đẩy của giới trẻ mà nó phụ thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện của mỗi gia đình.

"Có những gia đình, bố mẹ đồng ý vào viện dưỡng lão nhưng cũng có những gia đình lại phản đối việc này. Theo tôi, con trẻ nên lắng nghe bố mẹ và đưa ra quyết định đúng đắn, phù hợp với bố mẹ và chính mình", phụ huynh Hằng Nga chia sẻ.

Nói về quan điểm cho rằng "bất hiếu khi đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão", phụ huynh Hằng Nga nhận thấy: "Với một số gia đình, họ sẽ đồng ý với quan điểm đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu nhưng cũng có những gia đình có bố hoặc mẹ già quá yếu, sống thực vật và luôn cần hỗ trợ mặt y tế và thuốc thang thì họ hoàn toàn có thể nhờ sự chăm sóc và hỗ trợ của viện dưỡng lão".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm