GenZ nói thật: Con cái không phải "sổ bảo hiểm về già"
(Dân trí) - Có người báo hiếu bằng vật chất, có người chăm lo về tinh thần, tất cả đều đáng quý. Tuy nhiên, nhiều gia đình cho rằng việc có con như có "sổ bảo hiểm khi về già", là quan niệm có phần áp đặt.
"Hiếu" trong văn hóa và giá trị truyền thống
"Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" là truyền thống hiếu đạo của văn hóa Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, khái niệm chữ "hiếu" được hiểu khá rộng từ phạm vi gia đình đến xã hội.
Theo định nghĩa của một số cuốn từ điển tiếng Việt, hiếu có nghĩa là hết lòng thờ phụng cha mẹ, là lòng kính yêu và biết ơn của bậc con cái dành cho đấng sinh thành. Dựa vào thái độ và hành vi, hiếu được hiểu qua nhiều khía cạnh khác nhau như hiếu kính, hiếu thuận, hiếu phụng, hiếu tâm... mở rộng ra là đạo hiếu.
Đối với người Việt Nam, hiếu được biểu hiện qua từng hành động, cử chỉ và lời nói. Ví dụ chăm sóc, phụng dưỡng, kính yêu, vâng lời cha mẹ và thờ cúng tổ tiên...
Khi chữ hiếu được hiểu là đạo, tức cách sống thì nó đã trở thành chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử của con cái đối với cha mẹ và ông bà tổ tiên. Chữ hiếu trong đạo Nho và đạo Phật có những điểm giống và khác nhau. Cả hai đều nhấn mạnh đến việc phụng dưỡng đầy đủ về vật chất và thái độ kính trọng.
Đạo hiếu là giá trị đạo đức cao đẹp, truyền thống văn hóa ngàn đời nay của người dân Việt Nam nói riêng và người dân Á Đông nói chung, là nền tảng gắn kết các thành viên trong gia đình. Dù ở thời đại nào, giá trị đó vẫn còn được lưu giữ và phát triển, song cần phù hợp với những thay đổi thời đại.
"Hiếu" ở thời đại 4.0: Hòa nhập, không hòa tan
Câu chuyện của một nữ Tiktoker trẻ khi cho rằng, cha mẹ ngày nay đang quá khắt khe khi đặt nặng trách nhiệm "trả ơn" lên vai con cái, đã trở thành chủ đề tranh luận trên MXH trong suốt thời gian vừa qua. Xoay quanh câu chuyện này, vấn đề chữ hiếu ở thời hiện đại được đưa ra bàn luận.
Là một nhà nghiên cứu trẻ thuộc thế hệ GenZ (thế hệ của những người ra đời từ năm 1997 tới 2012), có tư duy cởi mở, chuyên viên Đào Lê Tâm An - nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học, trường ĐH Sư phạm TPHCM đã có những phân tích trước vấn đề kể trên.
Trước hết, anh Tâm An cho rằng, chữ "hiếu" luôn trường tồn cùng thời gian.
"Cần phải khẳng định, dù ở bất kì thời đại nào, nét văn hóa đặc trưng của người Á Đông và người Việt Nam chính là việc con cái biết báo hiếu, lễ phép với ông bà, cha mẹ. Mặc dù Việt Nam đang dần hòa nhập cùng thế giới, mở cửa văn hóa, giao lưu khoa học… Nhưng những giá trị trường tồn này vẫn phải luôn được gìn giữ và giáo dục qua từng thế hệ.
Chúng ta cần hòa nhập chứ không được phép hòa tan. Chữ hiếu sẽ không bao giờ cũ nếu nhìn nó ở góc độ động lực, trách nhiệm.
"Con cái cần lớn và trưởng thành nhanh hơn tốc độ già đi của bố mẹ". Đây là mục tiêu nhân văn, góp phần củng cố thêm sức mạnh và niềm tin cho người trẻ, tiếp tục vượt qua những trở ngại của cuộc sống để trưởng thành hơn", anh Tâm An nhấn mạnh.
Có nhiều cách báo hiếu, đừng áp đặt!
Trong Nho giáo có một quan niệm về "hiếu" ít được tán đồng trong thời đại dân chủ là con cái phải hoàn toàn nghe theo lời cha mẹ bất kể đúng hay sai.
Câu nói "phụ xử tử vong, tử bất vong, bất hiếu" (nghĩa là cha muốn con chết, con không chết là con không hiếu) đã không còn phù hợp với thời đại ngày nay.
Trò chuyện cùng phóng viên báo Dân trí, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An cho hay, cũng giống như tình thương của ba mẹ dành cho con có nhiều dạng, cách con cái thể hiện hiếu nghĩa cũng sẽ khác nhau.
"Có người báo hiếu bằng vật chất, có người chăm lo về tinh thần, tất cả đều đáng quý như nhau. Tuy nhiên nhiều gia đình cho rằng việc có con như có "sổ bảo hiểm khi về già", đây là quan niệm có phần áp đặt", anh Tâm An phân tích.
Việc tạo ra một cá thể cần hướng đến hạnh phúc của chính cá thể đó, thay vì suy nghĩ ngay đến việc "báo đáp" và "trả ơn". Ngoài ra, một số phụ huynh biến chữ hiếu trở thành việc ép buộc con cái phải thực hiện ước mơ mà mình còn đang dang dở, thường thấy nhất là việc định hướng nghề nghiệp và chọn người yêu, vợ hoặc chồng.
Bố mẹ cho rằng việc chi phối, yêu cầu con phải làm theo ý mình để khiến mình vui lòng chính là cách báo đáp công ơn, nhưng điều này lại xâm phạm quyền riêng tư, quyết định và loại bỏ cái tôi cá nhân của người trẻ.
"Vai trò của người lớn và gia đình là đồng hành, gợi mở, chia sẻ, chứ không phải cứng nhắc, cực đoan và cho rằng đó là ý nghĩa của chữ hiếu. Hãy tôn trọng sự phát triển và quyền cá nhân của con, trao đổi, lắng nghe để hiểu hơn những gì con cái nghĩ.
Sự tôn trọng mà con cái dành cho bố mẹ phải đến từ những điều thực tế trong cuộc sống, từ cách ứng xử, giao tiếp của phụ huynh. Báo hiếu thời hiện đại phải thật sự xuất phát từ mệnh lệnh của trái tim, chứ không phải một điều khiên cưỡng của lý trí", nghiên cứu sinh thế hệ GenZ chia sẻ.
Anh Đào Lê Tâm An chốt lại vấn đề: ""Bách thiện hiếu vi tiên" (nghĩa là trong trăm cái thiện thì hiếu đứng đầu), đạo hiếu là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, dù còn những hạn chế do những mặt trái gây ra. Việc tiếp nhận những tư tưởng mới, những cách làm mới là điều nên làm, song cần phải chọn lọc, cân bằng để phù hợp với tư tưởng đạo lý của dân tộc".