Gen Z trăn trở Tết này mang gì về cho mẹ sau 8 tháng nghỉ dịch
(Dân trí) - Hòa vào bầu không khí nhộn nhịp của dịp giáp Tết Nguyên Đán 2022 là những nỗi lo lắng, trăn trở của các bạn trẻ không biết "mang gì về cho mẹ" sau một thời gian dài nghỉ dịch.
3 chiếc áo phông, 2 cái quần cùng một ít đồ mỹ phẩm gói gọn trong chiếc túi du lịch nhỏ để mang về quê, từng đó đồ dùng là đủ cho một kỳ nghỉ ngắn 30/4 - 1/5. Ấy vậy mà do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều bạn trẻ đã phải ở nhà, học tập và làm việc online từ xa.
Trải qua 8 tháng nghỉ dịch, từ hè sang đông rồi lại đón mùa xuân về, hội Gen Z dường như đã quen với cuộc sống ở nhà. Có lẽ đây là kỳ nghỉ dài nhất của nhiều bạn trẻ kể từ khi lên thành phố học tập.
Không ai nghĩ rằng một kỳ nghỉ ngắn lại kéo dài đến tận Tết Nguyên Đán. Qua một năm đầy biến động, bao nhiêu dự định, công việc cùng thu nhập tiêu tan chỉ vì "con Cô Vy", hội Gen Z đang mang nhiều tâm sự. Đặc biệt khi gần đây, câu hát vu vơ của Đen Vâu "Mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ" dường như đã đánh vào tâm lý của các bạn trẻ.
Khoảnh khắc đoàn viên chất chứa nỗi lo lắng
Vào thời điểm Sài Gòn bùng dịch mạnh nhất, cuộc sống của sinh hoạt và học tập của Nguyễn Ý Nhi (22 tuổi, TP HCM) chỉ nằm trọn trong gian phòng trọ chưa đầy 30m2. Trước thời điểm dịch, cô bạn có một công việc ổn định đủ kiếm thêm thu nhập và trang trải cuộc sống. Nhưng dưới sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đã "đóng băng" tất cả thu nhập của Ý Nhi.
Sau một khoảng thời gian chôn chân ở quê, Nhi tâm sự: "Khi nghe bài hát "Mang tiền về cho mẹ" mình có chút chạnh lòng. Mình biết thế hệ Gen Z ngày này có rất nhiều bạn tài giỏi, dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã có thể kiếm được vài chục triệu/ tháng thậm chí còn hơn nữa. Có thể Tết này các bạn ấy sẽ mua rất nhiều quà cho ba cho mẹ. Còn mình thì thất nghiệp và vẫn loanh quanh ở nhà, thậm chí có chút ăn bám".
Không chỉ riêng Ý Nhi mà chắc hẳn còn rất nhiều bạn trẻ khác cũng đang cảm thấy như vậy. Nằm trong độ tuổi vừa mới ra trường, công việc chưa được ổn định lại gặp hoàn cảnh dịch dã khiến khó khăn chồng chất khó khăn. Hơn thế nữa, những lúc lướt mạng xã hội gặp "con nhà người ta" mua xe tặng bố mẹ, tự mở cửa hàng kinh doanh, mua IPhone 13 tặng gia đình sau một năm cày cuốc càng khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy áp lực.
Sau tất cả, cô bạn vẫn tự hào rằng bản thân chính là món quà tuyệt vời nhất dành cho mẹ Tết năm nay. "Mình dành cho mẹ một tin bình an giữa Sài Gòn tâm dịch, biết bao nhiêu gia đình mất đi người thân trong đau đớn. Việc dành cho mẹ một cái Tết trọn vẹn và êm ấm với gia đình vẫn đầy đủ người thân khiến mình cảm thấy hạnh phúc. Dù cho có chuyện gì đi nữa, đối với mẹ và gia đình mình thế là đủ", Ý Nhi trải lòng.
Cùng tâm trạng với Nhi, Trần Viết Hà (làm việc tại Đà Lạt) chia sẻ: "Khi địa phương mình bùng dịch, mình thất nghiệp và không có nguồn thu nhập nào nữa. Từ một người tự chủ về tài chính thì mình phải dựa vào gia đình 1 chút ít.
Tết năm nay mình không mang được gì nhiều về cho gia đình. Một năm xa nhà đối với mình là khoảng thời gian dài. Nếu như nói mang gì về thì mình mang nỗi nhớ, mang lòng háo hức và niềm hân hoan của một người con xa nhà, xa quê về với gia đình".
Vượt qua nỗi trăn trở
Có tiền mang về cho cha mẹ thì quá tốt nhưng không có tiền mang về cho cha mẹ thì cũng đừng lo lắng quá. Tết là khoảnh khắc sum vầy của gia đình, sự có mặt của bạn là món quà ý nghĩa nhất.
Đối với Trần Nhật Vy (23 tuổi, Hà Nội) quãng thời gian ở nhà nghỉ dịch là cơ hội hiếm để "cập nhật" lại bản thân, dành được nhiều thời gian cho gia đình hơn. Khoảnh khắc cả nhà quây quần làm món ăn mới, thưởng thức những bữa ăn nóng hổi, tâm sự và chia sẻ mọi thứ với nhau là điều mà Vy khó mà làm được trong cuộc sống bộn bề trước đây
Ở nhà từ cuối tháng 4 đến thời điểm hiện tại, Lê Phan Ý Nhi (sinh viên Đại học Luật Hà Nội) chia sẻ đã bắt đầu cùng gia đình sửa soạn và sắm đồ đón Tết. Dù là một năm không mấy thuận lợi nhưng cô bạn vẫn giữ một tinh thần lạc quan.
"Theo mình thì không chỉ riêng những dịp Tết đến xuân về mà ngày nào, dịp nào cũng vậy, dù đi đâu về đâu cũng nên "mang" năng lượng tích cực, niềm vui và nếu có thì hãy mang thêm "sức lao động" về nhà cho mẹ, đó vừa là vật chất vừa là tinh thần đón Tết cùng gia đình", cô bạn cho hay.
Bố mẹ nào cũng mong muốn con cái có cuộc sống đầy đủ, sung túc. Nếu con cái hạnh phúc thì cha mẹ cũng hạnh phúc, đổi lại con cái buồn phiền thì phụ huynh cũng không thể vui vẻ được. Tết là cuộc hành hương của mọi người con hướng về gia đình. Nếu Tết này bạn chưa thể mang tiền về cho mẹ như lời bài hát của Đen Vâu thì hãy mang "mình" về cho mẹ. Đây chính là điều mà cha mẹ luôn mong ngóng hơn cả.
Những áp lực cơm áo gạo tiền, trăn trở mang gì về cho mẹ sẽ tiêu tan hết khi cả nhà cùng quây quần trong bữa cơm tất niên, lắng nghe tiếng pháo hoa nổ và chào mừng một năm mới với nhiều dự định mới.