Mỹ:
Gen Z mới ra trường có thể trở thành thảm họa nhân sự nơi công sở
(Dân trí) - Lứa sinh viên tốt nghiệp các trường đại học và cao đẳng trong năm 2022 có xu hướng sẵn sàng mang theo quan điểm chính trị của bản thân tới nơi làm việc.
Trong thời đại chiến tranh văn hóa căng thẳng như hiện nay, lứa sinh viên mới tốt nghiệp này có thể trở thành thảm họa nhân sự tiềm tàng cho các doanh nghiệp tại Mỹ.
Một cuộc khảo sát gần đây với 15.000 Gen Z cho thấy những người lao động trẻ tuổi nhất ở Mỹ sẵn sàng mang các hoạt động chính trị vào công sở. Số liệu cho thấy, trong những năm đầu đi làm, Gen Z đã hăng hái truyền bá quan điểm đạo đức thế hệ của họ ở nơi làm việc và thể hiện việc họ sẵn sàng từ chối công việc và nhiệm vụ dựa trên chính trị cá nhân.
Không có gì lạ khi Gen Z sẵn sàng bỏ việc nếu không đạt được điều họ muốn - họ chỉ đơn giản là đang thực hành những gì được dạy ở trường.
Trong những năm gần đây, sinh viên đại học đã trở thành tâm điểm khi thường xuyên áp dụng các chiêu trò kêu gọi, lôi kéo kém văn hóa và thiếu chín chắn.
Sinh viên ngày nay thường xuyên la hét vào mặt những diễn giả mà họ không thích. Họ đòi hỏi phải có những không gian an toàn để tách họ khỏi những ý tưởng khó chịu.
Các sinh viên thậm chí sẵn sàng nói xấu, công kích những bạn cùng lớp và giảng viên không đồng tình với quan điểm chính trị của họ; thực tế là 69% ủng hộ việc báo cáo bài phát biểu "có tính xúc phạm" lên các cấp cao hơn.
Với việc nhượng bộ đám đông sinh viên, lãnh đạo các trường đại học đã nuôi dưỡng tư tưởng "mình có quyền" cho sinh viên, đồng thời làm xói mòn kỹ năng giải quyết xung đột của họ.
Không có gì ngạc nhiên khi Gen Z có rất nhiều đòi hỏi khi đi làm. Các lãnh đạo doanh nghiệp cho biết có nhân viên sẵn sàng xin nghỉ làm chỉ vì bị chuột rút hoặc lo lắng. Họ gây áp lực khiến người sử dụng lao động phải chia sẻ với họ quan điểm về các vấn đề xã hội gây tranh cãi như BLM. Và nếu không nhận được sự đồng tình, họ sẽ xin nghỉ việc.
Đáng chú ý là mặc dù vừa mới gia nhập lực lượng lao động, 37% Gen Z nói rằng họ đã từ chối một công việc hoặc nhiệm vụ được giao vì quan điểm cá nhân, và hơn 1/3 cho biết sẵn sàng bỏ việc dù chưa có cơ hội việc làm nào khác thay thế.
Những người lao động ở thế hệ trước - Gen Y - đã từng là một phép thử về cách mà tư duy này tàn phá nơi làm việc như thế nào. Với các nhân viên từ 25 đến 40 tuổi tích cực hoạt động chính trị, các doanh nghiệp đã buộc phải chọn đứng vào một phe trong cuộc chiến văn hóa.
Tháng trước, các công nhân của Disney đã tuần hành phản đối dự luật "Don't Say Gay" ở Florida (và làm giảm giá cổ phiếu của công ty mặc dù họ vẫn đang làm việc ở đó). Equinox đã phải đối mặt với các mối đe dọa biểu tình vào năm 2019 vì chủ tập đoàn ủng hộ chiến dịch tranh cử của Trump.
Hơn 500 chủ doanh nghiệp đã phải hứng chịu việc nhân viên biểu tình trong vòng ba tuần sau vụ George Floyd bị giết chết vào tháng 5/2020. Vào tháng 6/2020, các nhân viên Facebook làm việc tại nhà vẫn tổ chức một cuộc biểu tình ảo để phản đối việc Zuckerberg không kiểm duyệt Donald Trump.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang bị "mắc kẹt" khi giải quyết những xung đột này, và thực sự không thể có chiến thắng.
Khi ngày càng có nhiều Gen Z tham gia lực lượng lao động - quan điểm của họ đi cùng với mối đe dọa thôi việc, đó là thời điểm tốt nhất để các tập đoàn kiên định với việc phục vụ khách hàng chứ không phải là các tư tưởng chính trị.