"Gaslighting" - thao túng tâm lý trong mối quan hệ tình cảm

Hà Mi

(Dân trí) - Các nhà tâm lý học sử dụng cụm từ "gaslighting" để nhắc tới một kiểu thao túng, trong đó một bên cố gắng khiến cho đối phương tin vào những điều không có thật.

Hành vi thao túng này tồn tại trong các mối quan hệ cá nhân, công việc, hoặc thậm chí ở các nhân vật nổi tiếng. Mới đây, một phân cảnh trong MV "All Too Well" của Taylor Swift đã phác họa hành động gaslighting (phiên âm: ɡæs.laɪ.tɪŋ) được cho là trong mối quan hệ tình cảm cũ của cô.

Gaslighting - thao túng tâm lý trong mối quan hệ tình cảm - 1

Nhân vật nữ (được diễn bởi Sadie Pink) trong phim ngắn "All Too Well" bị thao túng tâm lý bởi người bạn trai của mình (đóng bởi Dylan O'Brien).

Gaslighting không phải lúc nào cũng do chủ ý

Khi gaslighting diễn ra, thường giữa hai người đã có một mối quan hệ. Người thao túng có đủ quyền lực để người bị thao túng không dám thay đổi hoặc bước ra khỏi tình trạng này. Lý do chính là vì người bị thao túng sợ sẽ mất đi mối quan hệ.

Niềm tin của người bị thao túng vào người kia cũng là một yếu tố khiến cho việc gaslighting dễ dàng xảy ra. Nhiều người thậm chí thay đổi quan điểm của mình chỉ để tránh xảy ra mâu thuẫn.

Gaslighting - thao túng tâm lý trong mối quan hệ tình cảm - 2

Để nhận biết bản thân có bị gaslighting hay không không hề dễ dàng (Nguồn: Blend Images/Getty).

Tuy nhiên, người thao túng cũng có thể hành động vô ý hoặc không nhận thức được hành động của mình. Điều này có thể do cách một người được nuôi dưỡng hoặc quan điểm của họ về cuộc sống.

Dấu hiệu cho thấy bạn đang bị gaslighting

Có nhiều dấu hiệu để giúp bạn nhận biết bản thân có bị thao túng hay không. Bạn có thể hay nghi ngờ bản thân hoặc gặp khó khăn khi tự đưa ra quyết định. Nhiều lúc, bạn cảm giác bối rối về mối quan hệ của mình, ví dụ bạn hay có những suy nghĩ như: "Bạn trai/bạn gái mình thật tốt nhưng lúc nào mình cũng cảm thấy có vấn đề".

Gaslighting - thao túng tâm lý trong mối quan hệ tình cảm - 3

Nếu bạn thường xuyên nghi vấn bản thân, có thể bạn đang bị gaslighting (Nguồn: Madelyn Goodnight).

Khi đối chất với người thao túng, bạn thấy mình vô tình rơi vào một cuộc hội thoại mà bạn không dự định có. Bạn luôn có cảm giác mình đang không có tiến triển nào và phải lặp đi lặp lại cùng một nội dung vì không được lắng nghe.

Tệ hơn, bạn lúc nào cũng phải là người xin lỗi hoặc tìm ra lời bào chữa cho hành động của đối phương. Trong thâm tâm, bạn biết được có điều gì không đúng nhưng không chắc đó là việc gì.

Cần làm gì khi bạn bị gaslighting?

Tìm ra vấn đề

Tìm ra vấn đề chính là bước đầu tiên. Một khi đã biết vấn đề của mình là gì, bạn sẽ tìm ra được cách giải quyết dần dần. Robin Stern, tác giả của cuốn sách Hiệu ứng Gaslight, cho rằng bạn có thể viết lại những chi tiết trong cuộc hội thoại để sau này xem lại khi bình tĩnh.

"Điều này sẽ giúp sự thật trở nên rõ ràng hơn", Stern cho biết.

Cho phép bản thân được mất mát

Phần lớn vấn đề với việc gaslighting đó chính là nạn nhân tự vấn những suy nghĩ, giá trị, góc nhìn và cảm xúc của bản thân. Tìm ra được cảm xúc của chính mình, bạn mới có thể hành động đúng đắn hơn.

Nhiều người cũng cố gắng chịu bị gaslighting vì sợ mất đi những mối quan hệ đang có. Tuy rằng việc chịu đựng có thể mang tới nhiều điều tốt đẹp cho bạn nhưng điều đó không đáng để bạn đánh mất bản thân.

Bắt đầu với những quyết định nhỏ

Để bước ra khỏi sự gaslighting, hãy từ từ từng bước một. Biết cách nói không. Đừng tham gia vào cuộc tranh cãi nào mà chỉ là sự tranh giành quyền lực giữa hai bên. Bạn cũng có thể xin ý kiến của bạn bè và gia đình liệu họ có cùng cách nghĩ như người đang thao túng bạn hay không.

Tự yêu bản thân

Hãy có sự thương cảm dành cho chính bản thân. Bạn cần thật thà với cảm xúc của mình. Bạn là người phải tự chịu trách nhiệm với bản thân. Có thể ngày mai đối phương sẽ tốt với bạn, thế nhưng vẫn phải tập trung vào những cảm xúc hiện tại của bản thân.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm