Dù rất phản cảm, trào lưu ăn cắp cốc chén vẫn lan rộng trên TikTok
(Dân trí) - Nhiều chủ nhà hàng cho biết, họ bị thiệt hại nặng nề vì trào lưu ăn cắp vặt được lan truyền rộng rãi trên TikTok.
Mặc dù thực trạng ăn cắp vặt tại các nhà hàng vẫn xảy ra, một trào lưu mới trên TikTok khiến ngày càng có nhiều vị khách "ngứa tay" xuất hiện.
Một TikToker có tên Chris Klemens với 1,6 triệu lượt theo dõi đã đăng tải video bản thân cố tình "bỏ túi" một chiếc dĩa tại nhà hàng cùng dòng trạng thái: "Tôi đã về nhà và chiếc dĩa vẫn an toàn".
Thậm chí, anh chàng còn nói trong video với giọng điệu thích thú: "Đi về nhà với anh nào!".
Thế nhưng khi tờ Insider đề nghị phỏng vấn, Klemens lại chọn cách im lặng.
Trào lưu độc hại
Đoạn thu âm giọng nói trong video của Klemens nhanh chóng trở nên phổ biến sau khi được đăng tải.
Theo Business Insider, có hơn 150.000 video khác sử dụng đoạn audio (thu âm giọng nói) này khi đi trộm ly cocktail, xẻng pizza hay bộ dao dĩa đắt tiền trong nhà hàng.
Trong một vài video, các TikToker khẳng định, họ không ăn trộm. Thế nhưng, rất khó để xác minh rằng, họ có thực sự ăn cắp những món đồ đó hay chỉ đang đùa cợt.
Nhiều chủ nhà hàng chia sẻ, những vị khách có thói ăn cắp vặt không phải gần đây mới xuất hiện. Tuy nhiên, TikTok đã giúp họ không những không giấu giếm mà còn tự hào về hành động này.
Andrew Rigie - giám đốc điều hành Liên minh nhà hàng, khách sạn thành phố New York, Mỹ - chia sẻ: "Tôi chắc chắn trào lưu TikTok này sẽ mang đến nguồn cảm hứng lớn cho những tên ăn cắp vặt tại nhà hàng.
Nhiều người nghĩ hành động này đáng yêu và hài hước. Nhưng đối với những chủ doanh nghiệp nhỏ đang chống chọi để sống sót sau đại dịch thì lại khác".
Hậu quả khôn lường
Will Dee - người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Haven Craft Kitchen + Bar, với 26 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ nhà hàng tại California, Mỹ - cho hay, nhà hàng và quán bar của ông mất từ cái cốc nhỏ đến dao dĩa ăn thịt bò.
Ông Dee ước tính rằng, nhà hàng của mình thiệt hại 10.000 USD/năm (khoảng 236,4 triệu đồng/năm) vì những vị khách kém duyên này. Ông tiết lộ, một chiếc đĩa của nhà hàng thậm chí có giá tới 50 USD (gần 1,2 triệu đồng).
Trong một lần bắt tận tay hành vi trộm cắp, ông đã lịch sự hỏi khách hàng của mình: "Bạn có thể trả lại chiếc cốc trong túi của mình về đúng vị trí trước khi rời đi được không?".
Bên cạnh đó, ông Dee cũng lên tiếng khẳng định, trào lưu ăn cắp vặt tại nhà hàng trên TikTok đã và đang khuyến khích các hành vi phạm tội.
Mathias Van Leyden - chủ sở hữu nhà hàng Loulou Petit Bistro - cho hay, ông phải đào tạo nhân viên dọn một số loại ly cocktail nhất định ngay khi khách uống hết. Bởi nếu không, chúng sẽ "không cánh mà bay".
Ông chia sẻ: "Những kẻ trộm khiến chúng tôi luôn phải mua đồ mới. Thật khó chịu khi người chịu hậu quả là những vị khách sau đó và chính nhà hàng".
Cụ thể, nhà hàng này đã tăng giá 1-2 USD cho mỗi đồ uống để bù lại tổn thất do những tên trộm vặt gây ra. Ông Leyden thậm chí phải giữ những chiếc ly dễ bị mất gần mình để chúng không bị mất.
Chia sẻ với Insider, ông Layden bức xúc: "Tôi buộc phải giữ ly trong căn hộ của mình cách nhà hàng một dãy nhà. Khi nhà hàng gần hết ly, tôi lại phải mang chúng từ nhà đến nhà hàng".
Một số nhà hàng khác đã và đang cố gắng nhìn nhận vấn đề này một cách tích cực. Điển hình là ông Fritz Brogan - đối tác quản lý của Mission Group. Ông cho rằng, việc ăn cắp vặt tại nhà hàng là một hình thức marketing (quảng cáo), hay còn gọi là "marketing 5 ngón".
"Tôi là người theo chủ nghĩa tích cực. Tôi luôn cố gắng tìm sự tích cực trong mọi vấn đề. Tôi nghĩ chúng ta cần xem xét liệu làm thế nào để biến vấn đề thành giải pháp thúc đẩy doanh thu cũng như hoạt động kinh doanh từ vấn đề đó", ông Brogan nói.
Minh chứng cho niềm tin của mình, ông Brogran cho thiết kế bộ ly tại quán bar Royal Sands Social Club của mình theo cách đặc biệt khi biết rằng, kiểu gì chúng cũng sẽ bị lấy mất.
Ông tiết lộ, thỉnh thoảng ông còn nhìn thấy người khác đăng tải video tiệc tùng và uống rượu với những chiếc ly đã bị mất tích tại nhà hàng.