Độc đáo nghệ thuật… cuốn giấy
(Dân trí) - Là một bộ môn nghệ thuật đồng thời cũng là thú chơi đã phát triển nhiều năm nay, quilling (nghệ thuật cuốn giấy, xoắn giấy) không chỉ kết nối mọi người mà còn “nâng đỡ”, truyền đến cho người chơi niềm vui, nghị lực sống.
Tính bất ngờ của những sợi giấy vô tri
Thích làm đồ handmade nên Trang Diệp Trúc (trường ĐH Nha Trang) đã bị quilling thu hút khi lần đầu nhìn thấy tấm thiệp từ một người bạn. “Người ta bảo giấy biết nói đấy. Và với mình, nó luôn hiện diện trong suy nghĩ, nhìn đâu cũng lóe lên ý tưởng để làm”, Trúc bày tỏ.
Tuy nhiên, việc theo đuổi bộ môn nghệ thuật này của Trúc khá hạn chế, khó khăn vì không có phương tiện (máy tính, điện thoại truy cập internet) tiếp cận và học hỏi. Ngay cả việc tìm nguyên liệu thực hiện tác phẩm và cộng đồng để giao lưu Trúc cũng không có vì ở Nha Trang, quilling vô cùng lạ lẫm.
Trúc chia sẻ: “Mình phải lân la đến các nhà sách tìm giấy gấp sao cho trơn và đẹp. Cuối cùng mình cũng tìm được 5 túi nhưng chỉ là 5 màu sắc cơ bản. Vì muốn làm một bức tranh tặng người thân nhân dịp sinh nhật, mình đã tận dụng cả bao đựng hồ sơ xin việc cho màu xanh nhạt, khắc phục mọi thứ như keo sữa tự chế, tăm tre…”.
Là một người khéo léo nên thường chỉ nhìn qua một mẫu sản phẩm, Trúc đã biết được cách làm. Cô bạn cho rằng quilling thật sự không khó. Để làm ra một tác phẩm, khó nhất là thời gian, tâm tình và niềm hứng thú dành cho nó bao nhiêu.
Để có được sự đa dạng về mẫu mã, Trúc thường dựa vào tranh vẽ hoạt hình hoặc những bức họa có sẵn để làm theo bằng phong cách quiiling. Những buổi đi học trên giảng đường, cô bạn dùng “ké” mạng điện thoại của bạn bè tìm kiếm hình ảnh. Có những sản phẩm Trúc tự sáng tạo vì nó mang ý nghĩa cô bạn muốn thể hiện.
Bên cạnh đó, để tạo ra tác phẩm hoàn chỉnh, một chút nhỏ nhặt, một chút khô khan, một chút sắc màu, một chút vô vị lại chính là những cảm xúc, là cuộc sống của chúng ta. Nó đan xen vào nhau, cùng tạo nên những thứ có giá trị. Từ đó nhìn rộng ra, sẽ thấy bản thân chúng ta trong đó”, Trúc bày tỏ.
Cuối cùng, thông điệp cá nhân Trúc muốn thể hiện là những lời cảm ơn, động viên, hay tình cảm thương mến…tới người nhận. “Đó không chỉ là cảm giác thỏa mãn khi được làm thứ mình thích, mà còn thật vui và tự hào khi nghĩ tới gương mặt ngạc nhiên, vui mừng khi người thân thiết nhận món quà lạ, đẹp và “độc” do chính tay ta thực hiện”.
“Quilling mang đến cho mình động lực và niềm vui trong cuộc sống”
Ban đầu, Tuyết Lan (1991) biết đến quilling chỉ với cụm từ tranh giấy xoắn. “Biết thông tin một chị mắc bệnh xương thủy tinh làm tranh quilling rất giỏi nên mình đã tìm hiểu về nó trên mạng. Thấy những sản phẩm về quilling lạ, đẹp nên mình tò mò làm thử. Cuối cùng mình bị nó cuốn hút và đam mê lúc nào không biết”.
Tuyết Lan cho biết, thời gian hoàn thiện các tác phẩm phụ thuộc vào số lượng của các chi tiết. Bức tranh lâu nhất cô bạn thực hiện kéo dài 2 tháng. Tuyết Lan thường sáng tạo và biến đổi các ý tưởng trên nền mẫu có sẵn.
Mắc bệnh loạn dưỡng cơ, thường chỉ có thể ở một chỗ nhưng khi có đam mê tranh cuốn giấy, Tuyết Lan đã không còn buồn nữa. “Mình quen nhiều bạn có chung sở thích để nói chuyện và chia sẻ kinh nghiệm. Tự tay sáng tạo những bức tranh, mình cảm thấy thật vui và cảm thấy làm được việc có ích.
Không những vậy, quilling còn giúp mình có thêm niềm tin và hy vọng. Thay vì hằng ngày ngồi cho thời gian trôi qua, mình học và làm ra những bức tranh hoàn chỉnh, đẹp đẽ. Đó vừa là niềm vui, vừa là công việc. Mình mong sẽ tự nuôi sống bản thân bằng đam mê này, đồng thời gắn bó với quilling lâu dài, đến hết cuộc đời”.
Hoàng Dung