Ngỡ ngàng những tác phẩm giấy của chàng trai 8X
(Dân trí) - Sống trọn niềm đam mê với giấy chính là điều Phương Duy đã và đang làm. Bằng sự khéo léo và khả năng của mình, anh đã đưa những tác phẩm đến gần hơn với cuộc sống đời thường.
Những sợi giấy nhỏ làm nên những bức tranh lớn
Ngô Duy Phương (1989, trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) đến với bộ môn nghệ thuật giấy trong một lần tìm phương thức làm món quà tặng người thân. Kể từ đó, anh rất tích cực mày mò, tìm hiểu thông tin, cách làm trên mạng và diễn đàn nhỏ. Thời điểm này ở Việt Nam, trào lưu chơi các bộ môn nghệ thuật giấy chưa nở rộ nên thông tin và mạng lưới khá ít ỏi.
Nhận thấy điều đó, Duy Phương đã kêu gọi một số người bạn có chung niềm đam mê lập ra 2 fanpage. Đó gần là những cộng đồng Quilling, Kirigami (nghệ thuật cắt giấy), Origami (nghệ thuật gấp giấy) đầu tiên trên facebook: Việt Nam Quilling và Hội những người đam mê đồ chơi giấy.
Đối với Quilling (nghệ thuật xoắn giấy, cuốn giấy), anh thường thực hiện những tác phẩm lớn, mang tính phức tạp, đòi hỏi sự cầu kỳ. “Sự lựa chọn ấy như một cách để anh thử thách chính mình, đồng thời mong muốn tạo ra những sản phẩm độc đáo, ghi dấu ấn cá nhân. Để làm được điều này, rất cần óc sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú”, Duy Phương chia sẻ.
Dành thời gian nhiều cho đam mê của mình nên với những tác phẩm có quy mô, kích thước vừa phải, Duy Phương thường chỉ hoàn thành trong vòng 1 – 2 ngày hoặc 1 – 2 tuần. Khác với nhiều bạn trẻ thích mang tặng những tác phẩm của mình cho mọi người, anh hiếm khi làm vậy. Bởi đối với anh, chỉ những ai biết trân trọng, giữ gìn tác phẩm của mình thì mới tặng.
“Từ những sợi giấy nhỏ, tôi làm ra những bức tranh lớn”, Duy Phương luôn tâm đắc điều này mỗi khi tạo ra các tác phẩm Quilling. “Sẽ thật khó để hình dung cụ thể được rằng các tờ giấy nhỏ ấy, qua bàn tay của những người chơi giấy, sẽ làm nên các bức tranh lớn, hoàn chỉnh và đẹp đẽ.
Tranh gạo gần giống với cách làm như Quilling nhưng khá đơn điệu về màu sắc, chỉ gói gọn trong những gam cơ bản: trắng, vàng, nâu, đen. Ngược lại, Quilling lại bắt mắt với sự phong phú, đa dạng sắc màu”.
Duy Phương cho rằng, để có thể sáng tạo ra những tác phẩm đẹp và sáng tạo về Quilling phải đảm bảo những tông màu luôn hài hòa, tinh tế. Điều này đòi hỏi có sự kết hợp của các yếu tố: thẩm mĩ, kinh nghiệm, sự khéo léo.
Hiện tại, mặc dù bận bịu với công việc của mình nhưng Duy Phương vẫn vận động tài trợ, tổ chức các cuộc thi nhỏ về Quilling trên fanpage. “Tôi muốn thông qua những cuộc thi này, sẽ tạo được sự gắn kết, giao lưu, trao đổi giữa mọi người, đồng thời như một sự khích lệ và cổ vũ cho các bạn trẻ biết đến và ham mê giấy, phát triển cộng đồng mạnh mẽ hơn. Chơi giấy là hoạt động lành mạnh, mang lại nhiều lợi ích: rèn luyện được tính sáng tạo, kiên trì”, anh nói.
Sống trọn đam mê giấy
Khác với nhiều bạn trẻ kết thúc sinh viên cũng đồng nghĩa với việc dừng chơi giấy, bộ môn nghệ thuật này đối với Duy Phương không chỉ là ham mê, càng không phải hứng thú nhất thời mà nghiêm túc, kiên định khi biến nó trở thành nghề nghiệp theo đuổi lâu dài.
Hiện tại, bên cạnh chụp ảnh, anh cung cấp các dịch vụ trang trí đám cưới. Công việc này đến với Duy Phương vô cùng tình cờ. Được 2 người bạn nhờ trang trí tiệc cưới thông qua những bông hoa giấy, anh đã nảy ra ý tưởng phát triển loại hình dịch vụ này.
Mặc dù vẫn còn khá mới mẻ nhưng loại hình trang trí này đang rất được những cặp đôi ưa chuộng. Anh Duy Phương cho biết: “Tuy không sang trọng như hoa tươi nhưng hoa giấy có vẻ đẹp quý phái khó cưỡng”.
Tuy chưa mở rộng và quảng bá rộng rãi về dịch vụ của mình nhưng mỗi tháng, Duy Phương vẫn phụ trách trang trí 1 – 2 tiệc cưới. Mức giá tùy thuộc vào đối tượng và nhu cầu của khách hàng: 5 – 10 – 15 triệu đồng/tiệc cưới.
Học chuyên ngành ngân hàng tại một trường kinh tế, bố mẹ mong muốn anh có một công việc ổn định nhưng Duy Phương đã luôn quyết tâm đi theo nguyện vọng của bản thân mình. Anh bày tỏ: “Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống nên anh luôn mong muốn sống tự do, tự tại và làm những gì có ích cho bản thân, xã hội.
Công việc nhiều lúc dồn dập và mệt mỏi nhưng khi đã cảm thấy thoải mái và thích thú với nó thì làm mãi không biết chán. Được sống với thứ mình thích đã là một niềm hạnh phúc”.
Với Duy Phương, gắn bó với bộ môn nghệ thuật giấy còn giúp anh kết nối, giao lưu thêm nhiều người bạn trên mọi miền đất nước có chung sở thích, đam mê. Những lúc “du ký” tới tỉnh thành khác, anh lại nhận được sự tiếp đón nhiệt tình.
“Còn một điều anh cảm thấy may mắn chính là thông qua niềm đam mê này, bản thân đã được khá nhiều người biết đến và yêu quý, đồng thời cũng tạo dựng được thương hiệu cá nhân khá tốt”, Duy Phương nói.
Hoàng Dung