"Cơn nghiện" mua quần áo cũ có giá chưa bằng cốc trà sữa
(Dân trí) - Khi quần áo được bán ra với mức giá "hạt dẻ", nhiều bạn trẻ hiện nay có xu hướng mua sắm thỏa thích mà không cần suy nghĩ.
Chia sẻ với Cosmopolitan, một số người trẻ tại Anh cho biết, việc đầu tiên họ làm sau khi thức dậy không phải là lướt TikTok hay Instagram, mà là dạo một vòng các ứng dụng mua bán quần áo cũ.
Họ có thể dành nhiều giờ lướt ứng dụng, kiểm tra xem các món đồ của mình được bán chưa và mua những bộ quần áo "si" với mức giá còn chưa bằng cốc trà sữa.
Ảnh hưởng tích cực của trào lưu săn đồ cũ
Với sức nóng của trào lưu mua sắm đồ cũ, 57% trong số 75 triệu người dùng của Vinted là những người trẻ thuộc độ tuổi 18-34. Năm 2022, đây trở thành ứng dụng mua sắm trực tuyến phổ biến nhất tại Anh, vượt qua Amazon và nhà bán lẻ thời trang nhanh SHEIN.
Depop - ứng dụng mua sắm đồ cũ khác - cũng đạt 30 triệu người dùng, trong đó số người dùng dưới 26 tuổi chiếm 90%.
Ngành công nghiệp thời trang chiếm 10% trong tổng lượng khí thải các-bon của con người. Trong những năm gần đây, nhiều người dần chú trọng đến vấn đề tiêu thụ quần áo quá mức.
Khoảng 75% sinh viên cho rằng, văn hóa săn đồ cũ là cách tuyệt vời để họ có thể thoải mái mua sắm mà không gây hại cho môi trường. Hơn nữa, họ còn dễ dàng kiếm thêm thu nhập trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt bằng việc bán đi những bộ đồ mình không mặc.
Mặt trái của những món đồ giá rẻ
Thực tế, khi mọi thứ đều được bán với giá chỉ 3-4 bảng Anh (khoảng 88.000-118.000 đồng), việc mua sắm càng trở nên dễ dàng mà không cần suy nghĩ quá nhiều.
"Tôi dành hàng giờ đồng hồ trên các ứng dụng mua bán đồ cũ, tiêu hơn 100 bảng Anh (khoảng 2,9 triệu đồng) với những món đồ mà có khi tôi chỉ mặc đúng một lần", Chantal Derrick - cô gái 25 tuổi - chia sẻ trên TikTok.
Càng bất ngờ hơn, trong 600 bình luận, nhiều người cho hay, họ đã mua tổng cộng 57 món đồ trong một tháng. Những người dùng khác lại tốn hơn 500 bảng Anh (khoảng 14,7 triệu đồng) cho việc mua sắm quần áo cũ chỉ trong một ngày.
Với những yếu tố như môi trường, phong cách cá nhân và chất lượng quần áo, việc mua đồ cũ là lựa chọn tối ưu so với việc sắm quần áo mới, nhất là khi so sánh với thời trang nhanh. Quần áo "si" đem lại chất lượng và tính hữu dụng khó kiếm được tại thị trường thời trang nhanh hiện nay.
Một báo cáo của Vox đã nhấn mạnh, văn hóa tiêu dùng hiện đại khiến cho ngành công nghiệp thời trang trở nên thụt lùi: "Thời trang hiện nay có xu hướng tập trung vào khả năng sản xuất và thiết kế hơn là tính hữu dụng, trong khi nó nên được cân bằng giữa cả ba yếu tố".
Việc mua sắm quần áo cũ cũng đối mặt với thách thức của văn hóa sản xuất và tiêu thụ quá đà.
Những quốc gia như Ghana đã phải chịu gánh nặng từ việc quyên góp quá mức. Chợ Kantamanto tại Accra nhận được hơn 15 triệu món đồ mỗi tuần. Trong đó, hơn 1/3 số quần áo cuối cùng bị vứt đi và gây ô nhiễm môi trường biển.
Thực tế, quá trình mua bán đồ cũ đôi khi chỉ làm trì hoãn việc nó sẽ bị đưa vào bãi rác.
Tối ưu hóa việc mua sắm đồ "si"
Tiến sĩ Amber Martin-Woodhead - trợ lý giáo sư Địa lý Nhân học tại Đại học Coventry - cho biết: "Tôi không muốn ngăn cản mọi người mua đồ cũ".
"Nhưng điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm là không mua gì cả. Sự chồng chéo và quá tải của hàng hóa đã qua sử dụng có thể dẫn đến ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, quá trình vận chuyển, giao hàng cũng có thể tạo ra lượng khí thải và chất thải khác. Điều quan trọng nhất bây giờ có lẽ là bình thường hóa việc sở hữu ít quần áo", bà chia sẻ thêm.
Tiến sĩ Martin-Woodhead đề xuất việc đặt giới hạn cho mua sắm và áp dụng nguyên tắc "chất lượng hơn số lượng". Điều đó có nghĩa là chọn những món đồ thời trang vượt thời gian, có chất lượng tốt và độ bền cao.
Việc mua sắm đồ cũ có thể là lựa chọn thông minh nếu chúng ta biết cách chọn lọc. Bằng cách lựa chọn những món đồ chất lượng cao và có tính thiết yếu, người tiêu dùng có thể tiết kiệm tiền, giảm lượng quần áo mới được sản xuất.
Đồng thời, việc bán lại quần áo cũ cũng tạo ra chu trình tái chế và tái sử dụng, từ đó giúp giảm thiểu lượng rác thải vào môi trường.
Nguyên nhân của trào lưu săn đồ cũ có lẽ đến từ nhu cầu cần có những bộ cánh mới của giới trẻ.
Mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thái độ này, như tiến sĩ Martin-Woodhead nhận thấy: "Giới trẻ đang chịu áp lực lớn để luôn sở hữu những bộ trang phục mới và phải trông thật chau chuốt. Bởi hiện nay, mọi thứ đều được đăng tải trên mạng xã hội".
Suy cho cùng, việc mua sắm quần áo đã qua sử dụng là trào lưu có tác động tích cực, nhưng quan trọng hơn cả là phải tính toán kỹ lưỡng trước khi mua để đảm bảo không lãng phí. Đồng thời, tận dụng việc tái sử dụng những gì đã có cũng giúp tăng cường bảo vệ môi trường.
Việt Trinh