"Cơn nghiện" Internet và lối thoát nào cho giới trẻ hiện nay?

PV

(Dân trí) - Trước sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, nhiều trường học tại Nhật Bản đã tìm cách giúp giới trẻ thoát ra khỏi máy tính, điện thoại di động.

Hiromu Abe - học sinh năm cuối cấp 2 ở Higashi-Matsushima, tỉnh Miyagi, Nhật Bản - quyết định chỉ sử dụng điện thoại thông minh cho đến 9h tối. Sau đó, cậu dành thời gian còn lại để học bài và chạy bộ.

"Tôi cảm thấy mình đang sử dụng thời gian một cách có ý nghĩa", Abe nói.

Trước đây, Abe dành 5 tiếng mỗi ngày trong tuần và 12 tiếng vào cuối tuần để chơi điện thoại.

Cậu không thể rời mắt khỏi những video chơi điện tử được đăng tải trên mạng.

Abe đã thay đổi thói quen này sau khi tham gia sự kiện "Kodomo Mirai Summit" - hội nghị vì tương lai của trẻ em - được diễn ra vào năm ngoái.

Trong sự kiện này, các học sinh tiểu học và trung học ở Higashi-Matsushima thảo luận về cách sử dụng điện thoại thông minh, cùng các phương tiện kỹ thuật số khác.

Qua đó, mọi người sẽ đặt mục tiêu về lượng thời gian được sử dụng điện thoại, đặt tên cho nó là "Mục tiêu Higashi-Matsushima".

Cơn nghiện Internet và lối thoát nào cho giới trẻ hiện nay? - 1

Học sinh trung học đã tự đặt ra mục tiêu để giảm thiểu thời gian sử dụng điện thoại và mạng xã hội (Ảnh: iDrop News).

Đối với học sinh trung học, mục tiêu được đặt ra là "không sử dụng quá 90 phút". Những tháng sau đó, thời gian giới hạn sẽ được giảm xuống còn 48 phút mỗi ngày.

Qua thông báo ở trường học, hội đồng học sinh đã kêu gọi mọi người tuân thủ các quy định về việc sử dụng điện thoại thông minh.

Abe chia sẻ: "Tôi đã có thể tập trung học tập hơn nhiều". Sau đó, cậu trở thành một trong những học sinh xuất sắc tại trường.

Theo giáo viên chủ nhiệm của Abe, sáng kiến của trường đã có nhiều hiệu quả tích cực.

"Số lượng học sinh đến phòng y tế với lý do thiếu ngủ giảm 20%. Việc duy trì giờ giấc đều đặn là nền tảng để cải thiện chất lượng học tập", vị giáo viên chia sẻ với The Japan News.

Phương pháp đọc sách chuyên sâu

Mỗi học kỳ, học sinh tại trường THCS thuộc Đại học Nữ sinh Nhật Bản được yêu cầu đọc một cuốn sách. Các em sẽ dành nửa tiết học tiếng Nhật để thực hiện hoạt động này, khoảng thời gian đó được gọi là "đọc chuyên sâu".

Theo nhà trường, việc đọc sách vừa giúp học sinh tích lũy nhiều kiến thức, vừa khiến các em bớt phụ thuộc vào thiết bị di động.

Giới trẻ hiện nay thường bị thu hút bởi những video ngắn trên mạng xã hội TikTok - xu hướng video có thể cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, chỉ trong vòng 10 giây.

Cơn nghiện Internet và lối thoát nào cho giới trẻ hiện nay? - 2

Học sinh dành nửa tiết học tiếng Nhật để "đọc sách chuyên sâu" (Ảnh: The Yomiuri Shimbun).

Theo hiệu trưởng Yukiko Nonaka, các tác phẩm trong sách giáo khoa là đoạn nhỏ được trích ra. Vì thế, các thông tin được đăng tải trên mạng xã hội thường không đầy đủ và không thể hiện được toàn bộ nội dung của một tác phẩm.

"Bằng việc đọc sách và đọc một cách kỹ lưỡng, học sinh sẽ học được phương pháp nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau", Yukiko Nonaka chia sẻ thêm.

Đối với phần lớn học sinh, ban đầu các em chỉ có thể đọc lướt và nắm sơ qua nội dung của một cuốn sách. Tuy nhiên, việc đọc chuyên sâu sẽ giúp giới trẻ trở nên nhạy cảm với ngôn ngữ, hiểu được suy nghĩ và thông điệp tác giả muốn truyền tải.

Cơn nghiện Internet và lối thoát nào cho giới trẻ hiện nay? - 3

Học sinh dễ dàng bị thu hút và có thể dành nhiều tiếng để xem các video ngắn (Ảnh: Me Time Japan).

Mari Nakahama (14 tuổi) chia sẻ, cô rất thích xem các video ngắn trên mạng xã hội, đôi khi còn dành gần 2 tiếng để xem chúng.

Hiện tại, mỗi khi ngồi trên tàu, Nakahama thường đọc sách thay vì lướt điện thoại.

"Việc đọc chuyên sâu không cung cấp thông tin một cách trực tiếp và nhanh chóng nhất. Tuy nhiên, thông qua việc đọc sách, tôi hiểu được những suy nghĩ, trạng thái tâm lý mà nhân vật trong tiểu thuyết mang lại", Nakahama nói.

Từ đó, Nakahama có thể nhìn nhận thế giới từ nhiều góc độ khác nhau, đó là trải nghiệm mà video ngắn không thể đem đến.

Mari Nakahama dần nhận ra việc đọc sách chuyên sâu vô cùng quan trọng, dù nó tốn nhiều thời gian hơn so với việc xem video ngắn.

Tác động tiêu cực với não giới trẻ

Theo cuộc khảo sát do Văn phòng Nội các tiến hành vào năm 2022 với tổng số 5.000 học sinh 10-17 tuổi, trung bình học sinh dành 4 tiếng 41 phút để lướt mạng vào các ngày trong tuần.

Có khoảng 930.000 học sinh THCS và THPT bị nghi ngờ "nghiện" Internet và trò chơi trực tuyến, dựa trên cuộc khảo sát được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu tại Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi của Nhật Bản tiến hành vào năm 2017.

Con số này đã tăng đáng kể so với khoảng 520.000 người trong cuộc khảo sát trước đó vào năm 2012.

Cơn nghiện Internet và lối thoát nào cho giới trẻ hiện nay? - 4

Tình trạng "nghiện" Internet và trò chơi điện tử của trẻ em Nhật Bản có xu hướng gia tăng (Ảnh: Flickr Creative Commons).

Tiến sĩ Yasuyuki Taki của Đại học Tohoku, Nhật Bản - chuyên gia về khoa học não bộ - kêu gọi sự cảnh giác với xu hướng này.

"Thùy não - cơ quan điều chỉnh cảm xúc - vẫn chưa hoàn toàn phát triển ở trẻ đang độ tuổi dậy thì.

Các nội dung trên mạng xã hội có thể kích thích nhiều giác quan của trẻ em. Do đó, cần có những quy định để giới hạn thời gian sử dụng Internet để các em có thể tiếp cận một cách an toàn và có ý thức", tiến sĩ Yasuyuki Taki chia sẻ.

Cơn nghiện Internet và lối thoát nào cho giới trẻ hiện nay? - 5

Người trẻ cần được giám sát khi sử dụng điện thoại di động để tránh hệ lụy lâu dài (Ảnh: Storyblocks).

Năm 2020, tại thị trấn Miyota thuộc tỉnh Nagano (Nhật Bản), 3 trường tiểu học và THCS đã ban hành một tuyên bố về việc sử dụng Internet, sau đó là tuyên bố của phụ huynh với sự dẫn dắt từ hiệp hội phụ huynh và giáo viên.

Theo đó, mỗi gia đình cần tạo ra các quy tắc riêng và trở nên nghiêm khắc hơn với trẻ em trong việc sử dụng thiết bị di động.

Sachi Tajima - phó giáo sư tại Đại học Tokai (Nhật Bản), người có kinh nghiệm trong vấn đề sử dụng điện thoại và mạng xã hội - chia sẻ: "Cha mẹ và người giám hộ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ em sử dụng điện thoại thông minh đúng cách".

Việt Trinh