Chính quyền Hàn Quốc là "ông mai, bà mối" giúp giới trẻ tìm người yêu
(Dân trí) - Tại Hàn Quốc, nhiều thành phố đã đứng ra tổ chức các cuộc gặp mặt nhằm mai mối cho những bạn trẻ chưa có người yêu.
Phòng hội trường của khách sạn được trang trí ngập tràn bóng bay màu hồng, tiếng nhạc lãng mạn, du dương vang bên tai của 100 người độc thân đang gặp mặt để làm quen. Những người có mặt tại hội trường đều có điểm chung: Mong chờ một tình yêu viên mãn.
Mặc dù đã trải qua 5 tiếng gặp mặt và tham gia bữa tiệc đến 1h sáng, Mia Kim (37 tuổi, đến từ Hàn Quốc) - một trong 50 người phụ nữ có hẹn với 50 người đàn ông - vẫn cảm thấy "thời gian trôi qua thật nhanh".
Theo The Japan Times, người phụ nữ 37 tuổi tham gia sự kiện hẹn hò do chính quyền thành phố Seongnam (Hàn Quốc) tổ chức.
Khi chính quyền là "ông mai, bà mối"
Sự giảm sút trong số lượng kết hôn ở Hàn Quốc dẫn tới tỷ lệ sinh giảm. Năm 2022, tỷ lệ sinh của đất nước này chứng kiến mức giảm trong 7 năm liên tiếp, xuống còn 0,78, khiến các quan chức nỗ lực tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng dân số.
Đối mặt với tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới trong 3 năm liên tiếp, ngày càng nhiều thành phố tại Hàn Quốc đứng lên tài trợ các sự kiện hẹn hò giấu mặt cho các đối tượng độc thân, nhằm thúc đẩy giới trẻ tiến tới hôn nhân và thành lập gia đình.
"Thái độ tiêu cực đối với hôn nhân ngày càng lan rộng trong xã hội Hàn Quốc. Tạo điều kiện cho những người trẻ tìm được bạn đời giờ đây là nhiệm vụ của chính quyền địa phương", Shin Sang Jin - thị trưởng của thành phố Seongnam - cho biết.
Tuy nhiên, khi được hỏi về nguyên nhân của vấn đề "sợ sinh đẻ", nhiều người trẻ tại xứ sở kim chi cho hay, chi phí đắt đỏ cho việc chăm sóc con cái, nhà cửa và những áp lực làm việc nặng nề là một số rào cản lớn nhất dẫn đến tỷ lệ sinh thấp.
Đặc biệt, nhiều phụ nữ chia sẻ rằng, họ phải đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử tại môi trường làm việc với tư cách là "bà mẹ đi làm".
Chính vì những nguyên nhân này, một số người cảm thấy các sự kiện hẹn hò không đủ để giải quyết loạt vấn đề còn tồn đọng trong xã hội. Thậm chí, một bộ phận khác cho rằng, chính quyền thành phố đang can thiệp quá sâu vào lựa chọn sinh đẻ vốn là quyết định của mỗi cá nhân.
Dẫu vậy, những sự kiện hẹn hò giấu mặt vẫn thu hút được sự quan tâm lớn của người trẻ. Thành phố Seongnam nhận được hơn 1.000 đơn đăng ký tham gia và thu về sự đánh giá cao cho các buổi "mai mối" này.
Để tổ chức những buổi gặp mặt như vậy, thành phố một triệu dân đã chi khoảng 192.000 USD (khoảng 4,6 tỷ đồng) và dự kiến tiếp tục triển khai nhiều sự kiện khác trong năm nay.
"Chúng tôi chỉ muốn thấy gương mặt phấn khích và hạnh phúc của những người trẻ khi tham gia buổi hẹn hò", Kang Mi Jeong - trưởng nhóm tổ chức sự kiện nhằm giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp - cho biết.
Tại Hàn Quốc, nhiều thành phố nhỏ đã tổ chức các sự kiện tương tự trong nhiều năm, nhắm đến những người độc thân trong độ tuổi 27-39. Những buổi gặp gỡ mai mối cũng được diễn ra ở các quốc gia có tỷ lệ sinh thấp như Trung Quốc, Nhật Bản.
Kết quả, thành phố Jinju (nằm ở phía Đông Nam của Hàn Quốc) đã ghép đôi thành công cho 11 cặp đôi trong suốt 12 năm tổ chức sự kiện. Còn ở thành phố công nghiệp Gumi, 13 cặp đôi đã bước vào lễ đường sau khi gặp nhau qua các sự kiện gặp gỡ tại đây.
Phản ứng trái chiều của giới trẻ
Mặc dù đang xem xét tổ chức một buổi hẹn hò giấu mặt cho công dân, các quan chức ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) cho biết, họ mắc phải một số khó khăn khi gặp nhiều phản ứng tiêu cực của người trẻ về hoạt động này.
"Tôi không nghĩ rằng những buổi gặp mặt sẽ giúp giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh thấp", Jeon Seol Hee (27 tuổi, sinh viên mới tốt nghiệp) nói.
"Đối với phụ nữ trẻ, điều họ lo ngại là việc có con sẽ làm gián đoạn con đường sự nghiệp", mặc dù có bạn trai, Seol Hee vẫn chưa quyết định liệu bản thân sẽ có con hay không.
Một số người trẻ Hàn Quốc khác cũng bác bỏ dự án, coi việc tổ chức những sự kiện tương tự là "hành động lạm quyền".
"Cảm giác hơi giả tạo. Thật kỳ lạ khi chính phủ cố gắng can thiệp vào các mối quan hệ cá nhân của công dân", Park Soo Min (30 tuổi, nhân viên của công ty truyền thông ở Incheon, Hàn quốc) cho hay.
"Giảm giờ làm việc, xây dựng văn hóa làm việc thân thiện và tăng cường bình đẳng giới trong gia đình sẽ hiệu quả hơn việc mai mối khi giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp", Jung Jae Hoon - giáo sư nghiên cứu về phúc lợi xã hội tại Đại học Nữ Seoul, Hàn Quốc - chia sẻ.
Tại thành phố Seongnam, các quan chức cho biết, những buổi hẹn hò giấu mặt không được coi là giải pháp cuối cùng cho vấn đề dân số.
Tuy nhiên, họ tin rằng, các sự kiện này sẽ đáp ứng nhu cầu xã hội. Bởi trong số 200 người độc thân tham dự, có đến 78 người đã có cặp sau buổi gặp gỡ tìm người "tâm đầu ý hợp" của mình.
Hwang Da Bin (33 tuổi, nhân viên bất động sản độc thân suốt 6 năm ở Seongnam) cho biết, anh muốn tham dự những sự kiện này vì đại dịch đã ảnh hưởng đến đời sống xã hội của anh.
"Tôi rất vui khi biết rằng, sự kiện này sẽ được tổ chức trực tiếp. Tôi đã kết đôi thành công với một cô gái. Chúng tôi vẫn nói chuyện với nhau sau vài tuần gặp mặt", chàng trai 33 tuổi cho hay.
Mặc dù không tìm được bạn trai phù hợp, người phụ nữ họ Kim cho biết: "Tôi không cảm thấy thất vọng. Tận hưởng thời gian vui vẻ với những người bạn tốt đã đủ khiến tôi hài lòng".