Chia tay chồng sắp cưới vì không cho mua túi Dior đắt đỏ

PV

(Dân trí) - Zhang Jie nhận thấy cô và chồng sắp cưới quá khác biệt. Với cô, chiếc túi hàng hiệu có giá bằng 3 tháng lương rất đáng mua.

Hong Mengyue (31 tuổi) vẫn nhớ lần đầu cô được nhìn tận mắt chiếc túi Chanel xa xỉ vào 9 năm trước. Đó là sau lễ tốt nghiệp đại học, một người bạn cùng lớp đã mang mẫu thiết kế trị giá 30.000 nhân dân tệ (khoảng 100 triệu đồng) tới nhà cô.

"Vì sợ mèo của tôi sẽ làm hỏng món đồ đắt đỏ kia, cô ấy hỏi liệu có thể để túi lên giường tôi được không. Đó là khi tôi nhận ra sự khác biệt giữa túi xách của tôi và của bạn mình", Hong kể lại.

Trong thời gian làm việc tại một công ty quảng cáo ở Thượng Hải (Trung Quốc), Hong đã có cơ hội tiếp xúc với giới thời trang và hàng hiệu.

Sau khi nhận ra bạn cùng lớp của mình sở hữu mẫu túi Chanel Classic Flap huyền thoại, Hong thề với bản thân rằng, mình sẽ mua một chiếc túi như vậy.

Chia tay chồng sắp cưới vì không cho mua túi Dior đắt đỏ - 1
Chanel vẫn luôn là thương hiệu mơ ước của biết bao cô gái (Ảnh: IC).

Năm 2019, giá túi Chanel Classic Flap là 38.000 nhân dân tệ (khoảng 126 triệu đồng). Đến năm 2023, mức giá đã tăng gấp đôi - lên đến 71.800 nhân dân tệ (khoảng 239 triệu đồng) - cho một chiếc túi.

"Túi hiệu ngày càng đắt nhưng lương của tôi thì vẫn vậy", Hong chia sẻ.

Đồ hiệu tăng giá chóng mặt

Tại Trung Quốc, Chanel không phải là hãng thời trang xa xỉ duy nhất tăng giá. Tháng 12/2022, thương hiệu Hermès đã tăng giá 5-10%. Trong khi Dior, Gucci, Louis Vuitton và Saint Laurent cũng thông báo về việc tăng giá tùy vào từng sản phẩm, Sixth Tone đưa tin.

Xu hướng này bắt nguồn từ sự ảnh hưởng của đất nước tỷ dân với thị trường hàng hiệu toàn cầu. Trong thập kỷ qua, hàng triệu người tiêu dùng làm nên sự thành công của thị trường hàng hiệu phương Tây.

Đây cũng là nguồn gốc của nghề daigou - những người chuyên buôn hàng xách tay ở nước ngoài hoặc sản phẩm tại các cửa hàng miễn thuế, giúp khách hàng tránh thuế nhập khẩu cao đối với đồ hàng hiệu.

Điều này khiến doanh số bán hàng của các thương hiệu xa xỉ sụt giảm tại Trung Quốc.

Chia tay chồng sắp cưới vì không cho mua túi Dior đắt đỏ - 2
Cửa hàng túi hiệu second-hand tại Thượng Hải, Trung Quốc (Ảnh: Gao Yidan).

Để giải quyết tình trạng đó, các thương hiệu đắt đỏ quyết định giảm giá sản phẩm của mình từ năm 2015. Phương án điều chỉnh giá cả nhanh chóng thành công, những người trẻ tuổi ở Trung Quốc dần thúc đẩy thị trường đồ hiệu.

Theo một cuộc khảo sát của UBS Group năm 2018, những người thuộc thế hệ Millennials (sinh năm từ 1981 đến 1996) sẵn lòng dành khoảng 20% thu nhập dùng để mua hàng xa xỉ.

Hiện nay, với sự tăng giá không ngừng của đồ hiệu, hầu hết người tiêu dùng trẻ tuổi trước khi "xuống tay" cần thắt chặt chi tiêu và cân nhắc thật kỹ lưỡng.

Trước đây, ước mơ sở hữu hàng xa xỉ tại Trung Quốc gần như nằm trong tầm tay của nhiều người. Nhưng với sự thay đổi về cung cầu, chi phí sản xuất tăng và lạm phát, các thương hiệu cao cấp đang điều chỉnh mục tiêu đối tượng khách hàng để duy trì tính độc quyền và sự hấp dẫn.

Đồ xa xỉ không dành cho người thu nhập thấp

Gần đây, mẫu túi Chanel 22 "gây sốt" khắp thế giới, được mệnh danh là "garbage bag" bởi vẻ ngoài trông như túi rác nhưng vẫn luôn trong tình trạng khan hiếm tại Trung Quốc.

Chia tay chồng sắp cưới vì không cho mua túi Dior đắt đỏ - 3

Mẫu túi Chanel 22 đang "làm mưa làm gió" trên các diễn đàn thời trang (Ảnh: Purseblog).

Không ngoại lệ, thiết kế này nhanh chóng thu hút sự chú ý của Hong.

Đầu năm nay, sau khi nhận được tiền thưởng Tết, Hong Mengyue đã đến cửa hàng và thử túi. Tuy nhiên, nhân viên tại đây nói rằng, cô phải đợi nhiều tháng mới có thể mua được.

Sau một hồi suy nghĩ và xem xét, Hong cùng chồng sắp cưới nhận thấy, chiếc túi này thích hợp để cô đựng máy tính xách tay.

"Nhưng nhân viên bán hàng nói với tôi rằng dây đeo của chiếc túi không đủ chắc, khuyên tôi không nên đựng máy tính xách tay hay thậm chí cả máy tính bảng vào trong", Hong kể.

Cặp đôi nhìn nhau bối rối và rời khỏi cửa hàng. "Rõ ràng, Chanel chỉ dành cho người giàu. Các thiết kế của hãng không dành cho những người làm công ăn lương bình thường", cô nói.

Có lẽ không phải ai cũng có thể mua được đồ xa xỉ. Nhân dịp Valentine năm nay, Yuan (32 tuổi) lựa chọn một chiếc túi xách cao cấp. Nhưng nhân viên đã thông báo không còn chiếc túi nào trong kho với khuôn mặt lạnh lùng.

"Lúc rời đi, tôi nghe thấy nhân viên nói rằng, tôi không thể mua được một chiếc túi hàng hiệu chỉ bằng cách đến hỏi cửa hàng", anh nói.

Lý do là họ ưu tiên khách VIP và khách quen.

"Tất cả các thương hiệu xa xỉ nhận ra rằng, khách hàng cao cấp là chìa khóa để tồn tại và phát triển", Zhou Ting - đồng chủ tịch của Yaok Group, chuyên nghiên cứu về ngành công nghiệp xa xỉ - chia sẻ với Sixth Tone.

Đối tượng khách hàng có tài sản hơn 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 33 tỷ đồng) chiếm chỉ 3/1.000 người tại Trung Quốc, nhưng tiêu thụ hơn 80% tổng các mặt hàng xa xỉ.

Trước khi đại dịch bùng phát, các thương hiệu đắt đỏ áp dụng nhiều chiến lược để phát triển bằng cách mở rộng đối tượng tiêu dùng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế thế giới trở nên trì trệ, họ lại tập trung nhiều hơn vào những nhóm khách hàng siêu giàu.

Chia tay chồng sắp cưới vì không cho mua túi Dior đắt đỏ - 4
Nhiều người trẻ xếp hàng tại cửa hàng Dior ở Thượng Hải (Ảnh: VCG).

Một ngày sau khi chia tay chồng sắp cưới, Zhang Jie (28 tuổi) bước vào cửa hàng Dior sang trọng để mua một chiếc túi mới, dù cô biết rằng nó tốn ít nhất 3 tháng lương của mình.

Mệt mỏi vì những tranh chấp tài chính, việc vay mượn để mua nhà và gánh nặng khi phải nuôi con, Zhang hy vọng một chiếc túi đắt tiền sẽ giúp cô xóa tan đi nỗi lo.

Đồ hàng hiệu ngày càng tăng giá, cô không muốn phải chờ đợi lâu. Nhưng vị hôn phu của cô lại không nghĩ vậy.

"Tôi nhận ra rằng, chúng tôi quá khác biệt. Anh ấy muốn tiết kiệm để có khoản dự phòng, còn tôi chỉ muốn sống cho hiện tại", Zhang nói.

Việt Trinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm